Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư

Chuyên gia cho rằng, tuy thị trường có nhóm cổ phiếu đã ở vùng định giá cao nhưng vẫn có nhóm định giá còn hấp dẫn. Đặc biệt, nhìn vào triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.

Quan điểm này được ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch AzFin đề cập khi trao đổi với Tạp chí Tài chính xoay quanh diễn biến thị trường chứng khoán.

Phóng viên: Tính từ vùng đỉnh gần nhất là hơn 1.300 thì VN-Index đã bốc hơi hơn 4%. Ông có bình luận gì về diễn biến điều chỉnh giảm điểm của thị trường vừa qua? Đâu là các nguyên nhân chính?

Ông Đặng Trần Phục: Thời gian qua thị trường chứng khoán chinh phục lại mốc 1.300 điểm nhưng không thành công. Tôi cho rằng, do một số nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, do định giá đa phần các cổ phiếu phi tài chính và bất động sản đã đạt được định giá cao, cao hơn so với đỉnh thị trường hồi năm 2022 với P/E lên 24,5 lần. Theo đó, một số chủ doanh nghiệp, cổ đông lớn đã bán ra cổ phiếu.

Thứ hai, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 50.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, mức bán ròng kỷ lục khiến cung hàng hóa tăng mạnh.

Thứ ba, lo ngại tỷ giá, áp lực VND mất giá trong khi các biện pháp ngân hàng nhà nước triển khai như bán USD, bình ổn giá vàng cũng đang tạm thời kiếm chế được áp lực tỷ giá. Một số nhà đầu tư lo ngại khó kiềm chế khi lãi suất Fed chưa có dấu hiệu giảm, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn cao hơn lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam từ 1,3 - 1,5%/năm.

Thứ tư, nhà đầu tư lo ngại về kinh tế Việt Nam với lạm phát có thể tăng cao hơn do tăng lương cơ bản từ tháng 7/2024 khoảng 30%. Điều này phần nào gây áp lực lạm phát trong quý III.

Phóng viên: Ông vừa đề cập một nguyên nhân từ khối ngoại. Vậy ông có dự báo gì về xu hướng giao dịch của khối này trong thời gian tới?

Ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch AzFi. Ảnh: NVCC

Ông Đặng Trần Phục - Chủ tịch AzFi. Ảnh: NVCC

Ông Đặng Trần Phục: Trước tiên, chúng ta đề cập các nguyên nhân khiến khối ngoại bán ròng.

Một là, do một số quỹ ETF đầu từ vào Việt Nam một thời gian không hiệu quả, họ giải thể các quỹ khiến bán ròng diễn ra mạnh.

Hai là, đồng USD mạnh lên trên toàn thế giới. Bên cạnh đó là các yếu tố chính trị thế giới có phần bất ổn. Theo đó, khối ngoại bán ròng tại các thị trường mới nổi và cận biên rất nhiều, như Trung Quốc hơn 100 tỷ USD, Thái Lan 5 tỷ USD, Việt Nam hơn 2 tỷ USD.

Ba là, liên quan riêng thị trường Việt. Chúng ta đã rất nỗ lực để nâng tầm từ thị trường cận biên lên mới nổi nhưng đến nay kết quả vẫn chưa như kỳ vọng.

Tôi cho rằng, khi Fed hạ lãi suất thì khả năng cao khối ngoại sẽ giảm bớt bán ròng nhưng để mua ròng mạnh trở lại thì khó, trừ khi thị trường có những biến chuyển nâng hạng trong tương lai gần.

Phóng viên: Về vấn đề nâng hạng, một số nhận định cho rằng, kịch bản tích cực vào tháng 3/2025 FTSE sẽ nâng hạng thị trường Việt lên mới nổi. Góc nhìn của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Đặng Trần Phục: Trong tương lai sớm muộn chúng ta cũng được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Dự báo được nâng hạng trong năm 2025 còn sớm, các tiêu chí còn khó biến chuyển, phụ thuộc nhiều vào các pháp lý của thị trường.

