Thị trường chứng khoán: Giằng co, thanh khoản thu hẹp, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh

Thị trường chứng khoán trong nước có tuần (27 - 31/5) giao dịch giằng co trên nền thanh khoản thấp. Tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn, nhưng áp lực bán không quá lớn và bên mua sẵn sàng cân đối nên thị trường chỉ trong thế giằng co. Dòng tiền thu hẹp, nhưng dòng tiền nội vẫn ở mức khá và hỗ trợ cho thị trường, tránh những phiên giảm sâu, cũng như giảm áp lực xả mạnh của khối ngoại. Thị trường vẫn cần thêm thời gian để tích lũy để kiểm định lại vùng hỗ trợ quanh mốc 1.250 điểm, chờ những tín hiệu mới để hình thành xu hướng tích cực hơn.

Thị trường chứng khoán trong nước trải qua một tuần (27 - 31/5) diễn biến giằng co khi tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn trong bối cảnh thị trường vừa trải qua một đợt tăng tốt kể từ cuối tháng 4. Mặc dù chỉ số VN-Index giằng co và giảm nhẹ so với tuần trước, nhưng hai chỉ số trên sàn Hà Nội vẫn duy trì đà tăng.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 1.261,72 điểm, giảm không đáng kể so với phiên cuối tuần trước, với -0,21 điểm (-0,02%). Như vậy, thị trường chỉ đi ngang so với tuần trước khi biến động điểm số không đáng kể. Tuy nhiên, tính chung trong cả tháng 5, thị trường chứng khoán trong nước có sự hồi phục đáng kể. Chỉ số VN-Index đã hồi phục tăng +4,32 điểm trong tháng 5 sau khi điều chỉnh khá mạnh trong tháng 4.

Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính vẫn duy trì đà tăng, đặc biệt là sàn UPCoM vẫn tích cực khi dòng tiền tìm tới dòng cổ phiếu nhỏ và vừa. Theo đó, chỉ số HNX-Index đóng cửa phiên cuối tuần tại 243,09 điểm, tăng +0,57% so với tuần trước; trong khi đó chỉ số UPCoM-Index đạt 95,09 điểm, tăng +1,58 điểm so với tuần trước. Như vậy, chỉ số HNX-INDEX kết thúc tháng 5/2024 tăng tốt +7,17% so với tháng 4/2024.

Tổng thanh khoản toàn thị trường chứng khoán trong tuần giảm mạnh so với tuần trước. Tính chung trên cả 3 sàn, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 25.379 tỷ đồng/phiên, giảm tới -21,4% so với tuần trước đó.

Các cổ phiếu nhóm ngành cũng diễn biến tương tự theo thị trường chung và biến động trong biên độ hẹp. Tuy vậy, cổ phiếu các nhóm ngành có sự phân hóa và sự phân hóa cũng diễn ra trong chính nội tại từng ngành.

Theo đó, trong tuần, nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ có diễn biến khá nổi bật khi tăng giá vượt trội so với thị trường chung như: PET (+8,44%), MCH (+6,00%), FRT (+5,90%), MWG (+5,12%)... Các cổ phiếu công nghệ, viễn thông cũng phục hồi tăng giá tốt với nhiều mã nổi bật như: CTR (+3,95%), FPT (+2,05%), CMG (+2,01%)...

Cũng trong tuần, thông tin tích cực về cán cân thương mại tháng 5 đã hỗ trợ nhiều nhóm cổ phiếu diễn biến tăng giá tốt, vượt lên vùng đỉnh như: GIL (+7,15%), M10 (+6,40%), TNG (+5,14%), VGT (+3,90%)... Nhóm cổ phiếu điện rất nhiều mã cũng có diễn biến tăng giá vượt trội, thanh khoản gia tăng đột biến như: POW (+11,01%), TV2 (+10,12%), PPC (+8,91%), PGV (+5,04%)... Còn nhóm cổ phiếu thủy sản cũng duy trì đà tăng với: CMX (+7,30%), ANV (+7,30%), IDI (+3,39%).

Trong khi đó, các cổ phiếu ngân hàng đa số lại có diễn biến kém tích cực, chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh, thanh khoản trên mức trung bình như: BID (-4,27%), HDB (-3,93%), VCB (-3,33%), MBB (-3,12%)... Tuy vậy, trong nhóm ngân hàng, tuần qua cũng có nhiều mã tăng tốt như: EIB (+11,45%), LPB (+9,79%), BVB (+5,00%).

Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng đa số biến động trong biên độ hẹp, nhưng vẫn có một số mã khá đột biến như: APS (+20,55%), VDS (+11,14%), AGR (+8,40%)…

Tổng thanh khoản toàn thị trường chứng khoán trong tuần giảm mạnh so với tuần trước. Tính chung trên cả 3 sàn, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 25.379 tỷ đồng/phiên, giảm tới -21,4% so với tuần trước đó. Tính riêng trên từng sàn, thanh khoản cũng đều giảm khá mạnh, cụ thể: Giá trị giao dịch bình quân phiên trên HOSE còn 21.910 tỷ đồng, giảm -20,8%; thanh khoản trên HNX còn 1.858 tỷ đồng/phiên, giảm -26%; và trên UPCoM còn 1.612 tỷ đồng/phiên, giảm -23,1% so với tuần trước.

Khối ngoại tiếp tục có một tuần giao dịch tiêu cực, khi mức độ bán ròng tiếp tục tăng mạnh. Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng tới -7.777 tỷ đồng, tăng hơn 2.420 tỷ đồng so với con số bán ròng tuần trước. Tuần này, khối ngoại bán ròng mạnh trên sàn HOSE và UPCoM lần lượt 6.083 tỷ đồng và 1.729 tỷ đồng; trong khi mua ròng nhẹ trên HNX với +35 tỷ đồng.

Diễn biến của thị trường chứng khoán tuần qua khá khớp với dự báo trước đó. Thị trường cần nhịp tích lũy để ổn định trở lại sau nhịp tăng tốt trong tháng 5. Xu hướng diễn giằng co có thể còn diễn ra trong tuần mới để VN-Index tiếp tục kiểm định mốc 1.250 điểm. Thị trường cần sự hỗ trợ tích cực hơn của dòng tiền trong nước, kết hợp với những chỉ báo rõ ràng hơn để định hình xu hướng mới.

Thị trường chứng khoán tuần qua đón nhận khá nhiều thông tin vĩ mô khá tích cực trong nước như: Chỉ số CPI tháng 5/2024 tăng +0,05% so với tháng trước, tăng +1,24% so với cuối năm ngoái và +4,44% so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản tháng 5/2024 tăng +0,15% so với tháng trước, tăng +2,68% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỷ USD, tăng +9,1% so với tháng trước và tăng +22,6% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 5/2024 ước tính nhập siêu 1,0 tỷ USD.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán trong nước lại khá ổn định trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới biến động mạnh. Thị trường chứng khoán Mỹ chỉ hồi lại trong phiên cuối tuần khi phản ứng tích cực với thông tin lạm phát lõi của Mỹ đúng như dự báo.

Diễn biến của thị trường chứng khoán tuần qua khá khớp với dự báo trước đó. Thị trường cần nhịp tích lũy để ổn định trở lại sau nhịp tăng tốt trong tháng 5. Xu hướng diễn biến giằng co có thể còn diễn ra trong tuần mới để VN-Index tiếp tục kiểm định mốc 1.250 điểm. Thị trường cần sự hỗ trợ tích cực hơn của dòng tiền trong nước, kết hợp với những chỉ báo rõ ràng hơn để định hình xu hướng mới.

Thị trường khởi đầu tháng 6 vẫn đang ở vùng trũng thông tin, tuy nhiên, có thể sẽ xuất hiện một số tín hiệu tích cực hơn về các yếu tố tác động trên thế giới và trong nước.

Trên thế giới, ngày 31/5, Mỹ đã công bố dữ liệu mới nhất về chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của FED. Theo đó, PCE lõi trong tháng 4 tăng 0,2% so với tháng 3, đánh dấu mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 12/2023. Sau diễn biến trên, chỉ số DXY và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ điều chỉnh giảm, điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực đối với tỷ giá tiền Đồng.

Trong nước cũng chứng kiến một số diễn biến tích cực trên thị trường vàng và tiền tệ. Cụ thể, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã có xu hướng hạ nhiệt sau động thái hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước. Lợi suất trái phiếu chính phủ cũng quay đầu giảm. Giá vàng trong nước cũng hạ nhiệt sau thông tin 4 ngân hàng TMCP nhà nước sẽ bán vàng bình ổn giá kể từ ngày 3/6. Những diễn biến này được kỳ vọng sẽ cải thiện tâm lý của nhà đầu tư trong tuần giao dịch tới.

Về kỹ thuật, VN-Index đang tích lũy trong biên độ hẹp 1.250 điểm -1.285 điểm và đây cũng là vùng điểm có thể biến động trong tuần tới. Nếu giữ được vùng hỗ trợ 1.250 điểm, VN-Index vẫn có thể duy trì kỳ vọng phục hồi trở lại hướng tới vùng 1.282 điểm - 1.287 điểm, tương ứng vùng tháng 9/2022./.

Thái Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-giang-co-thanh-khoan-thu-hep-khoi-ngoai-tiep-tuc-ban-rong-manh-152096.html