Thị trường dệt may sẽ hồi phục trong năm 2024
Bước vào quý II/2024, các doanh nghiệp ngành dệt may đã tăng cường đầu tư công nghệ, đổi mới sản xuất, kinh doanh mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Số lượng đơn hàng đã tăng trở lại, nhiều doanh nghiệp đã hy sinh lợi nhuận và cổ tức để chăm lo cho người lao động.
Thị trường có tín hiệu tích cực, đơn hàng tăng trở lại
Mới đây, tại cuộc họp công bố hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, cho biết dù ngành dệt may đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có, nhưng với việc cố gắng duy trì doanh thu và giảm lợi nhuận để giữ chân 62.000 lao động, kỳ vọng tình hình thị trường sẽ tích cực trở lại vào quý II năm nay.
Tuy vậy, tình hình đang có những dấu hiệu tích cực trở lại khi số lượng đơn đặt hàng nhiều hơn ở thị trường tiêu thụ dệt may lớn của thế giới là Mỹ.
“Dù vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương với doanh thu là 17.225 tỉ đồng (tăng 4,4%) và lợi nhuận trước thuế đạt 377 tỉ đồng (chỉ tăng 1,9%), nhưng kết quả này không như kỳ vọng” - ông Hiếu nói.
Tương tự, Tổng công ty May 10-CTCP (May 10) cũng đã triển khai nhiều dự án lớn, như chuỗi trung tâm thời trang May 10 Centurion, hệ thống cửa hàng tại hầu hết các tỉnh, thành phố… Đẩy mạnh xuất khẩu song song với phát triển thị trường nội địa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của May 10 đón nhận những tín hiệu phục hồi rõ nét.
Các dự báo đều cho thấy những hy vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện. Trong đó, tại thị trường Mỹ, với tín hiệu có thể có ba đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%, sẽ là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại. Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước... nên các đơn hàng có khả năng sẽ quay lại Việt Nam.
Được biết, trong năm 2024, ngành dệt may ở Việt Nam chỉ thấp hơn Trung Quốc nhưng cao gấp 3 lần Bangladesh, 2 lần Ấn Độ và gấp 1,8 lần Campuchia. Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn khi các nước không còn nhiều dư địa để cạnh tranh về giá liên quan tới giá nhân công và tỉ giá, do một số nước tăng mạnh lương tối thiểu từ cuối năm 2023, trong khi Việt Nam có lợi thế là năng suất và chất lượng của doanh nghiệp VN có thể cao hơn bình quân 10 - 15%.
Giữ chân người lao động
Bà Phạm Thị Thanh Tâm -Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết trong bối cảnh khó khăn, Vinatex đã hy sinh lợi nhuận và cổ tức để chăm lo cho người lao động.
Cụ thể, tập đoàn vẫn duy trì mức thu nhập bình quân là 9,45 triệu đồng/người/tháng, đạt 96% so với năm 2022, cao hơn 11% so với mức lương bình quân người lao động cả nước (khoảng 8,5 triệu đồng/người), trong khi số giờ làm giảm xuống 15%.
Ngoài ra, tập đoàn còn thưởng Tết cho người lao động với mức 16 triệu đồng/người, cao hơn mức thưởng Tết bình quân là 7 triệu đồng.
Theo ông Cao Hữu Hiếu, để có được mức thưởng như vậy, ban lãnh đạo tập đoàn phải trao đổi, thuyết phục các cổ đông bởi nhiều doanh nghiệp của Vinatex đã cổ phần hóa.
"Chúng tôi phải trao đổi với cổ đông, nhấn mạnh vai trò của người lao động. Nếu không có chế độ với người lao động, giữ chân người lao động thì chắc chắn ăn Tết xong, chỉ có lãnh đạo đến làm việc. Vì vậy, dù khó khăn vẫn phải trích lợi nhuận, nguồn tiền nhất định chăm lo cho người lao động để cố gắng chờ đến giai đoạn phục hồi", ông Hiếu nói thêm.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thi-truong-det-may-se-hoi-phuc-trong-nam-2024-709550.html