Thị trường chứng khoán vẫn chứa đựng các yếu tố hấp dẫn
VN-Index năm 2023 có mức phục hồi không tệ khi điểm số cuối năm thuộc kịch bản trung bình. Với hình thái đáy sau cao hơn đáy trước, kỳ vọng chỉ số sẽ tiếp tục hồi phục trong năm 2024.
Diễn biến trái chiều tại các thị trường cổ phiếu
Kết thúc năm 2023, các thị trường cổ phiếu ghi nhận diễn biến phân hóa mạnh. Trong đó, dòng tiền ưu tiên chảy vào thị trường Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và rút ra khỏi thị trường Trung Quốc.
Mặc dù kinh tế Mỹ vẫn còn nằm trong giai đoạn suy giảm của chu kỳ kinh tế, nhưng các chỉ số chứng khoán đã sớm phản ánh kỳ vọng ngân hàng trung ương hạ lãi suất. Chỉ số S&P 500 đang vững vàng nằm trong vùng Tăng mạnh của đồ thị vận động các loại tài sản, trên đường chinh phục mức đỉnh mới.
Đối với thị trường chứng khoán Nhật Bản, năm 2023 đạt mức tăng lớn nhất trong một thập kỷ qua. Đồng Yên yếu, định giá cổ phiếu hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp đã trở thành luận điểm đầu tư, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, thay thế thị trường Trung Quốc. Chỉ số Topix đạt mức tăng xấp xỉ 25% và chỉ số Nikkei 225 tăng khoảng 30%. Đây là thành tích tốt nhất kể từ năm 2013, khi các chính sách nới lỏng tài chính và tiền tệ làm tăng hy vọng về sự thay đổi ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Trong khi Mỹ, Nhật Bản tiếp tục là điểm đến của dòng tiền, thì thị trường Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) vẫn còn rất yếu trong vùng Giảm mạnh. Tuy vậy, định giá đã về mức thấp là điểm hấp dẫn một lượng nhà đầu tư chốt lời ngắn hạn tại các thị trường đã tăng cao và quay trở lại bắt đáy tại thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, khi thị trường trái phiếu phục hồi, những dấu hiệu biến động mới bắt đầu xuất hiện trên thị trường hợp đồng mua lại qua đêm. Các hợp đồng repo đang giao dịch ở mức cao là 5,52%. Lần cuối cùng thị trường repo biến động vào cuối năm là năm 2018, khi lãi suất qua đêm tăng hơn 3 điểm phần trăm, lên 6%. Một nguyên nhân rõ ràng dẫn đến sự biến động là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt bằng cách liên tục nâng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán.
Gần đây, chỉ số Dollar Index có xu hướng điều chỉnh khi Fed có khả năng sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ trong năm 2024. Các nhà đầu tư đang dự báo, Fed có thể cắt giảm lãi suất ít nhất 150 điểm cơ bản, với lần cắt giảm đầu tiên diễn ra ngay sau tháng 3/2024. Con số này tăng từ mức dự báo dưới 100 điểm cơ bản hồi giữa tháng 11/2023 và gấp đôi những gì các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra trong cuộc họp gần đây nhất của Fed. Chỉ số Dollar Index quay đầu góp phần hỗ trợ cho đồng nội tệ tại nhiều nền kinh tế mới nổi hồi phục và mang lại lợi ích các cơ sở kinh doanh của các tập đoàn của Mỹ ở nước ngoài.
Một diễn biến đáng chú ý khác là đà tăng của giá vàng, nhưng không phải giá vàng thế giới vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce, mà là các kỷ lục mới của giá vàng trong nước. Giá vàng SJC bán ra ngày 27/12/2023 vượt mốc 80 triệu đồng/lượng, cuối tuần qua giảm còn 76 triệu đồng/lượng, sau Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý thị trường vàng, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng 14% so với cuối năm 2022. Tâm lý hưng phấn được duy trì trên thị trường vàng trong bối cảnh nhu cầu tích trữ tăng cao dịp lễ tết và kỳ vọng Fed sớm hạ lãi suất.
