Thị trường dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5: Dồi dào nguồn cung, an toàn vệ sinh được chú trọng
Chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, không khí mua sắm trên thị trường hàng hóa tiêu dùng đang nhộn nhịp nhưng vẫn giữ được sự ổn định cần thiết.

Hàng hóa đầy ắp các gian hàng của một siêu thị tại Hà Nội ngày sát nghỉ lễ 30/4-1/5. Ảnh: TB.
Theo ghi nhận của phóng viên Đại Đoàn Kết online, nguồn cung lương thực, thực phẩm ở nhiều siêu thị và chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội đang khá dồi dào. Giá cả các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm tươi sống ổn định, không xuất hiện tình trạng tăng giá bất thường hay khan hiếm nguồn cung. Nhiều chương trình ưu đãi cũng được áp dụng đồng thời.
Tại các hệ thống siêu thị lớn và chuỗi cửa hàng tiện lợi trên địa bàn Thủ đô, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, cá, rau củ quả, gạo, mì ăn liền, nước giải khát… đều được bày đầy ắp trên các kệ hàng. Ông Lê Tuấn Anh, đại diện bán hàng một siêu thị lớn cho biết, từ nhiều tuần trước dịp lễ, doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng hàng hóa lên 20% – 30% so với ngày thường, nhất là nhóm hàng tươi sống và chế biến sẵn nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp nghỉ lễ.
Không chỉ bảo đảm về số lượng, nhiều hệ thống bán lẻ còn triển khai chương trình khuyến mãi, giảm giá mạnh cho các mặt hàng thiết yếu. Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ một chuỗi cửa hàng tiện ích tại Hà Nội cho biết: “Chúng tôi coi dịp lễ là cơ hội kích cầu tiêu dùng nên trừ trường hợp khan hiếm nguồn cung hay có lý do bất khả kháng, siêu thị không điều chỉnh tăng giá. Năm nay, thời tiết thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát, nguồn cung dồi dào, nên giá cả vẫn ổn định và thậm chí có nhiều sản phẩm áp dụng chương trình ưu đãi sâu”.
Cùng với hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ dân sinh và chợ truyền thống tại Hà Nội cũng ghi nhận sức mua tăng trong tuần lễ cao điểm, song giá cả không có biến động đáng kể. Theo chị Nguyễn Thị Mai – tiểu thương tại chợ Hôm (Hà Nội), so với năm trước, năm nay sức mua tăng lên nhiều, ước tính cao hơn khoảng 30% so với năm ngoái. Giá cả ổn định hơn, nguồn hàng về đều và đa dạng, người dân mua sắm chủ động, không còn lo bị ép giá hay thiếu hàng vào sát lễ.
Khảo sát thực tế cho thấy tại một số chợ tại Hà Nội, các loại rau xanh như mồng tơi, rau muống có giá dao động từ 8.000 – 15.000 đồng/bó; thịt lợn phổ biến ở mức 140.000 – 160.000 đồng/kg, thịt bò từ 230.000 – 330.000 đồng/kg. Hải sản tươi sống như tôm thẻ cỡ trung bình dao động từ 160.000 – 200.000 đồng/kg, mực ống có giá khoảng 280.000 – 360.000 đồng/kg. “Mức giá các mặt hàng thực phẩm những ngày sát lễ được khách hàng đánh giá là "dễ chịu" còn người bán thấy cũng dễ bán, đỡ áp lực mất khách”, bà Vũ Thị Hồng, tiểu thương tại chợ Mơ (Hà Nội) cho biết.

Các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ dân sinh dồi dào và vẫn giữ giá ổn định. Ảnh: TB.
Không dừng lại ở kênh mua sắm trực tiếp, các sàn thương mại điện tử và nền tảng mua sắm thực phẩm trực tuyến cũng ghi nhận lượng đơn hàng tăng đều. Nhiều đơn vị triển khai chương trình giảm giá, miễn phí vận chuyển cho đơn hàng từ 300.000 đồng trở lên trong bán kính 5km, giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn trong việc mua sắm và nghỉ lễ.
Bà Lê Thị Mận (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Không khí đi chợ, đi siêu thị mấy ngày nay náo nhiệt như đón Tết, nhưng không có hiện tượng tăng giá đột ngột hay khan hàng. Muốn mua gì cũng có, giá cả hợp lý, lại còn nhiều ưu đãi.”
Trong khi một số người dân không còn quá lo lắng về giá cả, thì chất lượng và độ an toàn của thực phẩm lại là vấn đề được đặc biệt quan tâm trong dịp cao điểm này. Chị Nguyễn Kim Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Ngày nào cũng thấy báo chí đưa tin cơ quan chức năng phát hiện hàng giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Giờ tôi mua gì cũng phải cân nhắc kỹ, bởi lo cho sức khỏe của cả nhà quan trọng hơn giá cả vài nghìn đồng.”
Trước thực trạng trên, các cơ quan liên quan đã chủ động triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Chúng tôi đã và đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý thị trường, y tế và nông nghiệp để kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Các mặt hàng tại hệ thống cửa hàng của tôi và nhiều siêu thị khác trên địa bàn thành phố đều được niêm yết giá công khai, đầy đủ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm để cung cấp cho khách hàng cũng như cơ quan quản lý bất cứ lúc nào”.
Được biết, để chuẩn bị đón du khách trong nước và quốc tế trong đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5, trong Tháng hành động vì ATTP (từ ngày 15/4 - 15/5), đồng loạt 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô đã ra quân kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Thành phố cũng đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm.
Tại Hội nghị triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025, TS. Nguyễn Đình Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cũng nhấn mạnh: qua các đợt thanh tra, kiểm tra cao điểm cho thấy, việc tăng cường kiểm tra đột xuất mang lại hiệu quả tốt. Do đó, phương thức kiểm tra này tiếp tục được tăng cường trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5).
Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trước, trong và sau kỳ nghỉ lễ tới, toàn thành phố vẫn tập trung kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm tại các điểm vui chơi, giải trí, du lịch và dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Đặc biệt tập trung vào những địa bàn có nguy cơ cao mất an toàn để xử lý dứt điểm tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân trong dịp nghỉ lễ.