Thị trường dịch vụ tài chính: Cuộc cạnh tranh không cân sức giữa doanh nghiệp nội và ngoại

Nhận diện cơ hội và thách thức trong phát triển thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam trong bối cảnh mới, TS Vũ Thị Như Quỳnh, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam nhấn mạnh: Sự phát triển của thị trường này dẫn tới những cuộc cạnh tranh không cân sức giữa doanh nghiệp nội và ngoại.

Hiện tượng chuyển giá ngày càng gia tăng

Theo TS Vũ Thị Như Quỳnh, dịch vụ tài chính (financial services) được hiểu là một hệ thống cấu thành của loại hình dịch vụ mang tính chất thương mại, bao gồm dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ chứng khoán, dịch vụ tư vấn đầu tư.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng tài chính của cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong ngành dịch vụ này. Ngành dịch vụ tài chính tiếp tục phải đối mặt với áp lực từ xu hướng lãi suất thấp làm tác động mạnh tới tỷ suất lợi nhuận và mô hình kinh doanh.

Cùng với đó là áp lực tăng năng suất thông qua việc số hóa hoạt động kinh doanh và lực lượng lao động sẽ khiến biên lợi nhuận bị thắt chặt hơn.

Hiện tượng chuyển giá ngày càng gia tăng và khó có thể quản lý.

“Thị trường dịch vụ tài chính phát triển dẫn tới những cuộc cạnh tranh không cân sức giữa doanh nghiệp nội và các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính nước ngoài. Các ngân hàng nội địa sẽ phải cạnh tranh gắt gắt với các tổ chức tài chính lớn của nước ngoài. Sự xuất hiện của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng tạo sức ép cạnh tranh lớn cho các ngân hàng trong nước trong việc thương mại hóa các sản phẩm dịch vụ tài chính”, TS Vũ Thị Như Quỳnh nhấn mạnh.

Cũng theo bà Quỳnh, hội nhập càng sâu rộng thì nguy cơ bất ổn từ bên ngoài càng lớn và đến càng nhanh, đặc biệt đối với dịch vụ tài chính là ngành huyết mạch của nền kinh tế.

Đây là thực tế Việt Nam cần phải có các phương án, kế hoạch chuẩn bị ứng phó trước những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra để duy trì thị trường dịch vụ tài chính phát triển ổn định.

Khi các doanh nghiệp nội địa không cạnh tranh được với các tập đoàn tài chính nước ngoài do năng lực còn yếu, mất thị trường tiềm năng ở nước ngoài… sẽ dẫn đến những hệ lụy trong hoạt động quản lý nhà nước.

Đó là hiện tượng chuyển giá ngày càng gia tăng và khó có thể quản lý, bởi vì các ngân hàng nước ngoài thường đi theo các doanh nghiệp nước họ khi đầu tư ra nước ngoài.

Cơ quan Nhà nước phải đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt

Trước những thách thức trên, chuyên gia Trường Đại học Hàng hải Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính cần chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ cung cấp, chuyên nghiệp hóa, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ tài chính để bắt kịp với những thay đổi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cơ quan Nhà nước phải đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt hoạt động của thị trường dịch vụ tài chính.

Các cơ quan chức năng nghiên cứu phát triển môi trường thử nghiệm sáng tạo, vừa để hỗ trợ các công ty công nghệ tài chính nghiên cứu, xây dựng và thử nghiệm các giải pháp tài chính mới, vừa để các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách có điều kiện tiếp cận sớm, dự báo được các xu hướng công nghệ tài chính mới, từ đó đề xuất các khung pháp lý phù hợp, hỗ trợ các công ty công nghệ tài chính phát triển.

“Cần tăng cường phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan giám sát thị trường dịch vụ tài chính của các quốc gia để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động rửa tiền, làm “trong sạch” thị trường dịch vụ tài chính. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải đóng vai trò kiến tạo, chủ động định hướng, dẫn dắt hoạt động của thị trường”, bà Quỳnh nói.

Các tổ chức tài chính cũng cần tăng cường chuẩn hóa và tiếp cận chuẩn mực quốc tế về an toàn tài chính, đẩy mạnh sự phối hợp hoạt động của các cơ quan giám sát tài chính, qua đó, cải thiện chất lượng giám sát thị trường dịch vụ tài chính, góp phần đảm bảo thị trường này hoạt động ổn định, bền vững.

Hà Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/thi-truong-dich-vu-tai-chinh-cuoc-canh-tranh-khong-can-suc-giua-doanh-nghiep-noi-va-ngoai/20220308090949539