Thị trường cơ sở có biến, tiền lại chảy mạnh qua phái sinh
Sau phiên lao dốc 18/8 và các phiên biến động mạnh đầu tuần này, nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn rất nhiều trên thị trường cơ sở, khiến thanh khoản sụt giảm. Trong khi đó, giao dịch trên thị trường phái sinh lại sôi động trở lại.
Sau phiên đảo chiều ngoạn mục, lấy lại hơn 30 điểm trong phiên chiều qua, thị trường nhận thêm sự hỗ trợ từ cổ phiếu VIC theo đà tăng dựng đứng của cổ phiếu VFS (Vinfast) trên sàn Nasdaq tối theo giờ Việt Nam giúp VN-Index mở cửa tăng hơn 10 điểm. Tuy nhiên, phút ngẫu hứng qua nhanh khi đa số nhà đầu tư trên thị trường hiện nay đều là các Fn có nhiều kinh nghiệm, nhận thấy rằng thị trường tăng chỉ dựa vào một vài mã trụ, trong khi lượng hàng khủng của phiên lịch sử 18/8 có thể được tung ra bất kỳ lúc nào, nên đã rụt tay nhanh, khiến thị trường hạ nhiệt.
Tâm lý lo sợ bắt phải dao rơi tiếp tục được duy trì trong phiên chiều khi không ai muốn tham gia bắt đáy, mà chủ yếu là lực mua nhỏ giọt ở mức giá thấp với mục đích thăm dò hoặc quân bình giá là chủ yếu. Trong khi đó, bên nắm giữ hàng cũng không muốn đẩy ra quá mạnh, chủ yếu đợi các nhịp hồi mới ra hàng, nên thị trường trong phiên chiều nay diễn ra khá ảm đạm. VN-Index theo đó có phiên giảm điểm với thanh khoản xuống mức thấp nhất 7 tuần.
Chốt phiên, VN-Index giảm 7,93 điểm (-0,67%), xuống 1.172,56 điểm với 176 mã tăng, trong khi có 281 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 747,2 triệu đơn vị, giá trị 17.177,7 tỷ đồng, giảm 28,5% về khối lượng và 20,2% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 93,5 triệu đơn vị, giá trị 2.310,8 tỷ đồng. Nếu chỉ xét về giao dịch khớp lệnh, đây là phiên có thanh khoản thấp nhất kể từ ngày 4/7/2023.
Trong các nhóm dẫn dắt, đa số đều sắc đỏ chiếm thế áp đảo, ngoại trừ nhóm bất động sản số mã giảm chỉ nhỉnh hơn chút so với số mã tăng.
Cụ thể, nhóm ngân hàng chỉ còn duy nhất TCB có sắc xanh, nhưng mức tăng cũng hạ nhiệt đi rất nhiều, chỉ còn 0,3% lên 33.200 đồng, cùng với 4 mã đứng giá là SSB, EIB, OCB, LPB, còn lại đều giảm. Giảm mạnh nhất vẫn là STB khi mất 3,9% xuống 30.900 đồng, “anh cả” VCB cũng nới đà giảm khi đóng cửa mất 2,4% xuống 86.300 đồng. Ngoài ra, có thêm nhiều mã nới đà giảm chiều nay, như HDB giảm 1,8% xuống 16.100 đồng, VPB giảm 1,7% xuống 20.250 đồng, MBB giảm 1,1% xuống 18.000 đồng. Trong đó, STB vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 38,65 triệu đơn vị. Ngoài ra, có thêm SHB khớp 16,81 triệu đơn vị, đứng thứ 9 và VPB khớp 14,42 triệu đơn vị, đứng thứ 11 trên sàn HOSE.
Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn 2 sắc xanh nhạt tại TVS và ORS, còn lại đều giảm giá, nhưng thanh khoản nhóm này khá tốt. Trong đó, giảm mạnh nhất là VND giảm 2,1% xuống 20.550 đồng, khớp 22,12 triệu đơn vị, còn khớp lớn nhất nhóm là SSI với 32,9 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1% xuống 30.400 đồng; VIX khớp 26,07 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,8% xuống 16.700 đồng.
Lực bán mạnh khiến cổ phiếu VIC hạ nhiệt đáng kể trong phiên chiều khi đóng cửa chỉ còn tăng 0,8%, đứng ở mức 65.000 đồng, mức thấp nhất ngày, thanh khoản đạt 20,34 triệu đơn vị.
