Thị trường Halal và cơ hội tỷ đô cho doanh nghiệp Việt
Thị trường Halal với quy mô hàng nghìn tỷ USD mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Để khai thác hiệu quả, cần chiến lược bài bản và hệ sinh thái đồng bộ.
Tiềm năng khai thác thị trường nghìn tỷ USD
Thị trường Halal toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn xét về quy mô và mức tăng dân số, mức chi tiêu và sự đa dạng về lĩnh vực cũng như triển vọng tăng trưởng ngày càng tăng trong tương lai.
Thị trường này đang mở ra những cơ hội kinh doanh đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm chế biến. Với dân số Hồi giáo khoảng 2 tỷ người, chiếm 25% dân số thế giới, nhu cầu về sản phẩm Halal ngày càng tăng cao. Dự báo, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu sẽ đạt khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028.
Báo cáo Thị trường Thực phẩm Halal Toàn cầu năm 2024 của hãng nghiên cứu thị trường Cognitive Market Research cho thấy giá trị thị trường thực phẩm Halal toàn cầu đạt gần 2.548,5 tỷ USD trong năm 2024 và sẽ tăng lên 4.934,73 tỷ USD vào năm 2031, với tốc độ tăng trưởng hằng năm 9,9% trong giai đoạn 2024-2031.

Một cửa hàng tiện lợi được chứng nhận Halal tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thy Hằng
Nhu cầu về thực phẩm Halal không chỉ giới hạn trong các quốc gia Hồi giáo mà còn mở rộng ra các thị trường khác như Trung Quốc, nơi có cộng đồng Hồi giáo đông đảo với dân số ước tính từ 21 đến 23 triệu người và dự kiến đạt 30 triệu vào năm 2030.
Việt Nam, với lợi thế là một quốc gia nông nghiệp, có tiềm năng lớn để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng thực phẩm Halal. Hiện nay, các sản phẩm Halal xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam bao gồm nông sản và nguyên liệu thô. Tuy nhiên, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đạt được chứng nhận Halal, cho phép tiếp cận thị trường rộng lớn của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).
Tiềm năng mở rộng xuất khẩu Halal của Việt Nam càng được thể hiện rõ hơn khi Việt Nam đã nằm trong top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới và là một trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, đồng thời là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, khu vực và liên khu vực đã được ký kết…
Tuy nhiên, việc thâm nhập thị trường Halal cũng đặt ra nhiều thách thức. Để tiếp cận được thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chứng nhận thực phẩm Halal, mà còn phải nâng cao khả năng cạnh tranh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng được hệ sinh thái Halal hoàn chỉnh, trong khi nhiều thị trường khác như Brazil, Singapore và Indonesia đã có vai trò lớn trong cung ứng và chiếm thị phần với kinh nghiệm và lợi thế lâu năm.
Để khai thác hiệu quả thị trường Halal, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái Halal toàn diện và phát triển thương hiệu quốc gia về xuất khẩu nông sản Halal. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức chứng nhận Halal để đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm.
Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm Halal Việt Nam
Nhận thức được tiềm năng to lớn của thị trường Halal, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực mở rộng sản xuất, đạt chứng nhận Halal để tiếp cận thị trường này. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả hơn, cần có một chiến lược đồng bộ từ phía cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt tình hình, tiềm năng, xu hướng và các cách tiếp cận thị trường Halal để mở rộng thị trường, đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập nhiều hơn nữa vào thị trường Halal toàn cầu, Bộ Công Thương tổ chức chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025”.
Hội nghị sẽ là cơ hội quan trọng để các bên liên quan cùng trao đổi về định hướng phát triển, cập nhật thông tin chính sách và thảo luận các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam.

Hội nghị giao ban Xúc tiến Thương mại với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025. Ảnh: Cục Xúc tiến Thương mại
Hội nghị sẽ tập trung vào các vấn đề then chốt như tiềm năng thị trường, chính sách hỗ trợ, tiêu chuẩn chứng nhận và kinh nghiệm thực tiễn từ doanh nghiệp, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường Halal toàn cầu.
Hội nghị nhằm phổ biến thông tin, chính sách, quy định, tiêu chuẩn và điều kiện xuất nhập khẩu của thị trường Halal toàn cầu. Đồng thời, cập nhật các yêu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại từ các địa phương và doanh nghiệp, tạo diễn đàn để các bên liên quan trao đổi, thảo luận và đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam.
Chương trình hội nghị bao gồm hai phiên chính:
Phiên 1: Giới thiệu tiềm năng, cơ hội phát triển các sản phẩm Halal tại Việt Nam và thế giới
- Giới thiệu về Halal và tiềm năng, cơ hội phát triển các sản phẩm Halal: Ông Ramlan Bin Osman, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) - Bộ Khoa học và Công nghệ, sẽ trình bày về khái niệm Halal, tiềm năng và cơ hội phát triển sản phẩm Halal, cũng như giới thiệu về trung tâm HALCERT và các tiêu chuẩn Việt Nam về chứng nhận Halal.
- Định hướng, chính sách phát triển chuỗi cung ứng nông nghiệp thực phẩm Halal của Việt Nam: Đại diện Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển Thị trường – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ trình bày về chính sách và định hướng phát triển chuỗi cung ứng nông nghiệp thực phẩm Halal tại Việt Nam.
- Chia sẻ từ doanh nghiệp: Hai doanh nghiệp sẽ chia sẻ về thuận lợi và khó khăn khi thâm nhập các thị trường Halal.
Phiên 2: Xu hướng tiêu dùng các sản phẩm Halal và cơ hội xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm
Phiên này sẽ có sự tham gia của các Tham tán Thương mại Việt Nam tại các quốc gia như Malaysia, Indonesia, UAE, Algeria, Maroc, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út và Nam Phi. Các diễn giả sẽ trình bày về xu hướng tiêu dùng sản phẩm Halal và cơ hội xuất khẩu vào các thị trường ASEAN, Trung Đông, Tây Nam Á và châu Phi.
Với những tiềm năng và cơ hội rộng mở, thị trường Halal đang trở thành một hướng đi quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược mở rộng xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức chứng nhận nhằm xây dựng một hệ sinh thái Halal bài bản, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Hội nghị Giao ban Xúc tiến Thương mại tháng 3/2025 sẽ là bước tiến quan trọng, giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt xu hướng, tháo gỡ rào cản và tìm ra giải pháp hiệu quả để gia nhập sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu.
Thông tin Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2025.
- Thời gian dự kiến: Đầu tháng 4/2025
- Địa điểm: Trực tiếp tại phòng họp 202, Trụ sở Bộ Công Thương 23 Ngô Quyền và trực tuyến qua Zoom
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: Chị Lưu Thùy Linh - ĐT: 0986540894