Thị trường hàng hóa thiết yếu ở Hà Tĩnh cơ bản ổn định
Sau khi chủ trương tăng lương cơ sở có hiệu lực (từ 1/7), tình hình thị trường, giá cả hàng hóa thiết yếu trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản giữ ổn định, không có thay đổi đột biến lớn về giá.
Từ ngày 1/7/2024, lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Bên cạnh niềm phấn khởi của cán bộ, công chức và người lao động thì nỗi lo giá cả hàng hóa sẽ biến động tăng theo cũng là tâm lý chung của nhiều người dân.
Theo khảo sát sơ bộ, hiện nay, chỉ một số mặt hàng thiết yếu tăng – giảm giá nhẹ, còn nhìn chung, thị trường vẫn giữ ổn định, không có biến động lớn về giá.
Từ đầu tháng 7 tới nay, mặt hàng xăng, dầu đã trải qua 3 kỳ điều chỉnh giá và chỉ tăng – giảm ở mức nhẹ (2 kỳ điều chỉnh giảm và 1 kỳ điều chỉnh tăng). Cụ thể, kỳ điều chỉnh ngày 18/7, giá các loại xăng dầu giảm từ 108 – 374 đồng/lít; ngày 11/7 giá các loại xăng giảm 180 – 270 đồng/lít, giá các mặt hàng dầu giảm 180 - 350 đồng/lít, trừ giá dầu mazút tăng 250 đồng/kg; ngày 4/7 giá các loại xăng dầu tăng từ 447 – 602 đồng/lít.
Ghi nhận tại một số chợ dân sinh, sau thời điểm tăng lương, thị trường hàng hóa thực phẩm không có nhiều biến động về giá cả. Cụ thể, giá thịt lợn từ 100 – 120.000 đồng/kg, thịt bò 200 – 250.000 đồng/kg, gà làm sạch 130 – 150.000 đồng/kg, giò lụa 130.000 đồng/kg, cá thu cắt lát 230 – 280.000 đồng/kg, cá nục 60.000 đồng/kg, cá chim 180 - 200.000 đồng/kg… Theo các tiểu thương, mức giá này tương đương với giá của những tháng trước, không có dấu hiệu tăng trong thời gian gần đây. Riêng mặt hàng hải sản, giá có thể biến động theo ngày do phụ thuộc nhiều vào sản lượng đánh bắt.
Chị Trần Thị Thủy – tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh cho hay: “Mỗi ngày, chúng tôi tiêu thụ 5 – 7 tạ thịt lợn, vừa cung cấp cho các quán ăn, vừa bán lẻ tại chợ. Giá thịt lợn hiện bán dao động từ 100 – 120.000 đồng/kg, sườn non 130 – 140.000 đồng/kg, mức giá này ổn định từ tháng 2/2024 đến nay, so với trước tháng 2 thì có tăng nhẹ do giá lợn hơi tăng”.
Mặt hàng rau củ, hoa quả tươi có biến động nhẹ ở một số thời điểm do yếu tố mùa vụ, ảnh hưởng của thời tiết, nguồn cung, song mức tăng, giảm không đáng kể. Khảo sát tại các chợ, giá một số loại rau củ hiện nay như: rau cải ngọt 20.000 đồng/kg; rau muống, mồng tơi 7.000 đồng/bó; cà chua 30.000 đồng/kg; mướp hương, bầu, bí xanh 15.000 đồng/kg…
Tại hệ thống siêu thị, hàng hóa phong phú và đa dạng, giá bán không có biến động tăng, thậm chí có nhiều mặt hàng được khuyến mãi giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Bà Phạm Thị Hiệp Định – Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cho biết, từ sau tăng lương cơ sở đến nay, hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản ổn định giá như trước, không có mặt hàng nào tăng giá đột biến và cũng chưa có nhà cung cấp nào thông báo tăng giá đầu vào. Chúng tôi tiếp tục theo dõi giá cả của các mặt hàng; đồng thời, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, siêu thị luôn đảm bảo nguồn hàng với các mặt hàng phong phú và thường xuyên triển khai các chương trình ưu đãi để mang đến những sản phẩm giá tốt cho người tiêu dùng.
Theo nhiều người tiêu dùng, trong nửa đầu năm 2024, một số mặt hàng tiêu dùng có "nhích" giá so với trước đó nhưng từ sau khi tăng lương cơ sở, giá cả hàng hóa chưa ghi nhận sự tăng đột biến. Đây là tín hiệu vui tạm thời của người dân trước nỗi lo lương tăng - giá tăng.
Chị Phan Thị Hòa (xã Thịnh Lộc, Lộc Hà) cho hay: “Vợ chồng tôi đều là giáo viên, được tăng lương nên rất phấn khởi vì có thêm một khoản thu nhập để lo cho cuộc sống gia đình, con cái. Khi có thông tin tăng lương, tôi cũng lo lắng giá hàng hóa sẽ tăng theo lương nhưng từ đầu tháng 7 tới nay, tôi thấy giá cả hàng hóa thiết yếu khá ổn định, một số loại thực phẩm có mức tăng, giảm nhẹ ở từng thời điểm do phụ thuộc thời tiết, nguồn cung nhưng không đáng kể. Tôi hy vọng thị trường sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định và không có tình trạng tăng giá đột ngột gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân”.
Theo ông Võ Tá Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Công thương, đến thời điểm này, thị trường giá cả hàng hóa thiết yếu trên địa bàn nhìn chung vẫn giữ ổn định, chưa có hiện tượng “té nước theo mưa” khi lương cơ sở tăng. Một số mặt hàng có tăng giá nhẹ thời gian qua do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường nắm bắt diễn biến giá cả hàng hóa, tình hình cân đối cung – cầu các mặt hàng thiết yếu; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc quản lý thị trường hàng hóa, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ tăng giá bất hợp lý trên địa bàn.