Thị trường chứng khoán: Ổn định dần về cuối tuần, thanh khoản co hẹp

Thị trường chứng khoán tuần qua (25 - 29/9) nối dài chuỗi tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp. Tính chung cả tuần, mức giảm của VN-Index vẫn lớn, nhưng sức hồi đã trở lại dần về cuối tuần. Thanh khoản thị trường giảm mạnh về mức thấp nhất trong nhiều tuần liên tiếp khi tâm lý thận trọng vẫn bao trùm.

Thị trường chứng khoán trong nước có một tuần cuối quý và cuối tháng 9 với diễn biến không tích cực. Mức giảm tổng cả tuần vẫn lớn, thậm chí còn lớn hơn so với tuần kế trước, nhưng cơ bản là do phiên giảm mạnh đầu tuần. Thị trường xen kẽ những phiên tăng và có dấu hiệu hồi lại dần về cuối tuần.

Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 1.154,15 điểm, giảm tới -38,9 điểm, tương đương giảm -3,3% so với cuối tuần kế trước. Diễn biến đáng chú ý tập trung ở phiên đầu tuần, khi chỉ số VN-Index để mất gần -40 điểm, xuyên qua kênh tăng giá kể từ đầu năm, 4 phiên còn lại trong tuần thị trường đang tạo vùng đáy quanh ngưỡng 1.140 điểm sau nhịp giảm 3 tuần vừa qua.

Mức giảm mạnh tuần vừa qua tập trung ở nhóm cổ phiếu vừa vừa nhỏ, khi lần lượt mất -4,24% và -4,48%, trong khi nhóm VN30 cũng giảm -2,62%.

Thanh khoản toàn thị trường giảm 20,4% so với tuần kế trước, còn 21.610 tỷ đồng, đây cũng là tuần thanh khoản xuống mức thấp nhất trong 10 tuần vừa qua. Dù vậy, thanh khoản bình quân toàn thị trường ở tháng 9 vẫn tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, đạt 26.782 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính trên 2 sàn cũng giảm mạnh. Theo đó, dóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số HNX-Index đạt 236,35 điểm, giảm -6,8 điểm (-2,8%); chỉ số UPCoM-Index đạt 88,78 điểm, giảm -1,98 điểm (-2,2%) so với tuần trước.

Với tuần giảm thứ 3 liên tiếp, mức giảm cũng mạnh nhất trong 6 tuần gần đây, rất ít nhóm cổ phiếu có thể ngược dòng trong tuần vừa qua, ngoại trừ: nhóm cảng biển (GMD +3,59%, HAH +1,57%, DVP 2,38%…), bán lẻ (MWG: +0,96%, PET 0,91%…), dầu khí (BSR +4,31%, PVS +3,49%, PVD +1,38%…

Tuy chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm 8% kể từ đỉnh 1.250 điểm nhưng một số nhóm cổ phiếu đã có dấu hiệu điều chỉnh sớm và mạnh hơn chỉ số như: chứng khoán (giảm bình quân -14%), bất động sản (-16%), Vingroup (-31%), đầu tư công (-15%)…

Nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường là ngân hàng cũng điều chỉnh giảm bình quân -5,2% kể từ đỉnh, giảm -2,5% trong tuần vừa qua và mất 3,3% trong tháng 9. Tuy vậy, kể từ đầu năm, nhóm cổ phiếu này vẫn đang có mức tăng ấn tượng +23,26% so với +14,6% của chỉ số VN-Index.

