Thị trường của đầu cơ, lướt sóng thì không cần cứu

Giải cứu doanh nghiệp bất động sản, hay thị trường bất động sản nói chung, đang là vấn đề nóng được bàn luận tại nhiều hội nghị cũng như trên các phương tiện tuyền thông đại chúng.

Bất động sản là ngành có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, và lại đang là một con nợ lớn của hệ thống ngân hàng với tổng nợ đến 2,58 triệu tỉ đồng và chiếm 21,2% tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế, việc hỗ trợ cho ngành này là điều buộc phải làm.

Tuy nhiên, khi bàn đến các giải pháp hỗ trợ cụ thể từ phía Nhà nước, có một vấn đề quan trọng cần được làm rõ trước tiên, đó là chúng ta muốn có thị trường bất động sản như thế nào, là thị trường mà ở đó người có nhu cầu về chỗ ở thực có thể tiếp cận, hay thị trường hầu như chỉ dành cho giới đầu cơ, lướt sóng?

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đại diện Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng 2023 là năm quyết định sống còn đối với các doanh nghiệp bất động sản, nên cần có các giải pháp đồng bộ về thể chế pháp luật, về thủ tục hành chính, về thị trường vốn, trước hết là giải pháp về tín dụng; nhiều doanh nghiệp lớn đã “giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45-50%” nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua.

Việc doanh nghiệp đã giảm giá bán nhưng “hầu như không có người mua” cho thấy vấn đề của ngành bất động sản hiện nay dường như không phải ở thể chế pháp luật, thủ tục hành chính hay thị trường vốn. Vì cũng với cơ chế ấy nhưng chỉ cách nay chừng một năm thị trường vẫn vô cùng sôi động, giá cả vẫn tăng không ngừng nghỉ. Tất nhiên, chính sách pháp luật, tín dụng và thủ tục hành chính vẫn còn nhiều bất cập cần được điều chỉnh.

Tình trạng này chỉ có thể do một nguyên nhân, đó là giá bất động sản đã vượt quá tầm của hầu hết những người có nhu cầu ở thực, còn giới đầu cơ thì chẳng dại gì bỏ tiền ra mua vào lúc này khi mà triển vọng tăng giá gần như không còn, trong khi lãi suất tiết kiệm ngân hàng thì đang cao ngất ngưởng.

Vì vậy, câu hỏi đặt ra là có nên hỗ trợ cho một thị trường mà người chơi hầu như chỉ có giới đầu cơ và lướt sóng, hay phải có giải pháp để hạn chế nạn đầu cơ, hạ giá nhà đất để tạo cơ hội cho người có nhu cầu chỗ ở thực tiếp cận được. Câu trả lời cho vấn đề này đã quá rõ ràng.

Vì vậy, thay vì nói đến việc giải cứu, điều Nhà nước cần làm lúc này là thúc đẩy hạ nhiệt giá cả thị trường, như tháo gỡ những bất cập về pháp luật, thủ tục hành chính để các doanh nghiệp không còn phải chịu đựng những cơn ác mộng về thủ tục pháp lý và cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng giá thành bất động sản; có chính sách để hạn chế nạn đầu cơ, thổi giá; sau cùng là chính sách hỗ trợ về tài chính cho những người mua nhà lần đầu hoặc người có nhu cầu đổi chỗ ở mới khang trang hơn.

Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều ý kiến chuyên gia đã kêu gọi phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản. Suốt mấy năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã trở nên bong bóng quá mức, chuyện bị “xì hơi” chỉ là vấn đề thời gian. Dùng luật lệ hay chính sách tín dụng để duy trì trạng thái bong bóng đó chẳng những không có lợi ích gì, mà còn có thể đẩy cả hệ thống ngân hàng vào nguy hiểm. Bài học đắt giá mà hệ thống ngân hàng phải trải qua sau đợt bùng nổ tín dụng bất động sản trong những năm 2006-2010 vẫn còn rất mới.

Kinh tế Sài Gòn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-cua-dau-co-luot-song-thi-khong-can-cuu/