Thị trường có lại bị khuynh đảo không?

Khi tâm lý nhà đầu tư đang rất nhạy cảm và dễ tổn thương, cùng nỗi lo ngại trước xu hướng đi lên trở lại của lãi suất, những thông tin xấu gần đây như 'đổ thêm dầu vào lửa' đang bốc cháy trên thị trường chứng khoán, với màu đỏ rực chiếm lĩnh thị trường. Cộng thêm đó là sự khuynh đảo của các nhà đầu tư 'tay to' khi tận dụng lực mua chỉ đang ở thế cầm chừng…Không ít cổ phiếu cơ bản, doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh, triển vọng tăng trưởng tốt, nhưng giá cổ phiếu đã giảm hơn 50% so với đỉnh cao gần nhất. Mức điều chỉnh này rõ ràng lớn hơn rất nhiều so với thị trường chung, khi VN-Index chỉ giảm chưa đến 30% kể từ đỉnh cao đạt được vào đầu tháng 4 đến nay.

Những thông tin xấu gần đây như “đổ thêm dầu vào lửa” đang bốc cháy trên thị trường chứng khoán. Ảnh: LÊ VŨ

Những thông tin xấu gần đây như “đổ thêm dầu vào lửa” đang bốc cháy trên thị trường chứng khoán. Ảnh: LÊ VŨ

Đà bán tháo chưa dừng lại…

Chỉ số VN-Index đã giảm thêm 5,4% trong quí 3-2022, nâng mức giảm so với đầu năm lên 24,4%, đánh dấu chuỗi giảm điểm tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đáng chú ý là chỉ riêng trong tháng 9, chỉ số này đã giảm đến 11,6%, chỉ xếp sau mức giảm 22,7% vào năm 2002 và 18,1% năm 2008. Đây cũng là xu hướng chung của thị trường toàn cầu, trước tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt từ các ngân hàng trung ương khắp thế giới.

Đơn cử như chỉ số Dow Jone của Mỹ cũng giảm gần 9% trong tháng 9, đánh dấu giai đoạn tệ nhất kể từ tháng 3-2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Mỹ. Tính chung từ đầu năm, chỉ số này đã giảm 20% và rơi vào vùng giá xuống, hiện đã rớt về quanh mức tháng 11-2020. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm gần 9% trong tháng 9, giảm gần 24% so với đầu năm và đang trên đà ghi nhận năm mất giá mạnh nhất kể từ 2008. Còn chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm gần 10% trong tháng 9 và hơn 30% so với đầu năm.

Mọi sự tồi tệ chưa dừng lại ở đó khi phiên giao dịch đầu tiên của tháng 10 tiếp tục chứng kiến VN-Index lao dốc 45,67 điểm, tương đương giảm hơn 4%, rớt về mức thấp nhất kể từ ngày 9-2-2021 đến nay. Trong đó, chỉ có 33 cổ phiếu đóng cửa trong sắc xanh trên sàn HOSE, 317 cổ phiếu giảm, trong số này có đến 136 cổ phiếu giảm sàn. Tất cả 25/25 nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ, giảm mạnh nhất là nhóm tài chính khác, bảo hiểm, chứng khoán, chế biến thủy sản, bán lẻ, vật liệu xây dựng, sản xuất nhựa hóa chất – đều trên 6%.

Ngoài những ảnh hưởng từ động thái tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm từ ngày 23-9-2022 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kéo thị trường lao dốc mạnh trong tuần cuối tháng 9, trong phiên giao dịch đầu tháng 10 tâm lý nhà đầu tư bị tác động tiêu cực bởi thông tin Việt Nam vào sáng 3-10 đã ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TPHCM – trung tâm kinh tế của cả nước. Nỗi lo ngại của nhà đầu tư là có thể hiểu khi nhìn vào sự lao dốc của thị trường chứng khoán khi đại dịch Covid-19 mới xuất hiện giai đoạn đầu trong hai năm trước.

Giờ đây yếu tố dịch bệnh luôn có thể mang lại những rủi ro cho thị trường, nhất là khi vào cuối tháng 6 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ, tiếp đó vào ngày 23-7 tổ chức này tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Trong những tình thế này, nhiều nhà đầu tư thường lựa chọn tạm thoát khỏi thị trường, do đó lực bán càng lấn át lực mua vốn chỉ cầm chừng trong suốt nhiều tháng qua.

