Thị trường hàng hóa biến động mạnh trong tuần cuối cùng của quý II

Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trải qua tuần giao dịch rất sôi động. Diễn biến giá phân hóa khiến sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá. Tuy nhiên, lực bán mạnh trên nhóm nông sản đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 1,13% xuống 2.173 điểm.

Đáng chú ý, biến động mạnh của thị trường đã thu hút lượng lớn dòng tiền đầu tư trong tuần qua; thể hiện ở giá trị giao dịch trung bình toàn Sở đạt trên 5.800 tỷ đồng/phiên, cao hơn 11% so với tuần trước đó. Trong đó, phiên giao dịch ngày 27/6 có giá trị đạt gần 9.600 tỷ đồng, là một trong 5 phiên có giá trị lớn nhất từ trước tới nay.

Giá ngô lao dốc 16%, lúa mì giảm 6 phiên liên tiếp

Giá ngô hợp đồng tháng 12 kết thúc tuần giao dịch 26-30/6 với mức lao dốc mạnh lên tới gần 16% do những kỳ vọng về triển vọng nguồn cung tại Mỹ, yếu tố có quyết định lớn nhất tới xu hướng giá trong giai đoạn này. Thị trường đóng cửa cả 5 phiên trong sắc đỏ và mức giảm ngày càng được mở rộng, đặc biệt là khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố 2 báo cáo quan trọng vào ngày 30/6.

Cả diện tích và năng suất đều được đánh giá tích cực hơn trong khi nhu cầu đối với ngô Mỹ lại đang khá yếu vào thời điểm hiện tại đã thúc đẩy lực bán ồ ạt trên thị trường ngô trong tuần vừa rồi. MXV cho biết, nếu như mưa tiếp tục xuất hiện và độ ẩm gia tăng, giá ngô có thể sẽ tiếp tục suy yếu, phá vỡ vùng đáy trước đó.

Tương tự như ngô, giá lúa mì cũng trải qua tuần giảm mạnh mẽ khi kết tuần với phiên giảm thứ 6 liên tiếp. Những thông tin tích cực về nguồn cung là yếu tố chính tạo áp lực lên giá mặt hàng này.

Hội đồng ngũ cốc quốc tế (IGC) đã nâng dự báo sản lượng lúa mì thế giới niên vụ 2023/24 thêm 3 triệu tấn lên mức 786 triệu tấn. Sự gia tăng phản ảnh triển vọng vụ mùa cải thiện tại Ukraine, nơi sản lượng lúa mì đang được dự báo sẽ đạt 22,5 triệu tấn, tăng so với mức 20,2 triệu tấn trong dự đoán trước. Trong khi đó, tại Mỹ, USDA ước tính diện tích trồng lúa mì năm 2023 giảm nhẹ xuống còn 49,6 triệu mẫu nhưng vẫn nằm trong dự đoán của thị trường nên tác động không đáng kể. Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức hàng hóa Việt Nam: “Trong tuần này, những lo ngại xung quanh thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen có thể giúp hạn chế đà giảm của giá lúa mì”.

Giá dầu hồi phục

Kết thúc tuần giao dịch cuối cùng của quý II/2023, giá dầu cho thấy tín hiệu hồi phục. Tuy nhiên, dầu thô đã đánh dấu quý giảm giá thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng kinh tế tại các nước tiêu thụ hàng đầu có thể làm giảm triển vọng nhu cầu.

Trong tuần qua, giá dầu được hỗ trợ chủ yếu do các dữ liệu từ báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) và bối cảnh kinh tế vĩ mô tương đối tích cực tại Mỹ. Giá dầu WTI đã lấy lại mốc 70 USD/thùng sau khi tăng 2,14% và giá dầu Brent cũng tăng 1,89% lên mức 75,41 USD/thùng.

Trong tuần này, thị trường năng lượng sẽ chờ đón các thông tin từ cuộc hội thảo do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tổ chức vào ngày 5 và 6/7 tại Vienna. Cuộc họp của các CEO ngành dầu mỏ với các bộ trưởng năng lượng từ OPEC và đồng minh dự kiến sẽ khiến giá dầu biến động mạnh trong tuần.

Ông Phạm Quang Anh nhận định: “Thị trường hàng hóa đang ở trong giai đoạn biến động rất mạnh, ở nhiều mặt hàng quan trọng. Đây cũng là giai đoạn bản lề, chuyển giao giữa quý II và quý III, cũng như chuyển giao bán niên, nên xu hướng giá sẽ có nhiều thay đổi trong trung và dài hạn. Vì thế, các nhà đầu tư cần đặc biệt chú ý tới các thông tin mới, cũng như đề cao nghiệp vụ quản trị rủi ro, giúp hoạt động giao dịch an toàn và hiệu quả”.

MXV cũng cho biết, sự kiện quan trọng trong tuần này phải kể đến biên bản họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố vào 1h sáng thứ Năm. Bất kỳ động thái tăng lãi suất nào của Fed, cũng có thể tạo ra biến động lớn đối với các mặt hàng nhạy cảm với kinh tế vĩ mô như dầu thô, kim loại hay cà phê.

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/thi-truong-hang-hoa-bien-dong-manh-trong-tuan-cuoi-cung-cua-quy-ii-102230703083813907.htm