Thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm trong khi Fed bắt đầu cuộc họp 2 ngày

Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 19/3/2024 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cuộc họp hoạch định chính sách và Nhật Bản tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm.

Theo AFP, sau một ngày giao dịch tích cực của thị trường chứng khoán châu Âu, cả 3 chỉ số chính của Phố Wall đều tăng điểm thoát khỏi mức mở cửa lình xình, trong đó S&P 500 lập kỷ lục mới.

Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) ngày hôm qua (19/4) bắt đầu cuộc họp kéo dài 2 ngày. Thị trường đang có những quan ngại về việc Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất trong một thời gian nữa. Nhưng giới đầu tư sẽ chú ý vào thứ Tư để biết những dấu hiệu về quan điểm mới nhất của Fed về lãi suất.

Trong khi các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng lãi suất sẽ giảm vào một thời điểm nào đó trong năm nay, các báo cáo lạm phát gần đây đã tạo ra một số nghi ngờ về sự đồng thuận hiện tại, rằng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 6 tới.

Các nhà đầu tư hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất.

Các nhà đầu tư hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất.

Russ Mold, Giám đốc đầu tư của AJ Bell cho biết: “Ngay khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chuẩn bị tăng lãi suất, các nhà đầu tư vẫn hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất”.

"Chủ tịch Jay Powell và các đồng nghiệp của ông tại FOMC đang đi chậm hơn so với dự đoán của thị trường, đó là do mức lạm phát của Mỹ hiện chậm hạ nhiệt hơn so với dự kiến. Việc điều chỉnh lại kỳ vọng này sẽ không vấn sẽ không thể kìm hãm được xu hướng tăng giá của thị trường chứng khoán Mỹ", ông nói.

Tại London, cổ phiếu của tập đoàn Unilever đóng cửa tăng hơn 3% sau khi tập đoàn này công bố kế hoạch tách mảng kinh doanh kem ra khỏi tập đoàn và cắt giảm hàng nghìn việc làm.

Một cuộc khảo sát được công bố hôm 19/3 cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư Đức tăng cao hơn dự kiến, giúp đẩy giá cổ phiếu của thị trường này tăng lên.

Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) kể từ năm 2007, đưa lãi suất ngân hàng tại quốc gia này thoát khỏi mức lãi suất âm trong nhiều năm qua.

Động thái này đã gây tâm lý hứng khởi cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, nhưng đồng yên đã giảm giá hơn 1% so với đồng đô la Mỹ sau khi các nhà hoạch định chính sách Nhật tuyên bố sẽ không có đợt tăng lãi suất nào nữa trong tương lai gần.

Giá cả và tiền lương tăng cao cuối cùng đã mang lại cho BoJ không gian để xoay trục khỏi một chính sách vốn là ngoại lệ trong nền kinh tế toàn cầu, nơi các quốc gia khác đã tăng chi phí đi vay để chống lạm phát.

Huy Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thi-truong-chung-khoan-the-gioi-tang-diem-trong-khi-fed-bat-dau-cuoc-hop-2-ngay-d211137.html