Nhóm bất động sản, DIG và DXG quay đầu giảm 1%, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 25.150 đồng và 18.900 đồng, thanh khoản 19,7 triệu đơn vị và 20,57 triệu đơn vị.
Trong khi đó, NVL, VCG và PDR vẫn giữ được sắc xanh, trong đó NVL tăng 1,1% lên 18.700 đồng, khớp 29,6 triệu đơn vị, VCG tăng 1,7% lên 26.450 đồng, khớp 14,67 triệu đơn vị, PDR tăng 1,4% lên 21.000 đồng, khớp 10,98 triệu đơn vị.
Trong thép, mã đầu ngành là HPG giảm 1,9% xuống 25.650 đồng, khớp 21,77 triệu đơn vị.
Sàn HNX có diễn biến giống với sàn HOSE trong phiên chiều nay.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,58 điểm (-0,66%), xuống 238,07 điểm với 76 mã tăng và 95 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 71,5 triệu đơn vị, giá trị 1.275,4 tỷ đồng, giảm 41,6% về khối lượng và 40,4% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp chỉ 1,3 triệu đơn vị, giá trị 44,7 tỷ đồng.
Các mã trong Top thanh khoản trên sàn này chỉ có APS có mức tăng 2,1% lên 9.700 đồng khi đóng cửa, còn lại đều giảm. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là SHS giảm 2,4% xuống 16.000 đồng, mức thấp nhất ngày, khớp 17,26 triệu đơn vị; CEO giảm 3,6% xuống 24.000 đồng, khớp 11,57 triệu đơn vị; PVS giảm 0,9% xuống 32.700 đồng, khớp 2,78 triệu đơn vị; HUT giảm 2% xuống 23.900 đồng, mức thấp nhất ngày, khớp 2,16 triệu đơn vị…
UPCoM cũng có diễn biến khá tương đồng với 2 sàn niêm yết, nhưng hãm được đà giảm trong ít phút cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,14%), xuống 89,39 điểm với 188 mã tăng và 87 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 53,6 triệu đơn vị, giá trị 699,8 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp tới 23 triệu đơn vị, giá trị 287,8 tỷ đồng.
Trái ngược với 2 sàn niêm yết, các mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM hôm nay đều đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, BSR tăng 0,5% lên 18.300 đồng, khớp 5,44 triệu đơn vị; C4G tăng 2,2% lên 14.200 đồng, khớp 2,08 triệu đơn vị; SBS tăng 2,5% lên 8.100 đồng, khớp 1,93 triệu đơn vị; TCI tăng 4,4% lên 11.800 đồng, khớp 1,74 triệu đơn vị. Trong các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, chỉ có duy nhất VHG đóng cửa giảm, cùng ABB đứng tham chiếu, còn lại đều tăng.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay chỉ có 70 trái phiếu của Vietcombank, mã VCB12107 được chuyển nhượng, giá trị 74,2 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm mạnh hơn thị trường cơ sở. Cụ thể, hôm nay VN30-Index giảm 10,54 điểm (-0,88%), xuống 1.182,97 điểm, trong khi hợp đồng đáo hạn tháng 9 là VN30F2309 giảm 15,4 điểm (-1,3%), xuống 1.180,6 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản khá cao, dù có giảm hơn 10% so với phiên trước, với 358.026 hợp đồng được giao dịch, tương đương giá trị 42.597,3 tỷ đồng. Khối lượng mở 50.286 hợp đồng.
Nhìn lại lịch sử giao dịch có thể thấy, từ tháng 5 đến giữa tháng 8, khi thị trường cơ sở tăng điểm mạnh, thanh khoản trên thị trường phái sinh khá thấp, nhưng kể từ phiên lao dốc lịch sử 18/8 tới nay, thanh khoản trên thị trường này tăng mạnh với giá trị lần lượt là 34.570,8 tỷ đồng (18/8), 35.471,5 tỷ đồng (21/8), 47.802,4 tỷ đồng (22/8) và hôm nay là 42.597,3 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng quyền, hôm nay có 5 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 3 mã do KIS phát hành, 1 mã do SSI và mã còn lại là do HSC phát hành; trong 4 mã này thì có tới 4 mã là chứng quyền của STB và đều đóng cửa giảm khá mạnh, chỉ có một chứng quyền của MBB do SSI phát hành là đứng giá. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CSTB2225 do HSC phát hành với 3,85 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 9,7% xuống 5.410 đồng.