Thị trường bất ổn khiến các ngân hàng trung ương 'tiến thoái lưỡng nan'

Các nhà phân tích và nhà quản lý quỹ cho biết, các thị trường tài chính đang bị mắc kẹt trong một 'vòng lặp vô tận' khi phản ứng của nhà đầu tư trước những bình luận từ các ngân hàng trung ương khiến các nhà hoạch định chính sách gặp khó khăn hơn trong cuộc chiến chống lạm phát. Bởi lẽ, lợi suất trái phiếu chính phủ giảm đang làm nới lỏng các điều kiện tài chính thắt chặt mà các nhà hoạch định chính sách muốn tạo ra.

Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm đang làm nới lỏng các điều kiện tài chính thắt chặt mà các ngân hàng trung ương muốn tạo ra. Ảnh: Reuters

Lợi suất trái phiếu chính phủ giảm đang làm nới lỏng các điều kiện tài chính thắt chặt mà các ngân hàng trung ương muốn tạo ra. Ảnh: Reuters

Thị trường đang rơi vào “một vòng lặp vô tận

Trong những tháng gần đây, các ngân hàng trung ương đã phát đi một loạt tín hiệu về các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nhằm hạn chế áp lực giá cả có thể sẽ sớm kết thúc.

Điều đó sẽ chấm dứt các chính sách khiến lãi suất cho vay chuẩn ở Mỹ và châu Âu đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Nhưng, khi chu kỳ tăng lãi suất sắp kết thúc, các nhà hoạch định chính sách nhận thấy phản ứng của thị trường đang tạo ra tình huống “tiến thoái lưỡng nan”.

Ngày 10/11, Moody's đã hạ triển vọng xếp hạng tín dụng của Mỹ từ "ổn định" xuống "tiêu cực", do chi phí trả nợ tăng mạnh và "sự phân cực chính trị cố hữu". Cơ quan xếp hạng cho biết, sự thay đổi trong triển vọng của họ phản ánh rủi ro suy giảm ngày càng tăng đối với sức mạnh tài chính của Mỹ, điều “có thể không còn được bù đắp hoàn toàn bởi thế mạnh tín dụng đặc biệt của chính phủ”.

Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy lãi suất sẽ bắt đầu giảm đều gây ra sự phục hồi của giá trái phiếu, đẩy lợi suất xuống thấp hơn. Hậu quả là làm giảm chi phí đi vay, từ đó có thể giảm bớt các điều kiện tài chính thắt chặt mà các ngân hàng trung ương đang cố gắng tạo ra nhằm đưa lạm phát trở lại mục tiêu.

Các nhà đầu tư và nhà phân tích cho rằng, thực tế này sẽ lại đặt gánh nặng trách nhiệm cho các nhà hoạch định chính sách trong việc xem xét kéo dài thời gian duy trì lãi suất cao hơn.

Dario Perkins, Trưởng bộ phận vĩ mô toàn cầu tại Công ty nghiên cứu TS Lombard cho biết, thị trường hiện đang rơi vào “một vòng lặp vô tận, nơi mọi người đều thất vọng. Tôi đoán chúng ta chỉ đang loay hoay cho đến khi hiểu rõ hơn về việc liệu đây sẽ là một cuộc hạ cánh cứng hay mềm đối với nền kinh tế Mỹ”.

Các ngân hàng trung ương và thị trường đã rơi vào vòng lặp như vậy trong những tuần gần đây. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã ngay lập tức giữ nguyên chi phí đi vay.

Đặc biệt, động thái của FED đã dẫn tới các cuộc biểu tình thị trường mạnh mẽ ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Vào tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ chịu mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon vào tháng 3, trong khi chỉ số chứng khoán S&P 500 của Phố Wall tăng 8 phiên liên tiếp kể từ ngày 27/10, mức tăng tốt nhất trong một năm.

Theo các nhà phân tích của Goldman Sachs, những động thái đó tương đương với việc cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Theo chỉ số do FED Chicago tổng hợp, chỉ số về điều kiện tài chính của Mỹ - đại diện cho các điều kiện thị trường xác định chi phí đi vay của các công ty - đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022 trong tuần kết thúc vào ngày 3/11.

Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của các ngân hàng trung ương

Tại châu Âu, sau khi ECB giữ nguyên lãi suất ở mức 4%, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh việc xem xét cắt giảm lãi suất là “hoàn toàn sớm”. Tuy nhiên, các thị trường đang định giá mức cắt giảm hơn 0,8 điểm phần trăm vào cuối năm 2024.

Christian Kopf – Trưởng bộ phận thu nhập cố định tại Union Investment cho biết: “Điều này có vẻ hơi quá và chúng tôi hiện đang phải đối mặt với nỗ lực phối hợp của các nhà hoạch định chính sách ECB nhằm chống lại những đợt cắt giảm lãi suất do thị trường gây ra”.

