Thị trường hưng phấn bất ngờ - lần này sẽ khác?
Buổi chiều ngày đầu tháng 6, sau một phiên giao dịch bùng nổ của thị trường, tôi nhận thấy hầu hết mọi người quanh tôi đều hào hứng và lạc quan, bản thân tôi cũng vậy.
Ở lại văn phòng muộn, tôi chợt nghĩ đến câu nói kinh điển của Sir John Templeton: “Thị trường đầu cơ sinh ra trong sự ảm đạm, lớn lên bằng sự hoài nghi, phát triển nhờ sự lạc quan và chết bởi sự thỏa mãn”…
“This time is different” - lần này sẽ khác
Hiện tại, dòng tiền cuốn vào thị trường thực sự làm bất ngờ nhiều người. Tiền cuốn tiền và thị trường có nhiều phiên giao dịch khỏe đến khó tin.
Có nhiều phiên ngỡ sau đó thị trường cần phải điều chỉnh, nhưng dòng tiền không cho chỉnh.
Từ đáy đến nay, ngoài nhịp chững lại nhẹ ở quanh 800 điểm của VN-Index, thị trường đã tăng một mạch hơn 35% mà chưa có nhịp điều chỉnh đáng kể nào (điều chỉnh trên 5%).
Nhiều người đặt sự hoài nghi về đà tăng, nhưng chính thị trường trong những ngày đầu tháng 6 đã biến sự hoài nghi đó dần thành sự lạc quan bằng những phiên giao dịch bùng nổ.
Tôi vẫn còn nhớ những ngày cuối tháng 3, khi thị trường lao dốc và chạm mốc 650 điểm, tâm lý lúc đó bao trùm là sự hoảng loạn. Ngay cả những người liều lĩnh nhất cũng chỉ dám tham gia một cách rất… rón rén.
Nhưng dòng tiền định nghĩa lại tâm lý, luôn là như vậy. Có một đặc điểm tâm lý khi tham gia thị trường, đó là người ta sẽ chỉ nhớ cảm giác gần nhất và cũng sẽ sớm quên những cảm giác cũ. Chính đà tăng đã biến tâm lý từ bi quan cực độ thành lạc quan cực độ như hiện tại.
Tham lam và sợ hãi, 2 thái cực này đã được bộc lộ rõ nét chỉ trong vòng 2 tháng. Với những nhà đầu tư cũ, những vết thương, nỗi buồn mau chóng được bù đắp, còn đối với nhà đầu tư mới, có lẽ hiếm cảm xúc nào thú vị hơn là thắng chứng khoán trong những lần đầu giao dịch.
Đối với người ngoài cuộc và đang không được tận hưởng niềm vui, cảm giác có lẽ là băn khoăn đến mức không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra.
Thị trường vẫn cứ bay cao trên những tin xấu. Chẳng riêng ở Việt Nam, chứng khoán Mỹ cứ tăng bất chấp biểu tình, bất chấp suy thoái, bất chấp dịch bệnh, thất nghiệp kỷ lục.
Chứng khoán Việt Nam đã áp sát vùng trước Covid-19 và đang còn… “rất khỏe”. Thuật ngữ “This time is different” - lần này sẽ khác - trong cuốn sách cùng tên của 2 tác giả Reinhart và Rogoff ám chỉ việc trước mỗi cuộc khủng hoảng, dù hoàn cảnh có thể khác nhau, nhưng đều được hình thành trong tâm lý chung là hưng phấn, ngạo mạn và mất cảnh giác.
Thị trường tạo đỉnh - khi hầu hết chúng ta đều sai
Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra trong lúc này đó là khi nào thị trường tạo đỉnh? Đây là một câu hỏi khó. Dự báo thị trường trong điều kiện bình thường đã không dễ. Đoán đỉnh khi liên tục có tiền mới khó khăn hơn.
Và dự báo được đỉnh trong bối cảnh có tiền mới vào thị trường và dòng tiền mới cộng hưởng với dòng tiền cũ đang rất hưng phấn thì càng khó, bởi ai cũng biết khó mà đoán biết được đâu là giới hạn trong những cơn cuồng loạn.
Đỉnh chỉ được nhận biết khi nó qua đi và có một nguyên tắc thú vị khi thị trường tạo đỉnh, đó là ở đỉnh, hầu hết chúng ta đều sai.