Ngoài ra, thông tin Ngân hàng Credit Suisse và Deutsche Bank có nguy cơ phá sản cũng tác động xấu đến các thị trường tài chính và ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư. Dữ liệu thị trường cho thấy cổ phiếu Credit Suisse Group AG (NYSE: CS) và Deutsche Bank AG (NYSE: DB) đang giao dịch với giá trị thấp chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, từ khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ. Chỉ số P/B (giá mỗi cổ phiếu/giá trị sổ sách của cổ phiếu đó) của Credit Suisse hiện rớt về mức đáng báo động ở 0,22 lần sau khi giá cổ phiếu đã giảm 74% từ tháng 2-2021 đến nay, còn hệ số CDS (hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng) của tổ chức này đã tăng vọt 15% trong tuần trước lên 250 điểm cơ bản.

Tay to khuynh đảo?

Một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh lực mua ảm đảm như hiện nay khi xu hướng giảm vẫn là chủ đạo và dòng tiền còn ngần ngại đứng ngoài, thị trường chứng khoán càng dễ bị khuynh đảo bởi phía tạo lập thị trường lẫn những nhà đầu tư “tay to” có tiềm lực mạnh. Những nhà đầu tư tổ chức này tuy thường đi trước thị trường và có vai trò dẫn dắt, nhưng bao giờ cũng duy trì một lượng cổ phiếu nhất định trong tài khoản để đảm bảo cho các chiến lược giao dịch tại mọi thời điểm.

Theo đó, sau khi đã chốt lời ở đỉnh cao thành công, tiếp đó tại những giai đoạn thị trường suy yếu, dễ bị tổn thương với lực mua thấp, những nhà đầu tư có tiềm lực này có thể kết hợp với các thông tin tiêu cực và sử dụng lượng cổ phiếu còn lại để đè ép thị trường, tác động đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30, tạo nên sự hoảng loạn và các hành động bán tháo, kéo theo các hiệu ứng bán giải chấp khi giá cổ phiếu liên tục đi xuống, nhằm gom lại lượng hàng đã bán ra ở vùng giá cao trước đây, cũng như tìm kiếm cơ hội mua vào các cổ phiếu cơ bản có hiệu quả kinh doanh tốt nhưng thị giá đã rớt về dưới giá trị thực do lao dốc theo thị trường chung.

Thực tế, trong những đợt suy giảm vừa qua, không ít cổ phiếu cơ bản, doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh, triển vọng tăng trưởng tốt, nhưng giá cổ phiếu đã giảm hơn 50% so với đỉnh cao gần nhất. Mức điều chỉnh này rõ ràng lớn hơn rất nhiều so với thị trường chung, khi VN-Index chỉ giảm chưa đến 30% kể từ đỉnh cao đạt được vào đầu tháng 4 đến nay. Đây là cơ hội cho những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm và có khả năng phân tích, định giá giá trị doanh nghiệp, chọn lọc cổ phiếu để chuẩn bị cho xu hướng tăng kế tiếp.

Dù thị trường đã trải qua một đợt chỉnh khá mạnh trong tháng 9 và phiên đầu tháng 10 này, một số dự báo vẫn lạc quan với mục tiêu VN-Index có thể hồi phục trở lại vùng 1.300 điểm vào cuối năm nay. Với mùa báo cáo tài chính quí 3 sắp đến, mà chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ chứng kiến kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ, do giai đoạn quí 3 năm trước nền kinh tế bị giãn cách kéo dài ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đây có thể là thông tin hỗ trợ cho thị trường trong những tuần tới.

Ngoài ra, việc đô la Mỹ trên thị trường quốc tế sau khi lập đỉnh cao ở vùng trên 114 điểm đã điều chỉnh giảm trở lại trong những ngày qua, hiện đã rớt về dưới mốc 112 điểm, cũng có thể giúp tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng giảm bớt sức ép. Diễn biến này cũng sẽ hỗ trợ phần nào cho thị trường chứng khoán, khi câu chuyện tỷ giá thời gian qua cũng là một trong những yếu tố tác động đến tâm lý thị trường cũng như xu hướng giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài.

Triêu Dương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-co-lai-bi-khuynh-dao-khong/