Thị trường chứng khoán 'rơi tự do' trước thông tin áp thuế quan của Mỹ
Thị trường nghỉ giữa phiên, VN-Index lao dốc mất 82,28 điểm, HNX-Index rơi 16,76 điểm, giá trị giao dịch toàn thị trường 33,9 tỷ đồng, khối lượng chuyển nhượng 1.626 triệu đơn vị với 287 mã giảm sàn.

Dòng tiền không trụ được trước tâm lý hoảng loạn của giới đầu tư khi khối lượng chào bán giá thấp liên tục được đẩy vào thị trường. (Ảnh: Vietnam+)
Ngày 3/4, thị trường chứng khoán hoảng loạn trước thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với hàng chục nền kinh tế, trong đó hàng hóa Việt Nam sẽ chịu mức thuế lên tới 46%.
Ngay trong đợt giao dịch xác định giá mở cửa, lực cung giá rẻ ồ ạt đổ vào thị trường với trên 140 mã chứng khoán giảm sàn, theo đó VN-Index giảm hơn 66 điểm (tương ứng 5%). Ngay sau đó, dòng tiền tích lũy xuất hiện thẩm thẩm một lượng lớn lực cung, nhờ đó đà giảm điểm của chỉ số rút xuống còn khoảng 4%.
Tuy nhiên, dòng tiền không trụ được lâu trước tâm lý hoảng loạn của giới đầu tư khi khối lượng chào bán giá thấp liên tục được đẩy vào thị trường.
Trong đợt giao dịch buổi sáng, duy nhất có nhóm cổ phiếu ngành bán dẫn duy trì sắc xanh với mức tăng xấp xỉ 9% mức vốn hóa, còn lại tất cả các nhóm ngành khác đều giảm điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu viễn thông giảm mạnh nhất gần 11%, các nhóm ngành gia dụng và cá nhân, vận tải, năng lượng, hàng tiêu dùng trang trí, phần mềm, phân phối và bán lẻ hàng lâu bền… giảm trên/dưới 7% giá trị vốn hóa. Hiện, nhóm cổ phiếu đang chi phối lớn nhất đến VN-Index là VCB, BID, CTG, VIC…
Thị trường tạm thời nghỉ giữa phiên, VN-Index lao dốc mất 82,28 điểm (giảm 6,24%), HNX-Index cũng để rơi 16,76 điểm (giảm 7,04%). Giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 33,9 tỷ đồng, khối lượng chứng khoán chuyển nhượng là 1.626 triệu đơn vị. Trên thị trường có 857 giảm giá, trong đó có 287 mã giảm sàn
Theo ông Phạm Tuyến, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, việc Chính phủ Mỹ đưa ra biểu thuế trong ngày 2/4 với các mức thuế suất cho một các quốc gia là quá bất ngờ, đặc biệt là các số liệu áp cho Việt Nam. Trước đó, Chính phủ Việt Nam đã chủ động đàm phán trước với Bộ Thương mại Mỹ đồng thời đưa ra các giải pháp (như hạ áp thuế, tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ để cân bằng cán cân thương mại).
Tuy nhiên, ông Tuyến cho rằng với việc áp thuế mới này sẽ khiến Việt Nam mất thêm thời gian để tiếp tục đàm phán với Chính quyền của Tổng thống Trump. Song, Chính phủ sẽ không vội phản ứng như các quốc gia (khác mặc dù Hoa Kỳ là quốc gia xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 30% tổng kim ngạch xuất khẩu và thặng dư thương mại trong năm 2024 hơn 104,6 tỷ USD), do Việt Nam cũng không phải là quốc gia có cạnh tranh trực tiếp với Hoa Kỳ mà chủ yếu hợp tác mang tính bổ trợ, các sản phẩm như may mặc, hàng điện tử tiêu dùng…
Do vậy, ông Tuyến cho rằng có thể hai bên chưa thực sự hiểu nhau trong những phiên đàm phán trước đó, vì vậy đã dẫn đến kết quả vẫn ngoài mong đợi. Với việc áp thuế mới này, Việt Nam sẽ tiếp tục bằng con đường ngoại giao và các cuộc đàm phán song phương để đi đến kết quả tốt nhất và thuận lợi nhất cho cả hai quốc gia.
Về ngắn hạn, ông Tuyến cho rằng việc áp thuế của Mỹ có thể ảnh hướng lớn tức thời lên thị trường tài chính toàn cầu. Trên thực tế, không chỉ thị trường chứng khoán của các quốc gia bị áp thuế bị tác động mà ngay chỉ số tương lai của Mỹ cũng đang dự kiến giảm hơn 1.000 điểm đồng thời các thị trường chứng khoán châu Á, châu Âu cũng ngập tràn trong sắc đỏ.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường bé và tính đầu cơ cao, vì vậy những phản ứng của giới đầu tư có thể có sẽ lớn hơn. Trong quá khứ, mỗi khi các tin tức không tích cực xuất hiện, thị trường cũng thường phản ứng thái quá,” ông Tuyến nói./.