Thị trường kim loại thế giới đồng loạt suy yếu trước sức ép vĩ mô và tồn kho
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, trong phiên giao dịch ngày hôm qua (24/2), thị trường kim loại chịu áp lực bán mạnh sau thông tin xung đột Nga-Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt.

Vàng miếng được trưng bày tại sàn giao dịch ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: (Yonhap/TTXVN)
Lực bán mạnh diễn ra trên thị trường kim loại sau khi những tín hiệu hạ nhiệt từ xung đột Nga-Ukraine cùng với lo ngại về tồn kho và chi phí gia tăng tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/2, giá bạc giảm 1,24%, xuống còn 32,6 USD/ounce, tuy nhiên vẫn tăng hơn 5% so cùng kỳ tháng trước. Trong khi đó, bạch kim tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, giảm 1,73% xuống 970,6 USD/ounce.

Giới đầu tư đang dần rút khỏi kim loại quý khi nhu cầu trú ẩn an toàn suy giảm trước triển vọng tích cực trong quan hệ Nga-Ukraine. Đặc biệt, sự tham gia tích cực của Mỹ vào các cuộc đàm phán đang làm dấy lên kỳ vọng về một giải pháp hòa bình, khiến dòng tiền tìm kiếm kênh đầu tư khác.
Bên cạnh đó, thị trường đang hướng sự chú ý tới chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ (PCE) - dữ liệu quan trọng dự kiến công bố vào ngày 28/2. Đây sẽ là yếu tố quyết định đến chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong cuộc họp tháng 3. Nếu FED duy trì lãi suất cao nhằm kiểm soát lạm phát, đồng USD có thể trở thành điểm đến hấp dẫn hơn, từ đó làm suy yếu sức hút của kim loại quý.
Nhóm kim loại cơ bản cũng không nằm ngoài xu hướng giảm giá. Giá đồng COMEX mất 1,13%, lùi về mức 4,56 USD/pound (tương đương 10.060 USD/tấn). Trong khi đó, quặng sắt giảm nhẹ 0,14%, xuống còn 107,61 USD/tấn.
Áp lực nguồn cung tiếp tục đè nặng lên giá đồng, khi Tổ chức Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) ước tính thị trường dư thừa tới 301.000 tấn đồng trong năm 2023. Đặc biệt, lượng đồng lưu kho tại Sàn Giao dịch Thượng Hải (SHFE) đã tăng mạnh lên 260.000 tấn, so với mức 83.000 tấn hồi đầu năm, cho thấy nhu cầu vẫn chưa theo kịp tốc độ nguồn cung.
Ở một diễn biến khác, kế hoạch áp thuế mới đối với nhôm và thép của Mỹ dù chưa có hiệu lực nhưng đã tạo ra những tác động đáng kể lên chuỗi cung ứng nội địa. Theo dữ liệu từ Fastmarkets, giá thép cuộn cán nóng tại khu vực Trung Tây Mỹ đã tăng 12% trong hai tuần qua, đạt 839 USD/tấn - cao hơn 20% so với thời điểm cựu Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào ngày 20/1.
Mặc dù Mỹ áp mức thuế nhập khẩu cao có thể bảo vệ các nhà sản xuất thép nội địa, hạn chế cạnh tranh từ hàng hóa nước ngoài nhưng chi phí đầu vào gia tăng đang gây áp lực lên các ngành sử dụng thép như: ô-tô, xây dựng và máy móc. Điều này có thể làm thu hẹp biên lợi nhuận của doanh nghiệp, buộc họ phải cắt giảm sản xuất, từ đó kéo theo sự suy yếu trong nhu cầu thép và quặng sắt.