Thị trường bất động sản Malaysia năm 2023 đối mặt nhiều khó khăn
Các nhà phát triển cho biết, lĩnh vực bất động sản Malaysia sẽ đối mặt nhiều thách thức khi bước sang năm 2023 do tình trạng dư thừa nguồn cung bất động sản ở một số khu vực và địa điểm trong nước.
Phát biểu tại cuộc hội thảo trực tuyến với chủ đề “Triển vọng ngành bất động sản năm 2023”, Giám đốc điều hành công ty bất động sản Malaysia Resources Corp Bhd (MRCB), ông Mohd Imran Mohamad Salim, cho biết, tác động của đại dịch COVID-19 đối với thị trường bất động sản là rất rõ ràng.
Cụ thể là lạm phát tăng, lãi suất cao, năng suất lao động giảm, thiếu hụt lao động cũng như các vấn đề trong chuỗi cung ứng, vốn làm tăng chi phí hoặc giảm năng suất. Đồng thời, doanh số bán bất động sản bị ảnh hưởng do lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) và lệnh phong tỏa được thực hiện trong suốt năm 2020 và 2021.
Ông Mohd Imran nhấn mạnh những năm đầy thách thức phía trước và các nhà phát triển bất động sản hiện đang tập trung vào việc duy trì chi phí thấp trong khi xem xét các loại sản phẩm bán ra. Có tình trạng dư thừa nguồn cung bất động sản ở một số khu vực và địa điểm nhất định trong nước, và để giải quyết vấn đề này, các nhà phát triển sẽ đưa ra những cách thức rất sáng tạo để bán hàng và quảng bá sản phẩm. Nhiều nhà phát triển cũng đang đưa ra các dịch vụ khác nhau để giúp các nhà đầu tư hoặc người mua bất động sản hiện có.
Ông Mohd Imran cũng lưu ý rằng đối với người tiêu dùng, bây giờ là thời điểm rất tốt để mua bất động sản vì thị trường đang ở chu kỳ giải quyết những bất động sản sẵn có, bên cạnh rất nhiều dịch vụ sáng tạo. Khi các dự án phát triển mới đang được lên kế hoạch, thị trường chắc chắn sẽ thấy chi phí tăng do nguồn cung vật liệu và chi phí lao động hiện tại.
Đề cập đến những bất hợp lý trong việc định giá hiện tại, ông Mohd Imran cho biết cần áp dụng các thông lệ tốt hơn trong lĩnh vực bất động sản hoặc các chính sách có thể giúp cả người mua và nhà phát triển giảm thiểu tình hình khó khăn hiện tại cũng như có sự linh hoạt trong tương lai.
Ông nhấn mạnh: “Tôi không thấy nhu cầu giảm trong dài hạn. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng sẽ thấy một số chính sách nhất định được cải thiện, đặc biệt là về khả năng tiếp cận tài chính. Có rất nhiều người muốn mua nhà và thật đáng tiếc là việc tiếp cận vốn luôn là một vấn đề”.
Trong khi đó, một thành viên tham gia hội thảo khác, Azmir Merican - Giám đốc điều hành tập đoàn Sime Darby Property Bhd - cho biết, triển vọng thị trường bất động sản năm tới có thể không tốt bằng năm 2022 nhưng những gì đã thấy trong năm nay mang lại hy vọng rằng lĩnh vực này có thể vượt trội so với triển vọng hơi ảm đạm.
Theo ông Azmir, nhu cầu về bất động sản dự kiến sẽ không giảm mạnh vào năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế dự kiến sẽ tăng trưởng chậm lại. Nếu xem xét dữ liệu của ngành bất động sản vào năm 2022, khối lượng đã tăng 70% với khoảng 105.000 giao dịch và giá trị tăng 30% lên 47 tỷ ringgit (khoảng hơn 10 tỷ USD). Số liệu này khá ổn định và cho thấy lĩnh vực bất động sản đã phục hồi đáng kể trong năm nay, được thúc đẩy bởi nhu cầu bị dồn nén.
Ông Azmir lưu ý rằng, việc tăng lãi suất mạnh có thể làm giảm nhu cầu và các nhà phát triển sẽ phải lưu ý đến vấn đề này. Tuy nhiên, nhu cầu đối với các loại bất động sản công nghiệp sẽ vẫn hấp dẫn.
Về triển vọng kinh tế năm 2023, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và kinh tế của Quỹ tiết kiệm nhân viên (EPF, hay quỹ lương hưu cho người lao động tại Malaysia), ông Mohd Afzanizam Abdul Rashid cho biết lãi suất cao hơn ở các nước phát triển, đặc biệt là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất là động lực chính dẫn đến sự bi quan của thị trường.
Tình trạng này có thể dẫn đến hiệu suất tiêu cực trên thị trường tài chính, đặc biệt là chứng khoán, thu nhập cố định và tiền tệ. Các vấn đề xung quanh chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc và cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát lương thực.
Ông Mohd Afzanizam nói thêm, việc mở cửa lại nền kinh tế thúc đẩy nhu cầu bị dồn nén, đòi hỏi Ngân hàng trung ương Malaysia tăng lãi suất chính sách. Trong tương lai, động lực tăng trưởng sẽ giảm bớt vào năm 2023 do các đợt tăng lãi suất trong quá khứ sẽ bắt đầu có tác động lớn đến nền kinh tế thực.
Các nền kinh tế tiên tiến, ở châu Âu và Mỹ, đang đối mặt với những rủi ro của một cuộc suy thoái. Nếu điều đó xảy ra, các ngân hàng trung ương lớn sẽ đảo ngược quá trình thắt chặt tiền tệ của họ.
Thông thường, các cuộc thảo luận về khả năng cắt giảm lãi suất sẽ kích thích thị trường tài chính vì cổ phiếu, trái phiếu và ngoại hối có xu hướng đi trước phản ứng chính sách thực tế. Vì vậy, mọi người nên nhìn xa hơn năm 2023 để hiểu rõ hơn về cách nền kinh tế và thị trường sẽ phát triển./.