6 động lực vững chắc giúp VN-Index chinh phục mốc 1.500 điểm

Tiếp nối thành tích đạt được trong nửa đầu năm, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ tiếp tục chinh phục những mốc lịch sử mới trong nửa cuối năm 2025.

Thống kê của SSI Research cho biết, lịch sử giai đoạn 2010 - 2024 cho thấy mức tăng bình quân của chỉ số trong nửa cuối năm có xu hướng thấp hơn nửa đầu năm. Trung bình, VN-Index tăng 1,64% trong giai đoạn nửa cuối năm, thấp hơn đáng kể mức tăng +6,42% ghi nhận trong nửa đầu năm. Xu hướng này thể hiện yếu tố suy giảm mang tính mùa vụ của động lực thị trường.

Tuy nhiên vẫn có ngoại lệ. Như trong năm 2017 thị trường bứt phá sau giai đoạn đi ngang tích lũy (2013-2016) với động lực đến từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ, hoặc giai đoạn nửa cuối năm 2020 khi VN-Index đã phục hồi mạnh mẽ sau khi giảm mạnh trong nửa đầu năm do đại dịch Covid-19. Những ngoại lệ này cho thấy tầm quan trọng của yếu tố vĩ mô và động lực thanh khoản trong việc xác định hiệu suất thị trường nửa cuối năm.

SSI đánh giá, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán có thể có biến động mạnh trong giai đoạn tháng 7 - đầu tháng 8, tuy nhiên về dài hạn, nhóm phân tích vẫn duy trì quan điểm tích cực về thị trường với mục tiêu VN-Index đạt 1.500 điểm cuối năm 2025.

Công ty chứng khoán này đã chỉ ra các động lực chính cho thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2025.

Đầu tiên là nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Chính phủ tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, cùng với các động lực nội địa bao gồm cơ sở hạ tầng, thị trường bất động sản hồi phục, cũng như việc thúc đẩy kinh tế tư nhân có thể giúp Việt Nam tạo nền móng vững chắc cho đà tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tiếp đó là triển vọng tăng trưởng lợi nhuận bền vững. Tổng lợi nhuận ròng của hơn 79 cổ phiếu trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research ước tính tăng 14% so với cùng kỳ trong năm 2025, và tiếp tục duy trì đà tăng 15% trong năm 2026. Các lĩnh vực đóng góp chính bao gồm ngân hàng, bất động sản, nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng. Việc Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày đã góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nhiều loại mặt hàng trong quý II, và có thời gian chuẩn bị để giảm tác động từ thị trường này trong những quý tiếp theo.

Cùng với đó, yếu tố bất định từ thuế quan được hạ nhiệt. Mặc dù yếu tố bất định về thuế quan vẫn còn liên quan đến mức thuế cụ thể đối với từng nhóm ngành, khoảng cách thuế giữa Việt Nam và các quốc gia khác dần thu hẹp, giúp giảm rủi ro tổng thể. Bên cạnh đó, việc tỷ giá tăng cũng giúp hàng hóa của Việt Nam vẫn có sự hấp dẫn tương đối so với các quốc gia khác.

Thị trường chứng khoán còn được hỗ trợ bởi định giá hấp dẫn. P/E dự phóng của thị trường đã tăng từ 8,8 lần (ngày 9/4) lên 11,9 lần vào ngày 9/7, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 5 năm là 12,8 lần. So với các thị trường trong khu vực, Việt Nam đang có định giá hấp dẫn, ROE mạnh mẽ và triển vọng lợi nhuận thuận lợi.

Một yếu tố nữa là môi trường lãi suất thấp. Mức lợi suất 8,4% trên thị trường chứng khoán khá hấp dẫn so với lãi suất huy động bình quân quanh 4,6% và tiềm năng thu hút lại một phần tiền gửi dân cư có xu hướng tăng nhanh trong các quý gần đây dù mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp.

Đặc biệt, thời gian tới, triển vọng nâng hạng thị trường tiếp tục là yếu tố hỗ trợ tích cực.

Việt Nam hiện đã đáp ứng được 7/9 tiêu chí để nâng hạng từ FTSE Frontier Market lên FTSE Secondary Emerging Market, và đang tiến rất gần đến việc hoàn tất 2 tiêu chí còn lại, bao gồm: Chu kỳ thanh toán (DvP) và Chi phí liên quan đến giao dịch thất bại. Kết quả đáng khích lệ này là nhờ vào việc ban hành một loạt văn bản pháp lý quan trọng như Thông tư 68/2024/TT-BTC, Thông tư 18/2025/TT-BTC, Thông tư 03/2025/TT-NHNN.

SSI kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện các biện pháp cần thiết để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nâng hạng, trong đó bao gồm: Sửa đổi Thông tư 17/2024/TT-NHNN về việc không yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự khi mở tài khoản ngoại tệ; Sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐCP về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Bên cạnh đó, dự thảo quy trình triển khai Tài khoản tổng (omnibus accounts - OTA) cũng đã được xây dựng dưới sự phối hợp của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSDC), các sở giao dịch và nhà cung cấp hệ thống KRX.

Ước tính dòng vốn từ các quỹ ETF vào Việt Nam khi FTSE nâng hạng. Nguồn: SSI Research

Ước tính dòng vốn từ các quỹ ETF vào Việt Nam khi FTSE nâng hạng. Nguồn: SSI Research

“Khoảng 90% khả năng Việt Nam sẽ được FTSE Russell công bố là Thị trường mới nổi vào tháng 10/2025. Ước tính việc nâng hạng bởi FTSE có thể thu hút khoảng 1 tỷ đô la Mỹ từ các quỹ ETF, chưa tính đến các quỹ chủ động”, nhóm phân tích SSI nhận định.

Thủy Triều

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/6-dong-luc-vung-chac-giup-vn-index-chinh-phuc-moc-1500-diem-d329493.html