Thị trường chứng khoán sẵn sàng cho cú hích nâng hạng

Dòng tiền khối ngoại mua ròng mạnh trở lại một phần nhờ kỳ vọng nâng hạng thị trường. Sự chuẩn bị từ những thay đổi pháp lý và giỏ 'hàng hóa' trên thị trường là cơ sở để thu hút dòng vốn này.

Loạt thay đổi quan trọng

Từ giữa tháng 6/2025, với việc Thông tư số 03/2025/TT-NHNN chính thức có hiệu lực, các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán nước ngoài, tổ chức tài chính thuộc Chính phủ hoặc định chế quốc tế có thể dễ dàng mở tài khoản đầu tư gián tiếp tương ứng mã số giao dịch chứng khoán được cấp. “Tổ chức nước ngoài có thể làm thủ tục online và chỉ mất 1 ngày để có mã số giao dịch”, ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cập nhật thêm tại Hội nghị Techcombank Investment Summit 2025.

Đây chỉ là một trong nhiều thay đổi trong nỗ lực cải cách thị trường chứng khoán. Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nền kinh tế Việt Nam đang trải qua sự thay đổi mang tính cách mạng, trong đó thị trường chứng khoán ghi nhận những thay đổi cơ bản. Về pháp lý, các nghị định sắp được ban hành sau Luật chứng khoán sửa đổi; các văn bản pháp luật liên quan đến tài sản số, giao dịch trên thị trường carbon, thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo… cũng đang được soạn thảo.

Cùng với đó, đi cùng mục tiêu Chính phủ giảm 30% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang rà soát để các sản phẩm, quy định trên thị trường dần tiệm cận thông lệ chung của thế giới. Ở góc độ hạ tầng, năm 2025 cũng đánh dấu việc đưa vào vận hành hệ thống công nghệ KRX.

“Một trong những thay đổi đáng chú ý gần đây là thực hiện cải cách để tăng khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài, tập trung vào các giải pháp nâng hạng thị trường. Chúng tôi đã có các cải cách thủ tục hành chính mạnh, cũng như có một danh sách dài những cải cách đang và sẽ triển khai trong thời gian tới”, ông Hải nhấn mạnh.

Các thay đổi trên được các thành viên thị trường trông đợi, đặc biệt là việc sửa đổi Thông tư 17/2024/TT-NHNN về việc không yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự khi mở tài khoản ngoại tệ và sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP yêu cầu công bố bắt buộc giới hạn sở hữu nước ngoài đối với tất cả công ty đại chúng. Dự thảo quy trình triển khai tài khoản tổng (OTA) cũng được xây dựng dưới sự phối hợp của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, các sở giao dịch và nhà cung cấp hệ thống KRX.

Việc hoàn thiện hành lang pháp lý và hạ tầng đang đưa Việt Nam tiến gần đến mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán.

Lựa chọn của dòng tiền ngoại

Theo ước tính của SSI Research, việc FTSE nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút khoảng 1 tỷ USD từ các quỹ ETF, chưa tính đến các quỹ chủ động. Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cũng dự báo, dòng vốn thụ động và chủ động vào Việt Nam có thể lên tới 3 - 7 tỷ USD.

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VPBank (VPBankS), khoảng 70% Việt Nam sẽ được nâng hạng ngay trong tháng 9/2025. Tuy nhiên, có 30% khả năng được thị trường nâng hạng vào tháng 3/2026 do các vấn đề liên quan đến chênh lệch về thời gian thanh toán và thời gian phân phối chứng khoán trên KRX, cũng như số lượng giao dịch lỗi ít, FTSE cần thêm thời gian để đánh giá xử lý lỗi.

Trong khi đó, ông Phạm Lưu Hưng, kinh tế trưởng của SSI Research tự tin hơn, khi cho rằng, khoảng 90% khả năng Việt Nam sẽ được FTSE Russell công bố là thị trường mới nổi vào tháng 10/2025.

Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS cho biết, đợt mua ròng của khối ngoại từ đầu tháng 7 có phần giống xu hướng các nhà đầu tư mua ròng trước, trong và sau nâng hạng ở nhiều thị trường khác. Đến cuối tuần trước, khối ngoại đã có 8 phiên mua ròng liên tiếp, với tổng giá trị giải ngân lên tới gần 11.500 tỷ đồng. Lượng mua ròng đã gần tương đương toàn bộ giá trị bán ròng của quý II liền trước, cho thấy tâm lý đang đảo chiều tích cực.

Theo SSI Research, P/E dự phóng của thị trường đã tăng từ 8,8 lần (9/4) lên 11,9 lần (9/7), nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 5 năm (12,8 lần). So với các thị trường mới nổi khác, Việt Nam đang có lợi thế về định giá. Do đó, theo các chuyên gia, việc Việt Nam được kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi FTSE Russell vào tháng 10/2025 không chỉ giúp thu hút dòng vốn nước ngoài, mà còn củng cố sức hấp dẫn của định giá.

Dù định giá chung của thị trường được cải thiện, không phải cổ phiếu nào cũng trực tiếp hưởng lợi, bởi dòng vốn vào của khối ngoại giải ngân một cách có chọn lọc. Những ngày tháng 7 vừa qua, cổ phiếu được khối ngoại giải ngân mạnh nhất là SSI với giá trị giải ngân 2.648 tỷ đồng, tương đương gần 1/4 tổng giá trị mua ròng. Dòng tiền ngoại cũng đổ về FPT (1.172 tỷ đồng), SHB (1.047 tỷ đồng), hay các cổ phiếu lớn khác như HPG, VPB, VIX, HCM, MWG.

Theo ước tính của SSI, dòng tiền 1 tỷ USD từ các quỹ ETF khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng sẽ đổ vào khoảng 15 cổ phiếu với giá trị mua trên 20 triệu USD. Trong đó, cổ phiếu Vingroup (VIC) có thể hút tới 161 triệu USD, VHM khoảng 119 triệu USD, MSN, VNM, HPG, SSI, VCB đều có quy mô hút vốn trên 50 triệu USD. Nhiều cổ phiếu trong nhóm mua ròng mạnh những ngày qua như SSI, HPG, VIX và SHB cũng xuất hiện trong danh sách này.

Ngoài kỳ vọng dòng vốn ngoại đổ bộ trên thị trường thứ cấp, chuyên gia từ VPBankS cho rằng, thị trường còn cơ hội từ việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hút dòng vốn ngoại trong giai đoạn cuối năm 2025 đến đầu năm 2026, tương tự câu chuyện bán vốn thành công của cổ phiếu Vinamilk (VNM) một thập kỷ trước. Trong đó, đáng chú ý nhất là kế hoạch IPO của Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) dự kiến thực hiện trong khoảng quý III/2025 - quý I/2026.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thi-truong-chung-khoan-san-sang-cho-cu-hich-nang-hang-d328933.html