Thị trường chứng khoán: Thanh khoản tăng tốt, song dự báo xu hướng giằng co vẫn duy trì

Thị trường chứng khoán tuần qua tiếp tục diễn biến giằng co trong biên độ hẹp. Chỉ số VN-Index thay đổi không đáng kể so với tuần kế trước, khi áp lực bán gia tăng ở nhóm vừa và nhỏ, nhưng lại được hỗ trợ từ các mã trụ. Xu hướng này tiếp tục được dự báo sẽ duy trì trong tuần tới, trong bối cảnh cục diện dòng tiền chưa thay đổi.

Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua (15 - 19/5) không thay đổi nhiều về mặt điểm số so với tuần kế trước. Chỉ số VN-Index diễn biến giằng co trong biên độ hẹp ở vùng 1.058 - 1.077 điểm. Áp lực chốt lời từ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khiến chỉ số giảm điểm, trong khi đó, một số mã trụ lớn tạo lực cầu giúp chỉ số lấy lại cân bằng.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index tăng nhẹ +0,02% và dừng lạ ở mức 1.067,07 điểm. Trong khi đó, chỉ số HNX-Index có một tuần giảm nhẹ, đóng cửa phiên cuối tuần tại 213,91 điểm, giảm -1,19 điểm, (-0,6%) so với phiên cuối tuần trước. chỉ số UPCoM-Index có một tuần tăng điểm nhẹ, đóng cửa phiên cuối tuần tại 81,08 điểm, tăng +1,03 điểm, (+1,3%) so với phiên cuối tuần trước.

Điểm tích cực trong tuần là thanh khoản thị trường tiếp tục có sự cải thiện so với tuần trước đó. Thanh khoản toàn thị trường tuần vừa qua bình quân đạt 14.890 tỷ đồng, cao hơn 13,5% so với tuần trước và cũng là mức cao nhất trong 5 tuần vừa qua.

Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ giảm tuần đầu tiên sau khi tăng 4 tuần liên tiếp. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa cũng giảm khiến độ rộng thị trường nghiêng về bên bán. Sở dĩ thị trường vẫn giữ được thành quả có tuần tăng thứ 2 liên tiếp là nhờ nhóm cổ phiếu trụ, trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu Vingroup (VHM, VIC…). Ngoài ra, một số nhóm cổ phiếu cũng có mức tăng tốt trong tuần như: Dầu khí (PVD, PVS, GAS…); cao su tự nhiên (DPR, DRI, TRC…)…

Điểm tích cực trong tuần là thanh khoản thị trường tiếp tục có sự cải thiện so với tuần trước đó. Thanh khoản toàn thị trường tuần vừa qua bình quân đạt 14.890 tỷ đồng, cao hơn 13,5% so với tuần trước và cũng là mức cao nhất trong 5 tuần vừa qua. Trong đó, thanh khoản khớp lệnh cũng tăng 10,8% đạt bình quân 13.029 tỷ đồng. Với chuỗi tăng liên tiếp 4 tuần vừa qua, thanh khoản toàn thị trường tháng 5 đang đạt mức cao nhất trong 5 tháng.

Khối ngoại quay đầu mua ròng 817 tỷ đồng trên toàn thị trường, qua đó cắt mạch bán ròng 7 tuần trước đó. Tuy vậy, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận hơn 1.300 tỷ đồng ở cổ phiếu STG, khối ngoại tuần vừa qua vẫn bán ròng hơn 480 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại đang mua ròng 5.649 tỷ đồng.

Các quỹ ETF cũng bị rút ròng 2 triệu USD ở tuần vừa qua, đây là tuần rút ròng thứ 7 liên tiếp, lũy kế từ đầu năm các quỹ ETF đã giải ngân 162 triệu USD (~ 3.776 tỷ đồng). Theo thống kê, dòng vốn quốc tế tuần vừa qua giải ngân mạnh ở các thị trường lớn như: Hàn Quốc, Đài loan, Ấn độ, Indonesia, Việt Nam…

Thị trường chứng khoán tuần tới (22/5 - 26/5) được dự báo sẽ vẫn duy trì xu thế giằng co. Trong khi các yếu tố về mặt kỹ thuật chưa có thay đổi, nhà đầu tư có thể có tâm lý quan sát khi Quốc hội khai mạc kỳ họp mới và chờ đợi những quyết sách quan trọng được thông qua.

Nhà đầu tư đang rất chờ đợi thêm một đợt giảm lãi suất điều hành nữa của Ngân hàng Nhà nước, cũng như chính sách giảm thuế VAT 2% được thông qua, nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân.

Cũng như những tuần gần đây, thị trường khó có thể bứt phá về điểm số nếu dòng tiền vẫn chưa quan tâm nhiều đến các mã bluechips. Dòng tiền chốt lời xong nhóm vừa và nhỏ, nhóm đầu cơ, nếu có quay lại thì cũng khó thay đổi được cục diện chung của thị trường.

Theo quan sát của các chuyên gia VNDIRECT, dòng tiền trong nước đã bắt đầu quay trở lại thị trường chứng khoán trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trong nước dần hạ nhiệt. Dòng tiền đã có sự cải thiện, tuy nhiên để thị trường có thể bứt phá qua vùng kháng cự mạnh 1.080 - 1.100 điểm thì cần thêm những thông tin hỗ trợ từ chính sách trong nước.

Cụ thể, nhà đầu tư đang rất chờ đợi thêm một đợt giảm lãi suất điều hành nữa của Ngân hàng Nhà nước, cũng như chính sách giảm thuế VAT 2% được thông qua, nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Những chính sách này nếu được thông qua trong thời gian tới có thể là cú hích để chỉ số VN-Index thiết lập lại xu hướng tăng điểm và hướng đến các cột mốc cao hơn trong giai đoạn tới.

Về nhận định xu hướng thị trường tuần tới, quan điểm của chuyên gia VNDIRECT không có nhiều thay đổi so với tuần trước. Cụ thể, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số VN-Index kiểm định lại vùng quanh 1.050 - 1.055 điểm, ưu tiên những nhóm ngành có thông tin hỗ trợ và đang có sức mạnh giá trội hơn so với mặt bằng chung như ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công (xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng) và năng lượng (điện, dầu khí). Ngược lại, kháng cự mạnh của VN-Index là vùng 1.080 - 1.100 điểm.

Chuyên gia của MBS cũng cho rằng, chỉ số VN-Index đang nằm trên các ngưỡng MA ngắn và trung hạn quan trọng như: đường trung bình động 20, 50 và 100 ngày (MA20, MA50, MA100) … Bên cạnh đó, chỉ số này cũng nằm trong kênh tăng giá kể từ tháng 11 năm ngoái và đang có nhiều cơ hội để về lại đỉnh tháng 4 vừa qua.

“Với kỳ vọng về lãi suất điều hành có thể giảm thêm, nhóm cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất như: chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, … sẽ là địa chỉ của dòng tiền, bên cạnh đó nhóm cổ phiếu điện cũng đang nhận được sự quan tâm khi bản quy hoạch điện VIII đã chính thức được Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu hàng hóa như: dầu khí, cao su tự nhiên, … cũng đang có cơ hội” – chuyên gia MBS cho hay./.

Thái Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-thanh-khoan-tang-tot-song-du-bao-xu-huong-giang-co-van-duy-tri-128370.html