Thị trường có tìm được điểm cân bằng trong tháng 11?
Đây là câu hỏi được rất nhiều nhà đầu tư đặt ra cho các chuyên gia trong chương trình, bên cạnh đó, các nguyên nhân chính khiến thị trường giảm sâu liên tục từ đầu quý 2 đến nay cũng được nhà đầu tư đặt ra.
Theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCK SSI, nguyên nhân chính là môi trường lãi suất tăng – luôn luôn là kẻ thù của thị trường chứng khoán, đây là vấn đề chung của cả thế giới. Riêng Việt Nam, còn là rủi ro từ thị trường bất động sản, trái phiếu, liên quan thanh khoản thị trường tài chính (thanh khoản hệ thống ngân hàng vấn đang khá ổn). Các thị trường có liên thông nhau, nên có vấn đề ở thị trường này sẽ ảnh hưởng các thị trường khác, kể cả cổ phiếu bán giải chấp cũng một phần lý do từ đây.
ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCK SSI: đáy ngắn hạn có thể có, nhưng để xác định đáy trung dài hạn cần thêm các tín hiệu vĩ mô
Ben cạnh đó, KQKD doanh nghiệp, nếu như đầu 2022 có triển vọng khá rõ ràng, nhưng ở thời điểm này nhiều DN có KQKD khá xấu, và TTCK thường đi trước nên các diễn biến này được phản ánh vào giá một phần trước đó bởi nhà đầu tư nghĩ rằng lợi nhuận đã đạt đỉnh nên giá cổ phiếu bị tác động giảm.
Dĩ nhiên, ông Hưng cho rằng, nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp đang xuống mức rất thấp, không đồng nghĩa đó là “đồ rẻ, đồ ế”, mà quan trọng hơn là kinh doanh công ty có ổn không, có đáng để mình đầu tư không.
Liên quan đến kì vọng về điểm cân bằng của thị trường được thiết lập trong tháng 11, ông Hưng ví von bằng chủ đề “đường hầm có vẻ dài hơn” của báo cáo chiến lược tháng 11 do SSI Research đưa ra, nên có vẻ để thấy được đáy thì chúng ta đang phải mất thêm tiền để dò đáy.
“Vấn đề thị trường có thể tạo đáy ngay trong tháng 11 thì khó nói, đáy ngắn hạn có thể, nhưng dài hạn thì cần tín hiệu từ các yếu tố vĩ mô ổn định hơn. Vậy “đoán mò” thì có thể 6 tháng nữa có thể, chứ ngay tháng 11 tạo đáy thì khó”, ông Hưng chia sẻ.
Nhìn vào chu kỳ thị trường giảm nhiều nhất trước đây là 2008-2009, và sau đó là 2011. Ông Hưng cho biết, thời điểm đó nếu mua cổ phiếu đúng đáy khá dễ, nhưng “nghiệp quật” của việc mua cổ phiếu đúng đáy là bán khá sớm, bởi tâm lý nhìn thị trường khi đó chưa có dấu hiệu ổn định nên “mắt trước mắt sau”, chỉ cần cổ phiếu hồi lên một chút là bán luôn.
Ông Hưng lãi nhiều nhất là khi thị trường dần đi vào ổn định, tâm lý ổn định để từ đó tăng khả năng nắm giữ cổ phiếu lâu hơn thì mức lãi có được tốt hơn.
“Như từ năm 2012 trở đi, tôi có khả năng giữ cổ phiếu của mình tốt hơn, mức lợi nhuận tốt hơn so với 2009 – giai đoạn bắt đáy thì nhiều nhưng chạy mất dép rất nhanh khi cổ phiếu nhích lên”, ông Hưng dí dỏm nói.
Một vấn đề cũng được thị trường rất quan tâm là bán giải chấp cổ phiếu của các cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp – gây áp lực hơn nữa vào giá cổ phiếu, tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư thường có suy nghĩ, khi sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo sẽ có ngưỡng chặn, và không nghĩ cổ phiếu giảm sâu về dưới ngưỡng này. Và theo đó, cho rằng lãnh đạo, cổ đông lớn sẽ “đỡ giá” ở vùng này.
Nhưng cần lưu ý, các nhà đầu tư này có thể đảm bảo tỷ lệ ký quỹ, thì nộp thêm tiền vào tài khoản, thì giá cổ phiếu vẫn có thể giảm sâu nhưng vị thế khoản vay vẫn ổn. Đồng nghĩa rằng, vẫn có trường hợp, giá cổ phiếu thủng so với mức giá chặn nhưng lãnh đạo, cổ đông lớn vẫn thoải mái với tài khoản của mình.
Với những nhà đầu tư có sự ưa thích dùng đòn bẩy, bà Đỗ Hồng Hạnh - Chuyên viên tư vấn đầu tư chứng khoán tại Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI – Phòng giao dịch Cách Mạng Tháng Tám - đưa ra lời khuyên cần hiểu rõ tác động của từng tỷ lệ đòn bẩy. Chẳng hạn, đòn bẩy 1:1, nếu cổ phiếu giảm 10%, thì nhà đầu tư lỗ thực 20%, nếu tỷ lệ đòn bẩy cao hơn thì phần lỗ tương ứng với số lần đòn bẩy. Việc cháy tài khoản thường ở thị trường sử dụng đòn bẩy cao như forex, bitcoin, phái sinh, CW ….
Điểm tích cực đang được các nhà đầu tư nhìn vào là cả quỹ ETF nội hay ngoại, tiền vào khá tốt vừa qua. Ông Hưng cho rằng, khi giá cổ phiếu xuống, cũng như nhà đầu tư cá nhân, thì các tổ chức cũng nhìn thấy giá hợp lý – có thể xem là bắt đáy. Nhưng lưu ý, “một cánh én nhỏ không làm nên mùa xuân”, nói chung cần “nhiều cánh én mới thấy mùa xuân ấm dần”.
Theo đó, các quỹ mua là tốt nhưng cần nhiều niềm tin hơn – cần có diễn biến mới về vĩ mô, về thanh khoản để niềm tin vững vàng hơn.
Dĩ nhiên, vẫn có nhiều quỹ đang có performance kém hơn thị trường, dù rằng, họ là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, phân tích tốt, hiểu chu kì. Nhưng, như chuyên gia từng chia sẻ rằng, các nhà đầu tư kinh nghiệm sẽ lựa chọn đừng “gần cửa” để khi có biến là có thể “chạy trước”. Thực tế thì Warrent Buffet từng nói “ngôi nhà đó làm gì có cửa” nên làm gì có chỗ mà chạy.
“Tức ta quá tự tin vào khả năng của chúng ta, nên ta cứ cho rằng ta đứng gần cửa và chạy trước, thực tế không phải thế”, ông Hưng nói.