Thị trường chứng khoán tuần mới: Cảm xúc 'trầm rồi thăng', sự hồ hởi sẽ còn duy trì?

Thị trường chứng khoán tuần mới vẫn còn nhiều điều bất định, nhưng dự báo cho thấy sự hồ hởi ngắn hạn sẽ được duy trì kéo thị trường đi lên, mặc dù khó hơn trong việc tìm lại các phiên tăng bùng nổ nếu chưa có tin mới đủ sức nặng.

Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần giao dịch (8-11/4) đầy cảm xúc. Áp lực bán tháo ồ ạt sau khi mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ khiến không khí trầm lặng bao trùm. Nhưng lực mua lại bật lên rất mạnh, bên bán khan hiếm giúp thị trường bật tăng kịch biên độ. Hai màu “xanh lơ” rồi “tím lịm” cơ bản đều do diễn biến thuế quan toàn cầu.

Lấy lại đà tăng

Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như trong nước tuần qua chủ yếu biến động xoay quanh các động thái áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ. Thị trường chứng khoán thế giới cũng giảm mạnh trong những phiên đầu tuần với biên độ rất lớn, nhưng hồi dần về cuối tuần, đặc biệt là sau động thái tạm hoãn áp thuế lên phần lớn các quốc gia lên con số 90 ngày.

Theo đó, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục 10% kể từ đáy, thoát khỏi trạng thái thị trường giá xuống. Bên cạnh đó, một số thị trường ở khu vực châu Âu cho đến châu Á và Đông Nam Á chỉ lấy lại được khoảng 5% - 6% kể từ đáy.

Thị trường chứng khoán trong nước cũng diễn biến tương tự cùng tác động từ biến động chính sách thuế quan toàn cầu. Thị trường trong nước đã lấy lại tuần tăng đầu tiên, cắt mạch giảm 3 tuần liên tiếp nhờ lấy lại +147 điểm kể từ mức đáy. Thống kê tới cuối tuần, chỉ số VN-Index chốt tuần ở 1.222,46 điểm, tăng 11,79 điểm, tương đương tăng 0,97% so với tuần trước.

Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều bị giảm mạnh trong 2 phiên đầu, nhưng đều hồi phục 2 phiên cuối tuần, dù rằng sự hồi phục chưa đều. Trong khi nhóm cổ phiếu nhỏ (Smallcap) giảm sang tuần thứ 6 liên tiếp và nhóm cổ phiếu vừa (Midcap) cũng giảm 4/5 tuần gần đây, thì nhóm VN30 có tuần hồi phục mạnh +2,3%, cắt mạch giảm 4 tuần liên tiếp.

Nhiều nhóm cổ phiếu có sức bật rất tốt, trong tuần qua như: Vingroup (+8,5%), Sản xuất Đường (+7,12%), Viettel (+6,74%)… Ngược lại, một số nhóm cổ phiếu ngược dòng thị trường: bất động sản khu công nghiệp (-7,19%), cao su tự nhiên (-5,05%), thủy sản (-3,95%), dệt may (-3,87%)…

Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán trong nước tuần qua giảm nếu so với tuần kế trước, nhưng nhìn chung vẫn ở mức rất tốt. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân phiên toàn thị trường tuần vừa qua đạt 28.205 tỷ đồng/phiên, giảm -5,6% so với tuần trước đó, trong đó thanh khoản khớp lệnh cũng sụt -3,7% còn 26.125 tỷ đồng/phiên.

Theo thống kê, thanh khoản kể từ đầu tháng 4 đạt 29.910 tỷ đồng, tăng +31,5% so với tháng 3 và tăng +22,6% so cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm, thanh khoản toàn thị trường đạt 20.834 tỷ đồng, giảm nhẹ -1,18% so với mức bình quân năm 2024.

