Thị trường hàng hóa ổn định sau Tết Nguyên đán
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đến thời điểm này, các siêu thị, chợ truyền thống, hầu hết các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại. Theo đánh giá của ngành chức năng, nguồn cung hàng hóa cho thị trường khá dồi dào, giá bình ổn, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đến thời điểm này, các siêu thị, chợ truyền thống, hầu hết các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại. Theo đánh giá của ngành chức năng, nguồn cung hàng hóa cho thị trường khá dồi dào, giá bình ổn, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
![Thị trường hàng hóa ổn định trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_431_51454745/497e32460408ed56b419.jpg)
Thị trường hàng hóa ổn định trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Ngay từ quý III/2024, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu lên kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết. Đặc biệt, hệ thống siêu thị tăng lượng hàng dự trữ lên 50% so với cùng kỳ năm trước, nhằm đảm bảo nguồn cung dồi dào cho người tiêu dùng. Các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, rau xanh, bánh kẹo và nước giải khát được ưu tiên nhập về với số lượng lớn, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã phối hợp các doanh nghiệp triển khai chương trình bình ổn thị trường, với sự tham gia của 5 doanh nghiệp cam kết giữ giá ổn định cho 9 nhóm mặt hàng thiết yếu, bao gồm: lương thực, thực phẩm tươi sống và chế biến, dầu ăn, nước chấm, bột ngọt, sữa, rượu (trừ rượu ngoại), bia và nước giải khát. Tổng số tiền các doanh nghiệp tự bình ổn lên đến 48 tỷ đồng, đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa hay tăng giá đột biến trong dịp Tết.
Chị Nguyễn Thị Mai - tiểu thương tại chợ Nghĩa Phương (TP Hòa Bình) chia sẻ: "Nguồn hàng năm nay khá dồi dào, giá cả không biến động nhiều so với năm ngoái. Các mặt hàng bánh kẹo, mứt Tết có nhiều mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng ưa chuộng." Tuy nhiên cũng theo chị Mai, hiện nay, người dân dần thay đổi thói quen tiêu dùng, mua đến đâu dùng đến đó, không còn tình trạng mua hàng tích trữ khiến hàng hóa khan hiếm cục bộ mỗi dịp Tết Nguyên đán như vài năm về trước.
Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên địa bàn. Các đoàn kiểm tra liên ngành đã tập trung kiểm soát chất lượng hàng hóa, giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo đồng chí Đỗ Mạnh Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp, Cục Quản lý thị trường, trong đợt cao điểm phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý 19 vụ, việc vi phạm với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 251 triệu đồng, tịch thu tang vật trị giá trên 5 triệu đồng, buộc tiêu hủy tang vật trị giá gần 250 triệu đồng.
"Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; vận chuyển sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm để kinh doanh; buôn bán pháo nổ. Hàng hóa vi phạm chủ yếu tập trung vào các mặt hàng bánh, kẹo, sản phẩm động vật (nội tạng, thịt trâu, bò, lợn), mỹ phẩm, pháo nổ”- đồng chí Đỗ Mạnh Dũng cho biết.
Với những nỗ lực của ngành chức năng đã góp phần quan trọng xử lý dứt điểm tình trạng thiếu minh bạch trong kinh doanh, xây dựng môi trường kinh doanh công khai, lành mạnh, giúp người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với giá cả bình ổn.
Với sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp, cùng ý thức của người tiêu dùng trong việc mua sắm hợp lý, thị trường hàng hóa tại Hòa Bình đã duy trì được sự ổn định trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo thống kê của ngành Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng 1/2025 ước đạt trên 1.800 tỷ đồng, tăng 17,48% so với cùng kỳ, trong đó một số nhóm hàng tăng trưởng tốt như lương thực, thực phẩm, đồ dùng, trang thiết bị gia đình… qua đó phản ánh nhu cầu mua sắm phục vụ Tết của người dân.