Thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Hàn Quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong bối cảnh thị trường nhà ở tại Hàn Quốc đang bước vào giai đoạn trì trệ, chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng Hàn Quốc cũng đang có nhiều thay đổi. Trong số đó, các công ty xây dựng lớn như GS E&C, Daewoo E&C, Lotte E&C đã 'chấm' Việt Nam, chọn đây là nơi đầu tiên trong công cuộc khai phá thị trường nước ngoài năm 2023.

Thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Hàn Quốc. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Cùng với đó, với chính sách hỗ trợ tích cực của chính phủ Hàn Quốc cho các công ty trong nước thâm nhập thị trường xây dựng nước ngoài, các đơn đặt hàng ở nước ngoài của doanh nghiệp xây dựng Hàn Quốc (K-Construction) dự kiến sẽ sôi động hơn.

Báo Newdaily của Hàn Quốc đưa tin một trong những thị trường nước ngoài mà các công ty xây dựng Hàn Quốc chú ý nhất trong năm nay là Việt Nam. Quy mô của ngành cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cũng được dự đoán sẽ tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 9,8% từ 5,2 tỷ USD năm ngoái lên 11 tỷ USD vào năm 2030.

Hiện tại, các công ty xây dựng lớn của Hàn Quốc có thương hiệu ở Việt Nam là GS E&C, Daewoo E&C và Lotte E&C. GS E&C. Lotte E&C đang tăng cường sự hiện diện tại địa phương bằng cách thực hiện các dự án phát triển quy mô lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh. Daewoo E&C đã triển khai dự án ở thủ đô Hà Nội và gần đây cũng cho thấy nhiều động thái xem xét mở rộng đầu tư vào khu vực phía Nam cụ thể là tỉnh Bình Dương. Trong bối cảnh này, dự báo sẽ có sự cạnh tranh gay gắt giữa các công ty xây dựng Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận.

Theo báo trên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 đạt 8,02%, thuộc nhóm cao nhất trong khu vực, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh từ mức giảm sâu 5,36% trong năm 2021 đến năm 2022 đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước với tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 1.021.894 tỷ đồng, tăng 9,03% so với năm trước đó.

Ở các thị trường nước ngoài khác, các công ty xây dựng Hàn Quốc chủ yếu giành được đơn đặt hàng cho các dự án cơ sở hạ tầng như nhà máy hóa dầu, đường sắt và đường bộ. Tuy nhiên dựa trên kinh nghiệm của các dự án phát triển bất động sản tại Hàn Quốc, Daewoo E&C, Lotte E&C và GS E&C đang tích cực đầu tư vào các dự án xây dựng khu đô thị mới, đô thị thông minh tại Việt Nam với mức tăng trưởng ổn định và tạo ra lợi nhuận cao.

Daewoo E&C là công ty đầu tiên "để mắt" và tiến vào thị trường Việt Nam. Sau khi bước những bước đầu tiên vào thị trường bằng cách thành lập chi nhánh công ty tại Hà Nội vào năm 1991, Daewoo E&C đã xúc tiến dự án phát triển khu đô thị mới kiểu Hàn Quốc đầu tiên mang tên “Star Lake City”. Sau khi mua lại tập đoàn Jungheung, Daewoo E&C tiếp tục cho thấy nỗ lực mở rộng thị trường hoạt động tại Việt Nam khi tìm kiếm các dự án ở khu vực phía Nam và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa bàn mà Lotte E&C và GS E&C đang triển khai dự án phát triển khu đô thị mới, và sự cạnh tranh sẽ còn "khốc liệt" hơn nữa khi Daewoo E&C cũng tham gia vào khu vực này. Trước khi tiến vào thị trường xây dựng ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2006, Lotte E&C đã có nhiều công trình tiêu biểu như tòa nhà 65 tầng Lotte Center Hanoi và Lotte Mall Hanoi. Năm 2019 Lotte E&C đã thành lập công ty phát triển Lotte Land. Hiện Lotte E&C và Lotte Land đang cùng thực hiện các dự án phát triển. Trong khi đó, GS E&C hiện đang tiến hành dự án khu đô thị thông minh theo phong cách Hàn Quốc “GS Metro city Nhà Bè” ở huyện Nhà Bè, cách Thành phố Hồ Chí Minh 5 km.

Lãnh đạo một công ty xây dựng Hàn Quốc nhận định "Việt Nam hiện là thị trường hấp dẫn với tiềm năng tăng trưởng cao, thị trường xây dựng của Việt Nam cũng được dự đoán sẽ tăng từ 41 tỷ USD trong năm nay lên 46 tỷ USD vào năm tới". Kim Hwa-rang, nghiên cứu viên tại Viện Công nghiệp Xây dựng Hàn Quốc, cho biết: "Chính phủ Việt Nam sẽ mở rộng các dự án phát triển cơ sở hạ tầng dựa trên các dự án hợp tác công tư (PPP) với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế và đa dạng hóa cơ cấu kinh tế. Theo đó, cần có sự giám sát và tham gia liên tục của các công ty xây dựng Hàn Quốc và các cơ quan chính phủ Việt Nam”.

Khánh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/bat-dong-san/thi-truong-bat-dong-san-viet-nam-hap-dan-doanh-nghiep-han-quoc-20230113122920552.htm