Khối ngoại vẫn duy trì áp lực bán ròng, nhưng xu hướng giảm nhẹ và đã có phiên mua ròng trở lại vào cuối tuần. Thống kê trong tuần, khối ngoại bán ròng -1.687 tỷ đồng, mức bán ròng ít nhất trong vòng 5 tuần vừa qua. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng -36.927 tỷ đồng. Một số cổ phiếu được khối ngoại mua ròng trở lại trong tuần, đáng chú ý như: MWG (+603 tỷ đồng), HPG (+338 tỷ đồng), TCB (+245 tỷ đồng)...

Tâm lý hồ hởi sẽ còn níu giữ trong ngắn hạn và tìm điểm cân bằng mới

Sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong nước tuần rồi rất bất ngờ và thực sự là sự thay đổi ngược chiều giữa hai thái cực “tranh nhau bán” và “tranh nhau mua”. Về mặt thực tiễn thị trường, điều này chỉ thường xảy ra trong ngắn hạn, còn về dài hạn, thị trường vẫn đang trong quá trình bình ổn, tìm điểm cân bằng mới và bám theo biến chuyển thông tin thuế quan, thương mại toàn cầu.

Thử thách của thị trường chứng khoán quốc tế và trong nước vẫn đang ở phía trước khi diễn biến thuế quan còn rất khó lượng hóa và theo đó là hàng loạt vấn đề liên quan khác đi theo như lạm phát, lãi suất, tỷ giá…

Đây cũng là thông tin mà thị trường trong nước sẽ phải đối diện trong thời gian ngắn hạn. Nếu chính xác, thị trường đang trong giai đoạn “dễ thở” hơn khi Hoa Kỳ giãn thời gian áp thuế thêm 90 ngày. Với sự bất định về diễn biến thuế quan, thị trường sẽ còn phải nương theo và quyết định nằm ở hành động của nhà đầu tư.

Nhìn về mặt kỹ thuật, xu hướng ngắn hạn VN-Index đang phục hồi sau giảm giá mạnh, với hỗ trợ ngắn hạn vẫn ở vùng giá 1.200-1.210 điểm tương ứng vùng giá cao nhất năm 2018, hướng đến vùng kháng cự mạnh hiện nay quanh 1.250 điểm.

Thị trường chứng khoán trong nước tuần mới vẫn đang được kỳ vọng sẽ ổn định hơn nhờ các yếu tố nội tại. Đầu tiên là định giá chung của thị trường vẫn đang ở mức khá hấp dẫn so nhịp giảm mạnh vừa qua. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý 1 có thể vẫn tạo lực đỡ cho thị trường chung thông qua có các mã trụ đầu ngành thu kết quả tích cực. Thời điểm hiện tại, xu hướng tăng trung, dài hạn vẫn được duy trì nên cơ hội sẽ tạo ra đối với những mã có giá trị cơ bản tốt sau khi giá đã chiết khấu.

Cùng với đó, thông tin cập nhật về tiến độ triển khai Hệ thống KRX và kỳ vọng nâng hạng cũng sẽ là thông tin hỗ trợ cho thị trường. Ngoài ra, mặc dù những áp lực về tỷ giá sẽ hiện hữu, nhưng phần nào bù lại tăng trưởng tín dụng sẽ kéo lại một phần khi dòng tiền sẽ đi vào nền kinh tế.

Chính vì vậy, nhiều khuyến nghị cho rằng, nhà đầu tư nên giữ tâm lý bình tĩnh, quan sát kỹ dòng tiền để dần chuyển hướng sang các nhóm ngành ít chịu tác động từ thương chiến, hưởng lợi từ chính sách kích thích tài khóa - tiền tệ của Chính phủ cũng như xu hướng phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa.

Chỉ số P/E (ttm) của thị trường hiện tại ở mức 13 lần, cho thấy thị trường đang ở mức định giá thấp hơn trung bình lịch sử (23%) và nằm dưới mức trung bình - 1 lần độ lệch chuẩn (4%) là cơ hội tiềm năng cho nhà đầu tư dài hạn.

LONG ÂN-ĐỨC KHÔI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thi-truong-chung-khoan-tuan-moi-cam-xuc-tram-roi-thang-su-ho-hoi-se-con-duy-tri-post872317.html