VN-Index: Cái kết mở cho năm 2024
Chỉ số VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối năm 2023 trong sắc xanh. Nhìn lại cả năm vừa qua, VN-Index đạt được những thành công nhất định, nhưng cũng bỏ lỡ không ít mục tiêu. Về điểm số, với mức 1.129,93 điểm, dừng ở kịch bản trung bình khi tiệm cận ngưỡng 1.150 điểm, tăng 12,1% so với cuối năm 2022, được coi là mức hồi phục không tệ sau nhiều biến cố và khó khăn.
Mức điểm cuối năm 2023 cho thấy, VN-Index duy trì được xu thế tăng dài hạn dựa trên nền tảng tạo đáy của năm 2022 tại vùng 900 điểm và xa hơn tại 650 điểm của năm 2020. Với hình thái đáy sau cao hơn đáy trước, kỳ vọng chỉ số sẽ tiếp tục hồi phục, diễn đặc biệt trong bối cảnh lãi suất trên toàn cầu dự kiến có xu hướng giảm trong những năm tới, với sự khởi động bắt đầu từ năm 2024. Môi trường lãi suất thấp đem lại những điều kiện thuận lợi hơn cho các dòng tiền đầu tư. Trong đó, những thị trường mới nổi hoặc cận biên như Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ sớm chào đón sự trở lại của dòng vốn ngoại.
Tại thị trường trong nước, kênh chứng khoán vẫn được kỳ vọng là kênh đầu tư hưởng lợi từ yếu tố chi phí cơ hội của dòng tiền, khi lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng ngày càng kém hấp dẫn, trong khi doanh nghiệp được đánh giá sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận các nguồn vốn rẻ trong môi trường lãi suất cho vay giảm dần.
Trong năm 2023, thị trường chứng khoán có sự cải thiện tích cực về chất lượng cổ phiếu niêm yết, thể hiện qua sự vận động và “khẩu vị” dòng tiền tập trung vào các nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản và tiềm năng tăng trưởng. Các con sóng đầu cơ cổ phiếu nhỏ được các “đội lái” tạo ra không xuất hiện nhiều như những năm trước. Đây là những thay đổi về chất giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có thể tiếp cận với lộ trình và quy chuẩn phát triển lành mạnh, minh bạch của thế giới, cũng như rút ngắn thời gian kỳ vọng nâng hạng thị trường trong thời gian tới.
Khi hội tụ nhiều yếu tố tích cực, dòng tiền tiếp cận thị trường chứng khoán ở thế trận thuận lợi, cơ hội giao dịch sẽ dồi dào và xác suất đầu tư có điều kiện để cải thiện tích cực. Những ngành, lĩnh vực gặp khó khăn trong năm 2022 - 2023, nhất là bất động sản với trọng số lớn trong rổ chỉ số thị trường chứng khoán vẫn là ẩn số, nhưng có thể mang lại cơ hội đầu tư.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán vẫn chứa đựng các yếu tố hấp dẫn dựa trên những chuyển biến vĩ mô và kỳ vọng của dòng tiền trong bối cảnh giao dịch mới. Trong ngắn hạn, ngưỡng hỗ trợ 1.100 điểm sẽ là điểm tựa quan trọng cho các vị thế giao dịch, đặc biệt là các vị thế đang nắm giữ cổ phiếu. Tín hiệu bứt phá khỏi khung biên độ đi ngang 1.090 - 1.135 điểm nhiều khả năng sẽ kích hoạt dòng tiền một cách mạnh mẽ, với dư địa được mở rộng hướng tới mục tiêu 1.160 - 1.165 điểm.
Theo đó, các vị thế mua ngắn hạn tiếp tục được ưu tiên canh các nhịp điều chỉnh để tích lũy vị thế, với các nhóm cổ phiếu thuộc các ngành có đà tăng mạnh như tài nguyên cơ bản (thép), chứng khoán, dầu khí, công nghệ thông tin, hóa chất, bất động sản công nghiệp, bán lẻ, cảng biển, thủy sản...