Tuần vừa qua, ngoại trừ cổ phiếu VPB ngược dòng với mức tăng 2,12%, phần lớn các cổ phiếu còn lại điều chỉnh giảm: VCB (-2,02%), CTG (-5,06%), BID (-3,69%), STB (-6,84%)…

Trong tuần, thanh khoản toàn thị trường giảm 20,4% so với tuần kế trước, còn 21.610 tỷ đồng, đây cũng là tuần thanh khoản xuống mức thấp nhất trong 10 tuần vừa qua. Dù vậy, thanh khoản bình quân toàn thị trường ở tháng 9 vẫn tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, đạt 26.782 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng 1.088 tỷ đồng ở tuần vừa qua, lũy kế kể từ đầu năm, khối ngoại bán ròng 6.910 tỷ đồng. Như vậy, khối ngoại đã có trọn 2 quý bán ròng liên tiếp với tổng mức bán ròng 13.871 tỷ đồng trong 6 tháng vừa qua trên toàn thị trường. Đáng chú ý, các quỹ ETF từ mức hút ròng 237 triệu USD hồi cuối tháng 3 cho đến nay đã chuyển sang bị rút ròng ở tuần thứ 9 liên tiếp, lũy kế từ đầu năm các quỹ ETF đang bị rút ròng 9 triệu USD.

Thị trường chứng khoán tuần qua không có tin xấu tác động, nhưng đã xuất hiện một số tin tích cực. Đà tăng của GDP mặc không tăng mạnh nhưng tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng; FTSE tiếp tục xếp thị trường Việt Nam vào danh sách chờ xét hạng… là những thông tin hỗ trợ cho tâm lý nhà đầu tư.

Mặc dù thị trường vẫn còn rủi ro ngắn hạn, nhưng sau 3 tuần giảm mạnh, khả năng cao thị trường sẽ vào vùng tích lũy để hồi tăng theo tín hiệu của kỳ công bố kết quả kinh doanh quý III. Dòng tiền có thể cũng sẽ hồi lại và men theo các tín hiệu các nhóm ngành có kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt.

Mặc dù thị trường vẫn còn rủi ro ngắn hạn, nhưng sau 3 tuần giảm mạnh, khả năng cao thị trường sẽ vào vùng tích lũy để hồi tăng theo tín hiệu của kỳ công bố kết quả kinh doanh quý III. Dòng tiền có thể cũng sẽ hồi lại và men theo các tín hiệu các nhóm ngành có kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt.

Theo các chuyên gia của MBS, thị trường chứng khoán trong nước hiện tại đã có đỉnh cao về chỉ số và thanh khoản, trong đó thanh khoản sẽ được chú ý hơn trong thời gian tới với kịch bản cơ sở là chỉ số VN-Index tạo vùng đáy ở khu vực 1.120 - 1.140 điểm. Thị trường đang ổn định trở lại sau loạt dữ liệu vĩ mô và phía trước là mùa báo cáo thu nhập quý III/2023.

“Chỉ số có thể kiểm tra lại vùng đáy và có thể mở rộng xuống phía dưới, nhưng lực cầu bắt đáy sẽ tăng trong những phiên như vậy, khi rủi ro cho việc mua mới hoặc cơ cấu danh mục đối với cổ phiếu đã giảm đáng kể” - chuyên gia của MBS cho hay.

Còn theo chuyên gia của SHS, thị trường trong ngắn hạn đang trong nhịp điều chỉnh thứ 2 khi gặp ngưỡng cản 1.250 điểm. Nhịp điều chỉnh là cần thiết tuy nhiên biên độ điều chỉnh vừa qua rộng hơn dự báo và làm suy yếu động lực tăng ngắn hạn. Do vậy, thị trường sẽ cần thêm nhiều thời gian để hình thành nền tích lũy mới nên rất có khả năng các nhịp hồi phục sắp tới chỉ mang tính hồi phục kỹ thuật đi kèm theo các nhịp điều chỉnh để dần hình thành nền tảng chặt chẽ dần.

“Trong ngắn hạn nhịp điều chỉnh và tích lũy trở lại của thị trường có thể còn kéo dài, các nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì danh mục với tỷ trọng thấp và thận trọng bởi các nhịp hồi phục chỉ mang tính kỹ thuật” - SHS khuyến nghị./.

Thái Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-on-dinh-dan-ve-cuoi-tuan-thanh-khoan-co-hep-136792.html