Thị trường chứng khoán, kênh cung ứng vốn trung và dài hạn
Sự mất cân đối giữa thị trường tín dụng và vốn đang tạo ra sức ép lớn cho ngành ngân hàng. Để giảm dần lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng, đặc biệt là nhu cầu vốn trung và dài hạn, việc phát triển thị trường chứng khoán là tất yếu.
Theo một thống kê mới đây của CTCK Bảo Việt (BVSC), không giống các thị trường mới nổi khác, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hút ròng dòng vốn ngoại, một phần nguyên nhân đến từ sự hấp dẫn về mặt định giá của các doanh nghiệp niêm yết.
BVSC cho biết, trong nhóm 12 thị trường khu vực châu Á và Mỹ được so sánh, chỉ số P/E của Vn-Index được định giá đang ở mức trung bình khi xếp thứ 6. Tuy nhiên, tăng trưởng EPS bình quân hàng năm đạt 9,93%, cao nhất trong số 12 thị trường; ROE của Vn-Index cũng xếp ở vị trí thứ 2, đạt 13,93%.
Kênh hút vốn
Chia sẻ tại phiên thảo luận "Khơi thông dòng vốn trung – dài hạn cho phát triển kinh tế – xã hội" trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết thị trường chứng khoán, kênh huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển, đã tăng trưởng đáng ghi nhận.
Tính đến cuối năm 2018, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đã đạt 111% GDP, trong đó thị trường cổ phiếu đạt 71,9% GDP, thị trường trái phiếu đạt hơn 39% GDP (trái phiếu Chính phủ đạt hơn 27% GDP, trái phiếu doanh nghiệp đạt 8,6% GDP).
Bổ sung ý kiến của Thứ trưởng Trần Xuân Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Phạm Hồng Sơn cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam mới hình thành từ năm 2000 song tốc độ phát triển nhanh và tương đối bền vững với mức tăng trưởng bình quân 25%/năm.
Hiện nay, trên thị trường chứng khoán có hơn 1.000 doanh nghiệp niêm yết, tỷ lệ các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa rất lớn trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn mới và non trẻ.
Bên cạnh đó, kênh cung ứng vốn ngân hàng và thị trường vốn đang mất cân đối trước nhu cầu rất lớn vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp để mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, việc các doanh nghiệp vay tiền ngân hàng để phát triển nguồn vốn sẽ gặp nhiều rủi ro nên việc huy động vốn qua chứng khoán có thể hạn chế điều này, đặc biệt là vốn trung và dài hạn.
Theo báo cáo gần nhất của tổ chức xếp hạng và xây dựng chỉ số MSCI, trong tháng 5/2019, nhiều khả năng Argentina sẽ rời khỏi danh sách các thị trường cận biên và được chuyển sang danh sách các thị trường mới nổi. Thêm vào đó, nhiều khả năng Kuwait cũng sẽ rời khỏi rổ cổ phiếu MSCI Frontier Markets 100 và MSCI Emerging Markets Index vào tháng 5/2020.
Theo tính toán của MSCI, trong trường hợp Argentina và Kuwait rời khỏi danh sách thị trường cận biên và thị trường mới nổi, tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets 100 sẽ tăng từ 17% lên 30%; tại MSCI Frontier Markets Index sẽ tăng từ 17,59% lên 25,80%.
Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể sẽ thu hút thêm khoảng 200 đến 234,24 triệu USD từ các quỹ ETFs và các quỹ đầu tư chủ động sử dụng MSCI Frontier Markets 100 và MSCI Frontier Markets làm benchmarks và đang đầu tư vào Việt Nam.
"Bà đỡ" cho kinh tế tư nhân
Nghị quyết số 10-NQ/ TW ngày 3/6/2017 nhằm đưa kinh tế tư nhân thành động lực phát triển kinh tế thị trường, trong đó việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, nhất là tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của kinh tế tư nhân là nhiệm vụ quan trọng.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân 2019, ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhận định thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phái sinh sẽ là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân.
Chia sẻ thêm tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết trong những năm hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán, Việt Nam chỉ có trong tay một nghị định phát triển thị trường.
Đạt được những thành tựu như hiện nay, cơ quan nhà nước đã phải làm hết tất cả mọi việc, trở thành "bà đỡ" cho thị trường chứng khoán trong những năm đầu chập chững.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng đất nước. Tính đến cuối năm 2018, quy mô thị trường chứng khoán Việt đạt 175 tỷ USD, còn nhỏ so với các nước trong khu vực và thế giới.
Để tiếp tục phát triển thị trường vốn, khơi thông dòng vốn trung và dài hạn, trong thời gian tới cần đẩy mạnh phát triển đồng bộ thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Sở GDCK Hà Nội (HNX) xây dựng cổng thông tin để các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Đồng thời đệ trình Luật Chứng khoán (sửa đổi) tạo ra khung pháp lý hoàn chỉnh với nhiều điểm cải cách gồm tái cơ cấu sản phẩm hàng hóa, định chế tài chính trung gian và sáp nhập HNX và HoSE thành Sở GDCK Việt Nam.
Ngoài ra, đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa, cải thiện quản trị công ty, chuẩn mực Kế toán theo chuẩn quốc tế. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm mới, phát triển thị trường chứng khoán phái sinh, các hợp đồng tương lai về trái phiếu chính phủ, chứng quyền…
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục rà soát lại các thủ tục hành chính, quản lý giám sát hoạt động thị trường chứng khoán một cách chặt chẽ, kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm phát triển thị trường một cách lành mạnh.