Thị trường chứng khoán phái sinh - công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư
Qua 6 năm hoạt động thị trường chứng khoán phái sinh đã có bước tăng trưởng tương đối tốt và ổn định, giao dịch sôi động và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư. Đồng thời, thị trường chứng khoán phái sinh được đánh giá là giải pháp hữu hiệu để giữ chân dòng tiền ở lại thị trường chứng khoán, tránh tình trạng nhà đầu tư rời khỏi thị trường khi thị trường cơ sở sụt giảm.
Tăng về quy mô và khối lượng
Chia sẻ tại hội thảo "Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS)", tổ chức tại Hà Nội ngày 24/11, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cho biết sau 6 năm hoạt động, TTCKPS đã có bước tăng trưởng tương đối tốt và ổn định. Giao dịch sôi động và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường, góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK, thị trường tài chính Việt Nam.
Theo đó, quy mô thị trường và thanh khoản của sản phẩm hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30 có sự tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng bình quân 38,65%/năm trong giai đoạn 2018-2022, trong đó năm 2020 được ghi nhận có tốc độ tăng trưởng cao nhất 79,9% so với năm 2019 và năm 2022 tăng trưởng 43,8% so với năm 2021.
Bên cạnh đó, TTCKPS đã ngày càng thu hút nhà đầu tư. Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh liên tục tăng lên. Tính đến ngày 31/7/2023, trên TTCKPS đã có 1.341.152 tài khoản, gấp 546 lần so với thời điểm mới khai trương thị trường. TTCKPS là giải pháp hữu hiệu để giữ chân dòng tiền ở lại TTCK, tránh tình trạng nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường khi thị trường cơ sở sụt giảm.
Về thành viên giao dịch, bà Bình cho biết, so với thời điểm khai trương thị trường chỉ có 7 thành viên, thì tính đến tháng 7/2023 đã có 23 công ty chứng khoán là thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh. Các công ty chứng khoán thành viên đều có vốn điều lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu 900 tỷ đồng trở lên và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khác theo quy định.
Bên cạnh đó, TTCKPS từng bước trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Trong giai đoạn thị trường giảm mạnh do tác động của đại dịch Covid-19 năm 2022, thanh khoản TTCKPS (hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30) ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân tăng mạnh 53,8% so với năm 2021. Điều này phù hợp với diễn biến chung của TTCKPS thế giới, khi các thị trường cơ sở trên thế giới bước vào xu hướng giảm, giao dịch cơ sở giảm, trong khi đó nhu cầu phòng vệ rủi ro cho danh mục chứng khoán cơ sở tăng lên, khiến dòng tiền tập trung vào TTCKPS như một yếu tố khách quan.
Theo bà Tạ Thanh Bình, bên cạnh những kết quả đạt được, TTCKPS cũng bộc lộ một số hạn chế đó là đối tượng tham gia thị trường chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân. Điều này tương đồng với thị trường cơ sở. Sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức tuy đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn hạn chế, cho thấy tăng trưởng của thị trường tiểm ẩn rủi ro phát triển không bền vững. Ngoài ra sản phẩm trên thị trường chưa đa dạng, chỉ có 3 sản phẩm là HĐTL chỉ số VN30 và HĐTL trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 và 10 năm.
Tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm
Về định hướng và giải pháp phát triển TTCKPS trong thời gian tới, bà Tạ Thanh Bình cho biết, tại dự thảo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, Bộ Tài chính đã đề ra mục tiêu tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng hoạt động TTCK nói chung và TTCKPS nói riêng; phấn đấu TTCKPS tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2030.
Để đạt được mục tiêu này, theo bà Bình phải tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm chứng khoán phái sinh thông qua việc tiếp tục triển khai sản phẩm HĐTL dựa trên chỉ số chứng khoán và HĐTL trái phiếu chính phủ; từng bước triển khai hợp đồng quyền chọn chỉ số chứng khoán, các sản phẩm HĐTL, hợp đồng quyền chọn dựa trên cổ phiếu đơn lẻ hoặc nhóm cổ phiếu.
Bên cạnh đó, sẽ thực hiện việc cải tiến chất lượng chỉ số hiện hành, sửa đổi bộ quy tắc chỉ số phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho TTCKPS. Đặc biệt, cơ quan quản lý sẽ tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát liên thị trường nhằm ngăn ngừa các hành vi thao túng, làm giá trên TTCK cơ sở để tác động lên TTCKPS và ngược lại.
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Nguyễn Minh Hằng - Trưởng Bộ môn Luật Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Luật Hà Nội cho hay, sự xuất hiện của chứng khoán phái sinh được coi là điều tất yếu của quá trình phát triển ngày càng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, cũng giống như thị trường chứng khoán nói chung, TTCKPS để tồn tại, hoạt động hiệu quả cần dựa trên hệ thống cơ sở pháp lý đầy đủ và phù hợp với thực tiễn.
Thị trường chứng khoán của Việt Nam vẫn được coi là thị trường chứng khoán non trẻ, dễ chịu ảnh hưởng khi có các tác động tiêu cực của nền kinh tế trong nước cũng như nền kinh tế thế giới. Do đó, bà Hằng cho rằng, khung pháp lý sẽ là nền tảng để thiết lập một thị trường phái sinh tập trung, đa dạng, quy mô lớn hơn.
Giao dịch hợp đồng tương lai tăng trưởng bình quân 27,46% trong 6 năm
Trong 6 năm, tăng trưởng bình quân giao dịch hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30 đạt 27,46%. Khối lượng hợp đồng mở (Ol) của HĐTL VN30 từ 8.077, tại thời điểm cuối năm 2017 đã tăng lên 62.077, vào cuối tháng 7/2023. Khối lượng giao dịch cao nhất đạt 647.457 hợp đồng tại phiên giao dịch ngày 25/10/2022 và OI cao nhất là 71.190 hợp đồng được ghi nhận vào ngày 30/3/2023.