Thị trường chứng khoán: Sau cú lao dốc, nhà đầu tư nên làm gì?

Tháng 9 thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến cú lao dốc của chỉ số VN-Index và đầu tháng 10 chưa dừng lại. Thị trường chứng khoán tháng 10 sẽ diễn biến ra sao?

Nguyên nhân thị trường chứng khoán lao dốc

Tháng 9, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khép lại với một tháng giảm điểm sâu nhất kể từ tháng 3/2020 trở lại đây - tính từ thời điểm có dịch bệnh Covid-19. Chỉ số VN-Index mất hơn 11,5% xuống còn 1.132,11 điểm ở phiên đóng cửa cuối cùng của tháng 9 (ngày 30/9).

Với mức giảm hơn 11,5%, TTCK Việt Nam lọt top thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 9, khiến vốn hóa thị trường trên HOSE đã mất hơn 588.000 tỷ đồng (tương đương gần 25,13 tỷ USD), xuống còn khoảng 4,5 triệu tỷ đồng.

Đây là một kết quả bất ngờ đối với cả giới chuyên gia và nhà đầu tư. Bởi chỉ một tháng trước đó, tháng 8, chỉ số VN-Index còn lọt top các chỉ số tăng mạnh nhất thế giới.

Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên 4/10 tiếp tục giảm sâu, với nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn bị bán mạnh.

Chưa dừng lại ở đó, phiên đầu tháng 10 (ngày 3/10), chỉ số VN-Index mất 45,67 điểm (tương đương giảm 4,03%), dừng lại tại mốc 1.086,44 điểm, phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ ngày 14/6/2022 trở lại đây.

Trên HOSE ghi nhận 449 mã giảm, trong đó 145 mã sàn. Tất cả các nhóm ngành cùng chìm trong sắc đỏ. Nhiều mã giảm hết biên độ, ghi nhận ở các ngành Bảo hiểm, Chứng khoán, Hóa chất, Thép-Tôn mạ, Ngân hàng.

Về thanh khoản, giá trị giao dịch khớp lệnh trong phiên trên HOSE đạt 10 nghìn tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh 534 tỷ đồng trên HOSE. Phiên ngày 4/10, chỉ số VN-Index tiếp tục rơi điểm, mất 8,3 điểm về mức 1.078 điểm.

Cú lao dốc mạnh của TTCK Việt Nam trong tháng 9 và 2 phiên đầu tháng 10/2022, chuyên gia chứng khoán ở các công ty môi giới chứng khoán đều thận trọng nhận định.

Phần lớn các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến TTCK Việt Nam giảm điểm sâu trong tháng 9 và đầu tháng 10 là do nhà đầu tư (NĐT) thận trọng trước quyết định tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, trong đó có Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ngoài việc tăng lãi suất, các dự báo kinh tế của nhiều tổ chức tài chính trên thế giới cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang bước vào thời kỳ khó khăn của giai đoạn trước suy thoái kinh tế trong quý cuối năm 2022 và năm 2023.

Việc tăng lãi suất làm tăng chi phí lãi vay, khiến NĐT phải bán cổ phiếu giải chấp khi vay margin. Đồng thời với đó là việc giảm lượng nắm giữ cổ phiếu khi thị trường dự báo rủi ro gia tăng.

Chuyên gia chứng khoán tại Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng: TTCK giảm điểm sâu một phần là do tâm lý nhà đầu tư. Nhiều NĐT đang nghĩ quá xa về những câu chuyện như suy thoái kinh tế vào năm 2023, do đó mới gây nên áp lực tới thị trường.

Cơ hội nào cho đầu tư cổ phiếu tháng 10?

Theo chuyên gia SSI, cơ hội đầu tư luôn thường trực, giống như đi xe buýt. Chiếc này đi qua sẽ chờ đợi chiếc khác đến. Điều mà chuyên gia đề cập trong câu chuyện đầu tư cổ phiếu chính là hoạt động và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Câu chuyện của cổ phiếu chính là tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và lợi nhuận của doanh nghiệp nói riêng.

Nếu như quý 3/2021, TTCK Việt Nam gặp những khó khăn nhất định do ảnh hưởng từ các lệnh giãn cách xã hội bởi dịch bệnh Covid-19 tạo ra mức nền thấp, từ đó tạo ra mức tăng trưởng tốt cho năm nay.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng khá cao, khoảng 13,67% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,91%; dịch vụ tăng 18,86%, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,24%. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm 2021, đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 12 năm qua, kể từ năm 2011.

Nhìn chung, các hoạt động sản xuất kinh doanh trong 9 tháng năm 2022 đã dần lấy lại đà tăng trưởng, cho thấy hiệu quả của chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ Việt Nam.

Các định chế tài chính quốc tế như: Quỹ tiền tệ Thế giới (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đều nhận định Việt Nam là ngôi sao đang lên trong phát triển kinh tế ở khu vực châu Á.

Khi chỉ số VN-Index chưa tìm thấy nhà đầu tư nên cân bằng nắm giữ tiền và cổ phiếu, không nên quá mua dù giá cổ phiếu đã xuống thấp. Ảnh: Nguồn SSI.

Theo chuyên gia chứng khoán, với nền thấp của nhiều nhóm ngành khi thị trường giảm sâu, tháng 10 sẽ xuất hiện các lĩnh vực hưởng lợi và đạt mức tăng trưởng cao về mặt lợi nhuận, như nhóm ngân hàng, bán lẻ, du lịch và vận tải.

Hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam đang có khá nhiều điểm sáng trong mắt NĐT nước ngoài, như cơ chế T+2 và bắt đầu áp dụng lô lẻ từ ngày 12/9.

Thị trường ở thời điểm hiện tại phù hợp với những nhà đầu tư ưa thích giao dịch ngắn hạn. Chuyên gia khuyến cáo, NĐT nên nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu và tiền mặt ở mức cân bằng, chưa nên quá mua khi thị trường chưa kịp dò đáy.

Giao dịch cổ phiếu đảm bảo tìm kiếm những khoản sinh lời trong ngắn hạn và vừa đảm bảo khả năng quản trị rủi ro dòng tiền. Các cổ phiếu nắm giữ, NĐT nên nắm giữ những cổ phiếu có câu chuyện hỗ trợ trong ngắn hạn và vẫn duy trì được trên đường trung bình động 200 ngày trên đồ thị kỹ thuật, vì đây là đường quyết định xu hướng trung hạn của cổ phiếu.

Thời Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thi-truong-chung-khoan-sau-cu-lao-doc-nha-dau-tu-nen-lam-gi.html