Thị trường chứng khoán: Thanh khoản giảm mạnh trước Tết dương, tín hiệu tích cực từ dòng tiền ETF

Thị trường chứng khoán trong nước đã kết thúc năm 2022 bằng một tuần giao dịch tương đối trầm lắng và gần như không có diễn biến bất ngờ nào xảy ra. Xu hướng đi ngang và phân hóa có thể vẫn là diễn biến chính của thị trường trong tuần giao dịch kế tiếp bởi các yếu tố tiêu cực và tích cực đan xen.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục mất điểm trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2022. Sự thận trọng ở cả bên mua và bên bán vẫn tiếp diễn khiến thị trường tiếp tục với xu hướng đi ngang.

Mốc hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm trở nên nhạy cảm trong tuần qua khi chỉ số VN-Index có 3 phiên đầu tuần xuyên thủng mốc này, dù có sự hồi phục trở lại sau đó. Điều này cho thấy bên bán có phần chiếm ưu thế và đã chủ động hơn so với mua.

Nhà đầu tư nối tiếp thu hẹp giao dịch từ 2 phiên cuối tuần trước trong bối cảnh thị trường lưỡng lự xu hướng và các kỳ nghỉ lớn đang đến gần. Thanh khoản sụt giảm trên diện rộng, ở tất cả các nhóm ngành.

Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên cuối tuần tại 1.007,09 điểm, giảm 13,25 điểm (-1,3%) và ghi nhận tuần mất điểm thứ 2 liên tiếp. Đây cũng là điểm số kết thúc năm 2022 của chỉ số VN-Index, với mức giảm 3,94% trong tháng 12 và 32,8% từ đầu năm.

Các ngành giảm mạnh nhất tuần qua bao gồm các ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn như Tài chính (-2,4%), Công nghiệp (-2,1%), Nguyên vật liệu (-1,7%), Bất động sản (-1,2%), Công nghệ thông tin (-1,4%). Trong khi đó, các ngành mang tính phòng thủ lại giữ vững được điểm số; cụ thể là nhóm Tiện ích (+0,5%), nhóm Năng lượng (+1,7%) và nhóm Y tế (+2,2%). Hai nhóm Hàng tiêu dùng thiết yếu và nhóm Hàng tiêu dùng không thiết yếu cùng giảm nhẹ -0,9%.

Do sự đi xuống tập trung ở các nhóm lớn nên chỉ số VN30 chịu áp lực nhất với mức giảm -2,8%; riêng chỉ số VNMidcap và VNSmallcap gần như không đổi. Theo đó, các mã ảnh hưởng mạnh nhất đến thị trường theo chiều hướng đi xuống bao gồm VHM -3,61%, TCB -6,34%, SAB -4,63%, VIC -2,36%, MWG -6,33%, ACB -4,37%, VPB -2,45%, MBB -3,66%, MSN -2,11%, HDB -6,18%. Chiều ngược lại, thị trường cũng nhận được sự nâng đỡ từ sự đi lên 1,14% của VCB; theo sau đó là mức tăng điểm khá tốt của các mã OCB +11,1%, SSB +3,62%, PNJ +10,4%, KBC +12,6%, VRE +1,94%, PLX +2,59%...

Nhà đầu tư nối tiếp thu hẹp giao dịch từ 2 phiên cuối tuần trước trong bối cảnh thị trường lưỡng lự xu hướng và các kỳ nghỉ lớn đang đến gần. Thanh khoản sụt giảm trên diện rộng, ở tất cả các nhóm ngành khiến giá trị giao dịch trên HOSE chỉ đạt bình quân 7 nghìn tỷ đồng/phiên trong tuần qua, giảm 41% so với tuần liền trước.

Trong đó, giá trị giao dịch ở nhóm VN30 giảm 39,8% về còn 3,1 nghìn tỷ đồng/phiên; giá trị giao dịch ở nhóm VNMidcap và VNSmallcap giảm lần lượt 41,8% và 45% về còn 2,9 nghìn tỷ đồng và 776 tỷ đồng. Dược phẩm là ngành duy nhất có giá trị giao dịch tăng lên 36,7%, tuy nhiên quy mô giao dịch không đáng kể. Các mã dẫn đầu thanh khoản trên HOSE, ngoài HPG ghi nhận mức gần 2 nghìn tỷ đồng thì còn lại đều thuộc nhóm Ngân hàng như VPB (2,6 nghìn tỷ đồng), EIB (2,6 nghìn tỷ đồng), STB (1,8 nghìn tỷ đồng) và LPB (1,6 nghìn tỷ đồng).

Nhóm nhà đầu tư cá nhân tiếp tục bán ra nhiều hơn mua vào, giá trị bán ròng trong tuần qua của khối này ghi nhận mức -2,3 nghìn tỷ đồng, giảm so với mức -3,1 nghìn tỷ đồng ở tuần liền trước. Khối tự doanh quay lại bán ròng -1,2 tỷ đồng, tập trung ở các mã VPB -397 tỷ đồng, FUEVFVND -165 tỷ đồng, HPG -146 tỷ đồng, PDR -123 tỷ đồng và BCM -88 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý, khối ngoại tăng giá trị mua ròng lên +2,3 nghìn tỷ đồng so với mức chỉ +1,2 nghìn tỷ đồng ở tuần trước. Diễn biến này nhờ các nhà đầu tư nước ngoài giảm mạnh giá trị bán ra (-39%) và bên cạnh đó là dòng vốn vào ròng qua các quỹ ETF cải thiện lên +1,3 nghìn tỷ đồng (loại trừ KIM Vietnam VN30). Nhóm các cổ phiếu thu hút được nhiều nhất dòng tiền khối ngoại bao gồm HPG +364 tỷ đồng, STB +250 tỷ đồng, DGC +150 tỷ đồng, PVD +128 tỷ đồng, VND +127 tỷ đồng.

Điểm tích cực của thị trường chứng khoán tuần qua là mốc hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm tạm thời được giữ vững và động thái khối ngoại giảm bán ra cùng với dòng tiền ETF có dấu hiệu kích hoạt trở lại.

Như vậy, thị trường đã kết thúc năm 2022 bằng một tuần giao dịch tương đối trầm lắng và gần như không có diễn biến bất ngờ nào xảy ra. Điểm tích cực là mốc hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm tạm thời được giữ vững và động thái khối ngoại giảm bán ra cùng với dòng tiền ETF có dấu hiệu kích hoạt trở lại. Xu hướng đi ngang và phân hóa có thể vẫn là diễn biến chính của thị trường trong tuần giao dịch kế tiếp bởi các yếu tố tiêu cực và tích cực đan xen.

Tác động tiêu cực lên thị trường từ triển vọng kết quả kinh doanh suy yếu hay thách thức từ bức tranh vĩ mô có thể được nâng đỡ trở lại nhờ yếu tố dòng vốn ngoại khi các quỹ đầu tư nước ngoài thường có xu hướng giải ngân vào đầu năm, đặc biệt là từ các quỹ ETF. Hay mới nhất là Trung Quốc đang tiến những bước gần hơn để chính thức mở cửa trở lại sau gần 3 năm áp dụng chính sách kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt; theo đó kỳ vọng sẽ giúp khôi phục lại các hoạt động sản xuất, thương mại vốn bị gián đoạn trước đây và điều này sẽ gián tiếp tác động tích cực lên thị trường chứng khoán./.

Nguyễn Lý Thu Ngà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-thanh-khoan-giam-manh-truoc-tet-duong-tin-hieu-tich-cuc-tu-dong-tien-etf-119708.html