Thị trường kính xây dựng Việt Nam: cơ hội trong thách thức

Thị trường kính xây dựng đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất trong nước và các nhà nhập khẩu từ nước ngoài.

Khách hàng đang xem các sản phẩm về kính tại triển lãm Vietbuild.

Khách hàng đang xem các sản phẩm về kính tại triển lãm Vietbuild.

Các nhà sản xuất trong nước đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển những dòng kính mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng và tính năng kỹ thuật.

Nhiều thách thức

Chuyên gia về vật liệu xây dựng, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung nhìn nhận, thị trường kính xây dựng ở Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu xây dựng công trình cao tầng và các dự án thương mại đang gia tăng.

Các sản phẩm kính không chỉ được sử dụng trong các công trình dân dụng mà còn phổ biến trong các dự án cao cấp như tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, khu căn hộ cao cấp, và các công trình hạ tầng quan trọng.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại kính phục vụ cho công xây dựng, như: kính cường lực, kính hộp, kính dán, kính chống nóng... công năng sử dụng đa dạng, sử dụng làm cửa kính, vách kính, mái vòm, cách âm – cách nhiệt... được sản xuất trong nước, nhập khẩu, giá bán tương đối phù hợp với mọi đối tượng khách hàng. Đơn cử, chủng loại kính cường lực tùy theo độ dày (5, 8, 10, 12, 15 hoặc 19 mm) và nguồn gốc xuất xứ giá từ 500.000 - 2,5 triệu đồng/m2.

"Thị trường kính xây dựng đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất trong nước và các nhà nhập khẩu từ nước ngoài. Các thương hiệu nổi tiếng như Guardian, Saint-Gobain, hoặc PPG đã có mặt tại Việt Nam và chiếm lĩnh thị phần lớn. Các nhà sản xuất trong nước cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển các dòng kính mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng và tính năng kỹ thuật" - ông Trung nhìn nhận.

Tuy nhiên, thị trường bắt đầu chững lại, do sự "đóng băng" của thị trường bất động sản, nhu cầu đối với các sản phẩm kính xây dựng theo đó cũng sụt giảm nghiêm trọng, rơi vào mức rất thấp. Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn đối với thị trường kính xây dựng tại Việt Nam là giá thành của các sản phẩm kính chất lượng cao, đặc biệt là các sản phẩm nhập khẩu.

Giá thành cao làm tăng chi phí xây dựng, từ đó ảnh hưởng đến giá bán các công trình bất động sản. Nhiều dự án đình trệ khiến các DN trong ngành không khu được nợ dẫn tới khó khăn, sản xuất kinh doanh không hiệu quả. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, từ năm 2022 đến tháng 6/2024, đã có 3 dây chuyền phải dừng hoạt động sản xuất, gồm: Nhà máy kính nổi Viglacera (VIFG) - Bình Dương; Nhà máy kính nổi Chu Lai (Chu Lai, Quảng Nam) và Nhà máy kính nổi Tràng An (Ninh Bình).

Một trong những "ông lớn" ngành kính, Tổng Công ty Viglacera mới đây đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2024. Theo đó, lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính riêng giảm 177,2 tỷ đồng, tương đương giảm 43,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của Viglacera ở mức 24.231,2 tỷ đồng. Trong đó, tài sản cố định ở mức 5.990,5 tỷ đồng, tương đương 24,7% tổng tài sản. Hàng tồn kho đạt mốc 4.583,5 tỷ đồng, chiếm 18,9%.

Đáng chú ý, Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 30/9 ở mức 14.277,6 tỷ đồng, tương đương 58,9%. Trong đó, nợ ngắn hạn là 7.850 tỷ đồng, nợ dài hạn là 6.427,5 tỷ đồng. Tổng nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn hơn 5.018 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức gần 5.135 tỷ đồng hồi đầu năm. Mức dư nợ này chiếm tới 20,7% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp.

Cơ hội mới

Thạc sĩ Luật Kinh tế Lê Sơn Tùng nhìn nhận, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển các công trình xây dựng bền vững, khuyến khích việc sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các loại kính xây dựng như kính Low-E, kính cách nhiệt và kính thông minh phát triển. Các dự án công trình xanh như LEED, EDGE đang trở thành xu hướng, đẩy mạnh nhu cầu về kính xây dựng tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.

Với sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ và xu hướng phát triển ngành xây dựng, các nhà sản xuất kính trong nước đang nỗ lực phát triển sản phẩm và nâng cao chất lượng để cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Các nhà sản xuất trong nước có thể tập trung vào việc gia tăng sản xuất kính cường lực, kính an toàn, kính tiết kiệm năng lượng, và phát triển các dòng sản phẩm mới với giá thành cạnh tranh hơn.

Cùng với đó, mới đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 và Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/8/2024, Bộ Xây dựng đã xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Ngày 01/11/2024, Thông tư đã được ban hành với nhiều nội dung mới (Thông tư số 10/2024/TT-BXD).

Trong đó, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu kính xây dựng phải đảm bảo chất lượng và phù hợp với tiêu chuẩn của Việt Nam.nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất kính trong nước. Người nhập khẩu sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng hàng hóa do mình nhập khẩu.

Đối với loại hàng hóa kính nổi, những biện pháp quản lý đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ bao gồm: Kiểm tra Nhà nước về chất lượng trước khi thông quan; Đăng ký kiểm tra Nhà nước về chất lượng trước khi thông quan; Căn cứ để kiểm tra Nhà nước dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định; Cơ quan kiểm tra là Sở Xây dựng.

Có thể thấy, thị trường kính xây dựng tại Việt Nam đang có những cơ hội lớn nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành xây dựng, đặc biệt là các công trình cao tầng, các dự án bất động sản, và nhu cầu về các công trình xanh, thị trường kính xây dựng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.

Tuy nhiên, các DN cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ sản xuất, và đáp ứng các yêu cầu về an toàn và bảo vệ môi trường để chiếm lĩnh thị trường và phát triển bền vững.

Thành Luân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thi-truong-kinh-xay-dung-viet-nam-co-hoi-trong-thach-thuc.html