Sau khi ECB giữ lãi suất ở mức 4%, Chủ tịch Christine Lagarde nhấn mạnh việc xem xét cắt giảm lãi suất là “quá sớm”. Ảnh: Bloomberg

Sau khi ECB giữ lãi suất ở mức 4%, Chủ tịch Christine Lagarde nhấn mạnh việc xem xét cắt giảm lãi suất là “quá sớm”. Ảnh: Bloomberg

ECB không đơn độc. Andrew Bailey - Thống đốc BOE, giữa tuần này cũng cảnh báo “còn quá sớm” để nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất. Tuyên bố này được phát đi vài ngày sau khi kinh tế trưởng Huw Pill của BOE cho rằng, việc thị trường kỳ vọng lãi suất sẽ giảm từ giữa năm tới là điều hợp lý.

Chủ tịch FED Jay Powell, ngày 9/11 cũng nói với các thị trường rằng, đừng bị “đánh lừa” bởi dữ liệu tốt về giá cả. Tuyên bố này, ngay lập tức đã gây ra tình trạng bán tháo trên thị trường trái phiếu, đẩy lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng 0,08 điểm phần trăm trong tuần này.

Lợi suất Bund của Đức, chuẩn mực của khu vực đồng Euro, đã tăng 0,1 điểm phần trăm kể từ ngày 6/11. Một số nhà phân tích cho rằng, những bình luận cứng rắn của ông Powell cho thấy FED muốn thắt chặt các điều kiện tài chính thông qua lãi suất kho bạc cao hơn thay vì tăng lãi suất hơn nữa.

Tuy nhiên, điều này đang tạo ra tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ cho FED, bởi vì bất kỳ tín hiệu nào cho thấy lãi suất cao hơn đang có tác dụng làm giảm lạm phát đều có thể thúc đẩy các nhà đầu tư mua trái phiếu với dự đoán lãi suất sẽ thấp hơn.

“Môi trường rủi ro” gần đây trên thị trường và việc nới lỏng các điều kiện tài chính tương ứng “không phải là điều tốt theo quan điểm của FED. Điều đó giải thích cho quan điểm cứng rắn của ông Powell (ngày 9/11) về thực tế là FED không chắn chắn đã kiềm chế được lạm phát từ trong trứng nước” - Kristina Hooper, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu tại Invesco cho biết. “Chúng ta sẽ có thêm những phát ngôn cứng rắn hơn của FED. Nhưng, nó rất hiệu quả” - Hooper nói thêm.

Sự sụt giảm lợi suất này sau đó phủ nhận những gì ngân hàng trung ương Mỹ đang cố gắng đạt được. Benjamin Picton - chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại Rabobank, cho biết: “Mua trái phiếu với dự đoán FED sẽ kết thúc chu kỳ thắt chặt vì lãi suất trái phiếu cao đã khiến việc thắt chặt này trở thành một chiến lược tự đánh bại”.

Khó xác định thời điểm kết thúc chu kỳ thắt chặt

Trong khi thị trường và các ngân hàng trung ương cố gắng phán đoán lẫn nhau, lãi suất giảm có thể bắt đầu nới lỏng các điều kiện tín dụng cho các công ty đang bị thắt chặt bởi lãi suất cao hơn. Trước đợt bán tháo vào ngày 9/11, sự sụt giảm nhanh chóng của lợi suất chuẩn đã giúp giảm chi phí đi vay đối với các công ty Mỹ đầy rủi ro.

Theo dữ liệu chỉ số Ice BofA, lợi suất trung bình của trái phiếu cấp thấp của Mỹ hiện ở mức khoảng 9%, giảm so với mức hơn 9,5% chỉ ba tuần trước. Một số nhà đầu tư lo ngại các ngân hàng trung ương muốn có thêm bằng chứng về tác động của việc tăng lãi suất liên tục trước khi tuyên bố chu kỳ thắt chặt đã kết thúc, đặc biệt khi phải mất vài tháng mới có thể cung cấp đủ năng lượng cho nền kinh tế của họ.

Vấn đề phức tạp hơn đối với các nhà hoạch định chính sách là tâm lý thị trường và các điều kiện cho vay cơ bản có thể khác nhau. Khảo sát ý kiến của quan chức FED cho thấy, “hầu hết các ngân hàng cho biết đã thắt chặt các tiêu chuẩn đối với các khoản cho vay (thương mại và công nghiệp) đối với các công ty thuộc mọi quy mô” trong quý III/2023.

Dữ liệu lạm phát vào tuần tới ở Mỹ và Anh sẽ đưa ra dấu hiệu mới nhất về mức độ chính sách thắt chặt hơn đang bắt đầu được thực hiện. Mark Dowding - Giám đốc đầu tư tại công ty thu nhập cố định BlueBay cho biết, số liệu tại Mỹ có thể mạnh hơn thị trường mong đợi. Ông nói: “Chúng tôi tiếp tục hoạt động trong một môi trường không chắc chắn về mặt vĩ mô và có cảm giác rằng, vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi kết thúc năm 2023”.

Tuy nhiên khi con số lạm phát giảm, niềm tin về việc lãi suất đã đạt đỉnh chỉ có khả năng tăng lên, khuyến khích thị trường dự đoán việc cắt giảm lãi suất sẽ khiến tuyên bố của các ngân hàng trung ương trở nên khó tin tưởng hơn./.

Hoàng Lê (theo The Financial Times)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-bat-on-khien-cac-ngan-hang-trung-uong-tien-thoai-luong-nan-139336.html