Việc nâng hạng có hai cấp độ, do FTSE và MSCI xem xét. Nếu FTSE nâng hạng cũng không thu hút quá nhiều dòng vốn vào thị trường. Trong khi đó, MSCI thì khó hơn. Nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng mà nên tập trung vào sức khỏe doanh nghiệp hơn là những yếu tố khác.

Phóng viên: Nhận định của ông về triển vọng thị trường 6 tháng cuối năm ra sao? Sau điều chỉnh, hiện định giá thị trường có đủ hấp dẫn cho đầu tư trung, dài hạn?

Ông Đặng Trần Phục: Nhìn 6 tháng cuối năm, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là nơi hấp dẫn để đầu tư. Tuy có nhóm cổ phiếu định giá cao nhưng vẫn có nhóm định giá còn hấp dẫn. Đặc biệt kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm phản ánh phục hồi mạnh mẽ với GDP tăng trưởng gần 7% trong quý II. Đóng góp vào đà tăng trưởng kinh tế chủ yếu từ đầu tư xây dựng, công nghiệp, xuất nhập khẩu trở lại tích cực.

Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế 6 tháng cuối năm được đánh giá khả quan nhờ vào tổng mức đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm đã tăng 6,8% lên hơn 1,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, khối nhà nước tăng 4,8%, chủ yếu đầu tư công. Điểm tích cực khối tư nhân tăng tới 6,7%, chiếm 55% tổng vốn đầu tư toàn xã hội có dấu hiệu tự tin trở lại, cho thấy các lãnh đạo doanh nghiệp có niềm tin tốt hơn vào triển vọng nền kinh tế nên đẩy mạnh đầu tư. Điểm sáng lớn nữa là khối FDI tăng 10,3% giải ngân hơn 256 nghìn tỷ đồng.

Khi có đầu tư mạnh, rõ ràng động lực trong tương lai cho 6 tháng cuối năm tăng trưởng kinh tế tương đối tốt. Theo đó, doanh nghiệp trên sàn được hưởng lợi, tăng trưởng lợi nhuận tốt, tạo cơ hội đầu tư trong tầm nhìn 6 tháng đến 1 năm tới.

Phóng viên: Cụ thể cơ hội đến với những nhóm cổ phiếu nào mà nhà đầu tư có thể cân nhắc, thưa ông?

Ông Đặng Trần Phục: Thứ nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu dự báo có kết quả tích cực trở lại. Thứ hai là ngân hàng nhờ định giá rẻ, cổ tức tiền mặt cao. Thứ ba là nhóm vật liệu xây dựng nhờ sự phục hồi nền kinh tế. Thứ tư là nhóm liên quan bất động sản khu công nghiệp khi FDI giải ngân tốt, giá cho thuê bất động sản khu công nghiệp vẫn tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm.

Phóng viên: Với các phân tích trên, ông có dự báo gì về kịch bản VN-Index cuối năm?

Ông Đặng Trần Phục: Tôi cho rằng, cuối năm VN-Index dao động trong vùng 1.280 - 1.350 điểm. Sau giai đoạn khó khăn thị trường sẽ có sự phân hóa mạnh. Nhà đầu tư cần lựa chọn kỹ danh mục đầu tư.

Để đạt được vùng 1.350 điểm, thị trường cần các điều kiện như lực bán ròng khối ngoại sớm giảm, có thể mua ròng trở lại. Thêm nữa, tăng trưởng kinh tế cả năm trên 6,5%, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trên sàn từ 20% trở lên. Liên quan nền kinh tế thế giới, kinh tế Mỹ không bị suy thoái và Fed giảm lãi suất 2 đợt trở lên trong năm nay. Và cuối cùng, lãi suất Việt Nam duy trì ở mức tương đối thấp, không có đợt tăng đột biến nào.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Huyền Châm

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-chung-khoan-viet-nam-van-la-noi-hap-dan-de-dau-tu.html