Thị trường Halal - cơ hội lớn cho dược liệu và nông sản Lâm Đồng

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhu cầu tiêu dùng Halal ngày càng tăng cao, với lợi thế tự nhiên cùng sự chủ động của doanh nghiệp, ngành dược liệu và nông sản Lâm Đồng đang đứng trước cơ hội để bước vào thị trường tiềm năng này.

Đối tác quốc tế tham quan quy trình sản xuất atiso đạt chuẩn Halal tại Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng

Đối tác quốc tế tham quan quy trình sản xuất atiso đạt chuẩn Halal tại Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng

CHỨNG NHẬN HALAL - CÁNH CỬA MỞ RA CƠ HỘI MỚI

Thị trường Halal (bao gồm các sản phẩm được sản xuất, chế biến và phân phối theo quy định nghiêm ngặt của Hồi giáo) với hơn 1,8 tỷ người tiêu dùng tại các quốc gia Hồi giáo, đang trở thành một trong những thị trường tiêu thụ tiềm năng nhất đối với các sản phẩm nông nghiệp và dược liệu.

Là một trong những doanh nghiệp dược hàng đầu của tỉnh, Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladophar) đã hoàn tất việc đạt chứng nhận Halal vào đầu quý I/2025 cho nhiều dòng sản phẩm chủ lực, bao gồm các viên nang dược liệu, trà thảo dược và tinh chất từ cây thuốc Nam. Ông Lê Tiến Thịnh - Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng chia sẻ: “Chúng tôi đã và đang đàm phán tích cực với các đối tác tại Trung Đông và các nước khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu trong năm 2025 là tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Halal lên ít nhất 30%. Hiện nay, Ladophar cũng đang triển khai thêm 8 dự án nghiên cứu - sản xuất sản phẩm mới đạt chuẩn Halal để phục vụ riêng cho nhóm khách hàng Hồi giáo”. Ladophar đồng thời đang tiếp tục đầu tư vào quy trình kiểm soát chất lượng chuẩn quốc tế, kết hợp công nghệ chiết xuất hiện đại để đảm bảo sản phẩm không chỉ đạt chuẩn Halal mà còn cạnh tranh được về hiệu quả sử dụng và mẫu mã bao bì.

Một điểm sáng khác trong bản đồ nông sản Lâm Đồng là Công ty Cổ phần Viên Sơn, doanh nghiệp đã đưa thành công sản phẩm khoai lang Nhật Bản vào thị trường Malaysia và Singapore - những quốc gia có yêu cầu cực kỳ nghiêm ngặt về các tiêu chí dành cho thị trường Halal. Hiện nay, doanh nghiệp này đầu tư đồng bộ vào quy trình kiểm soát khép kín từ trồng trọt, chế biến đến vận chuyển, đảm bảo không có yếu tố gây nhiễm chéo và luôn tuân thủ các quy định của đối tác đưa ra. Từ đó mang lại thành quả đáng ghi nhận khi những lô hàng khoai lang đầu tiên đã lên kệ tại các siêu thị uy tín tại Malaysia và Singapore.

Với Công ty TNHH Hoàng Nguyên, chuyên xuất khẩu rau, củ và thực phẩm chế biến sẵn, đại diện đơn vị này cho biết, hiện đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký tiêu chuẩn Halal và kỳ vọng sẽ xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường Malaysia vào quý III năm nay. Công ty cũng đang xây dựng mối quan hệ chiến lược với đối tác tại Kuala Lumpur (Malaysia) để phát triển kênh phân phối ổn định và lâu dài. Các sản phẩm nổi tiếng của Đà Lạt như: rau củ, dâu tây, atiso và trà thảo mộc đang được các nhà nhập khẩu tại Malaysia, Indonesia, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ… đặc biệt quan tâm.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, tính đến năm 2024, số lượng doanh nghiệp tại Lâm Đồng được cấp chứng nhận Halal đã có sự tăng trưởng đáng kể, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản như rau, củ, quả, trà các loại và chanh dây, với sản lượng khoảng 19.336 tấn/năm. Các sản phẩm này chủ yếu xuất khẩu sang Malaysia, Indonesia và Singapore. Chứng nhận Halal giúp sản phẩm tiếp cận thị trường người tiêu dùng Hồi giáo rộng lớn.

TIỀM NĂNG LỚN TỪ THỊ TRƯỜNG HALAL

Để gia nhập thị trường Halal thành công, các doanh nghiệp Lâm Đồng không chỉ cần đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và chứng nhận Halal mà còn phải thực hiện các chiến lược xuất khẩu bài bản. “Đầu tiên, việc nghiên cứu thị trường là rất quan trọng. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về nhu cầu, thói quen tiêu dùng và các quy định nhập khẩu của từng quốc gia trong khu vực Hồi giáo. Tiếp theo đó, việc xây dựng mạng lưới đối tác chiến lược là yếu tố quyết định. Các doanh nghiệp cần hợp tác với các nhà phân phối, các đối tác kinh doanh tại các thị trường mục tiêu để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm. Việc quảng bá và xây dựng thương hiệu cũng rất quan trọng để tạo niềm tin với người tiêu dùng Hồi giáo”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng chia sẻ.

Tuy nhiên, không dừng lại ở định hướng chiến lược, thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng đã phối hợp với Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) do USAID Hoa Kỳ tài trợ, mời các chuyên gia đến chia sẻ trực tiếp với doanh nghiệp địa phương. Qua đó, cộng đồng doanh nghiệp đã có cái nhìn sâu sắc hơn về tiềm năng thị trường Halal cũng như các yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể cần đáp ứng. Đặc biệt, Hiệp hội còn phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các buổi tư vấn chuyên sâu, mời chuyên gia hướng dẫn cụ thể từng bước chuẩn bị hồ sơ, quy trình và tiêu chuẩn để đạt được chứng nhận Halal. Điều này giúp doanh nghiệp địa phương giảm thiểu rủi ro và tiết kiệm thời gian trong quá trình thâm nhập thị trường.

Chuyên gia Tạ Việt Hằng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP HalalTrip Việt Nam, nhận định: “Thị trường Hồi giáo là một thị trường vô cùng tiềm năng, đặc biệt nhiều nước Hồi giáo có điều kiện địa lý ở cùng khu vực với Việt Nam như Malaysia, Indonesia”. Bà Tạ Việt Hằng khuyến nghị thời gian tới, Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và cấp chứng nhận Halal, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trong một thế giới ngày càng hội nhập, việc gia nhập các thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Halal, là một chiến lược cần thiết và sẽ mang lại nhiều lợi ích dài hạn cho các doanh nghiệp nông sản và dược liệu của Lâm Đồng. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt từ khâu sản xuất, chứng nhận Halal đến việc xây dựng mạng lưới đối tác chiến lược để thành công trong thị trường đầy tiềm năng này.

ÁNH NGUYỆT

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202505/thi-truong-halal-co-hoi-lon-cho-duoc-lieu-va-nong-san-lam-dong-492135a/