Thị trường luôn đánh gục nhà đầu tư ngay trong lúc lạc quan nhất. Chúng ta có thể đề phòng ở những giai đoạn nhất định, nhưng bằng một cách khéo léo nào đó, khi đám đông đều nghĩ giống nhau, đó là lúc thị trường đảo chiều.
Không chỉ những nhà đầu tư bình thường gặp khó trong việc dự đoán thị trường, mà các chuyên gia, thậm chí là các huyền thoại, vẫn thường hay mắc sai lầm.
Ngay trước khi thị trường sụp đổ năm 1929, nhà kinh tế học Irving Fischer đã nói: "Các cổ phiếu hiện đang ở một nơi trông giống như một cao nguyên vĩnh viễn". Jesse Livermore vào cuối năm 1929 nói: "Theo suy nghĩ của tôi, tình hình tồi tệ này sẽ không đi xa hơn", có nghĩa là thị trường đã chạm đáy.
John D. Rockefeller đã đặt tiền của mình vào cửa tăng: "Trong tuần qua (giữa tháng 10/1929), con trai tôi và tôi đã mua vào cổ phiếu”. Một tháng sau, vào tháng 11/1929, Henry Ford cho hay: "Mọi thứ hôm nay tốt hơn so với ngày hôm qua".
Roger Babson, một trong những nhà quản lý quỹ thành công nhất thời bấy giờ, vào năm 1930 đã phát biểu: "Tôi chắc chắn rất lạc quan về mùa Thu này”.
Kết quả thị trường đã suy thoái kéo dài đến 1933.
Quan trọng là cách phản ứng
Những điều vừa nêu ở trên không có nghĩa là nghi ngờ khả năng dự báo của một số nhà đầu tư xuất sắc, có những kỹ năng đặc biệt.
Thị trường có thể thay đổi rất nhiều sau 100 năm từ ví dụ kể trên, nhưng lòng tham và nỗi sợ hãi thì vẫn như vậy. Đám đông, nghĩa là hầu hết trong số chúng ta không có khả năng dự báo các điểm đảo chiều và thường sai ở những thời điểm như vậy.
Tính cả lần này, trong vòng 10 năm qua, có 3 lần tôi có cảm giác hưng phấn như vậy, đó là thời điểm tháng 7/2015, tháng 3/2018 và hiện tại.
Tất nhiên, từ lúc cảm nhận được sự hưng phấn cho đến khi thị trường tạo đỉnh là 2 chuyện rất khác nhau. Sẽ rất gàn dở nếu nói ai đó đang giao dịch thành công dừng lại chỉ vì cảm nhận, vì ai cũng thấy kiếm tiền trong thị trường hiện tại là dễ dàng.
Tiệc còn vui sao lại dừng lại, chứng khoán có mấy lúc vui như vậy đâu. Nếu không thể dự đoán được thì cách tốt nhất là cứ sống trong nhịp đập thị trường, tận dụng cơ hội và khi thị trường tạo đỉnh, hãy phản ứng đúng.
Kiếm tiền trên thị trường hiện tại là dễ, nhưng giữ tiền khi qua đỉnh mới là khó. Ở thời điểm đó, cách phản ứng như thế nào lại là câu chuyện mang đậm tính cá nhân.
Một cách lý thuyết, điều cần làm là cần lập ra một kế hoạch giao dịch, tuân thủ nó và kiểm soát rủi ro thật chặt, sẵn sàng sửa sai khi cần. Cần suy nghĩ độc lập, kiên nhẫn, cân bằng giữa lòng tham và sự sợ hãi, khách quan và sẵn sàng tách khỏi tâm lý bầy đàn.
Nguyên tắc thì đơn giản là vậy, nhưng ai đã từng trải qua những thời điểm quan trọng và từng sai lầm mới biết những điều trên khó thực hiện đến thế nào.
Đối với hầu hết chúng ta, việc đánh bại thị trường là không khó, nhưng vượt qua chính mình mới là thử thách khó khăn nhất.
Với tôi cũng như vậy, sẽ tiếp tục giao dịch, không cố đoán đỉnh thị trường trong nhịp này, cố kiểm soát bản thân và hy vọng “This time is different” - lần này sẽ khác!