Thị trường hàng hóa ổn định sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đời sống sinh hoạt, nhu cầu mua sắm của người dân trở lại nhịp sống bình thường. Thị trường tiêu dùng tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến do nguồn cung được bảo đảm.

Hàng bán rau xanh trong ngày đầu năm mới tại chợ Phụ Long (thành phố Nam Định).

Hàng bán rau xanh trong ngày đầu năm mới tại chợ Phụ Long (thành phố Nam Định).

Đồng chí Đặng Ngọc Rung, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Tình hình thị trường hàng hóa trước, trong và sau Tết năm nay cơ bản ổn định, hầu hết các mặt hàng không có biến động lớn. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh triển khai nhiều chương trình khuyến mại, chuẩn bị nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại và số lượng nhằm kích cầu người dân mua sắm hàng hóa dịp Tết. Sở Công Thương đã theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình cung, cầu hàng hóa, dịch vụ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm ổn định thị trường.

Để chuẩn bị phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết, Sở Công Thương đã đôn đốc các doanh nghiệp, đơn vị phân phối lớn trên địa bàn tỉnh tăng cường dự trữ hàng hóa với số lượng tăng 20% so với các tháng khác. Trong kỳ nghỉ Tết, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh và các ngành chức năng kiểm tra, giám sát thị trường đối với lĩnh vực giá, chất lượng sản phẩm, việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, kinh doanh xăng dầu và hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết. Nhờ đó, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh dịp trước, trong và sau Tết cơ bản ổn định, tạo tâm lý yên tâm, thoải mái cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm.

Từ sáng mùng 2 Tết, các mặt hàng rau xanh, củ, quả và thủy, hải sản đã được nhiều tiểu thương bày bán trở lại và rất “hút” khách. Ngoài ra, theo phong tục truyền thống, người dân thường đi lễ dịp đầu năm mới nên các mặt hàng, như hoa, quả tươi, bánh kẹo cũng được nhiều người tìm mua. So với thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thủy hải sản, hoa quả các loại có sự tăng giá nhẹ với mức tăng từ 5-10%. Từ mùng 3 Tết, giá bán hầu hết các mặt hàng này đều đã giảm dần và hiện đang giữ ổn định so với thời điểm trước Tết. Cụ thể, hiện giá thịt lợn nạc dao động từ 120-150 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ từ 120-135 nghìn đồng/kg, thịt bò loại 1 giá từ 250-300 nghìn đồng/kg; thịt gà công nghiệp làm sẵn giá 65-90 nghìn đồng/kg; cá trắm, cá chép có giá 60-70 nghìn đồng/kg, tôm có giá 350-450 nghìn đồng/kg... Chị Trần Thị Nghi, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng thủy hải sản tại chợ Mỹ Tho (thành phố Nam Định) cho biết: Sau Tết, số tiểu thương trở lại kinh doanh tại các chợ chưa nhiều, trong khi đó, người dân thường có xu hướng mua mặt hàng thủy, hải sản để cải thiện khẩu vị sau các bữa ăn nhiều thịt. Vì vậy, các loại thủy, hải sản từ mùng 2 Tết, giá bán tăng 10-15%. Các siêu thị, trung tâm thương mại phục vụ khách hàng đến hết ngày 29 Tết và mở cửa trở lại từ ngày mùng 3 Tết. Theo đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại, sức mua những ngày sau Tết năm nay thấp hơn so với năm trước, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng thực phẩm, rau, củ, quả và các loại bánh kẹo phục vụ người dân du xuân đi lễ đầu năm. Các siêu thị, trung tâm thương mại như GO!, Winmart+, Minmart, Countrymart đã chủ động dự trữ nguồn hàng bảo đảm cho thị trường sau Tết, cũng như tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mại, kích cầu sau thời gian nghỉ Tết để thu hút người tiêu dùng.

Khác với nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc, Nam Định có hội Chợ Viềng xuân nổi tiếng tổ chức vào đêm ngày mùng 7 và cả ngày mùng 8 Tết gắn với nghi lễ tâm linh thờ Mẫu tứ phủ và đặc sản thịt bò thui, hoa, cây cảnh, nông cụ và đồ cổ. Những năm gần đây do làm tốt công tác tổ chức, kiểm soát hàng hóa, đảm bảo văn minh thương mại nên thời gian họp chợ bắt đầu sớm hơn từ ngày mùng 6 và quy mô chợ luôn được mở rộng, không giới hạn ở 2 huyện Vụ Bản, Nam Trực, tại nhiều huyện lân cận cũng mở phiên chợ xuân từ mùng 6 Tết. Đặc biệt món thịt bò thui rơm, các loại gia vị, rau xanh ăn kèm nhanh chóng trở thành món hàng được quan tâm nhiều nhất ở tất cả các chợ dân sinh trên địa bàn toàn tỉnh trong những ngày này. Giá bán cũng có biên độ dao động lớn ở hầu hết các món hàng tùy vào sự khan hiếm, độc đáo của sản phẩm cũng như tâm lý người tiêu dùng và quan niệm “mua lấy may”… đã tạo nên không khí mua bán, tiêu dùng độc đáo, sôi động chỉ riêng có ở Nam Định. Ngoài ra, sau Tết, Nam Định còn có lễ Khai ấn đêm 14 tháng Giêng nên thị trường tiêu dùng phục vụ lễ hội đầu Xuân sẽ còn tiếp tục sôi động.

Để tiếp tục giữ ổn định thị trường, Sở Công Thương cùng với các sở, ban, ngành và các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến cung - cầu, giá cả hàng hóa để điều tiết thị trường. Kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá cả đối với mặt hàng dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, tết. Tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí (nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô); tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trong dịp sau Tết, xử lý nghiêm các tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Đồng thời chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá nhất là các mặt hàng nhạy cảm, có tác động lớn đến người dân; công khai minh bạch thông tin về giá tạo tâm lý mua sắm thoải mái cho người tiêu dùng.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202502/thi-truong-hang-hoa-on-dinh-sau-tet-nguyen-dan-at-ty-e5d0599/