Thị trường lao động 2025, thay đổi để không bị đào thải

Theo đánh giá của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2025 sẽ có nhiều điểm sáng với thị trường lao động tạo ra cơ hội để bứt phá. Đây là thời điểm quan trọng để người lao động nắm bắt xu hướng, chuẩn bị kỹ năng phù hợp để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm, thị trường phục hồi mạnh mẽ

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình lao động, việc làm quý IV và cả năm 2024 cho thấy, thị trường lao động năm qua đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý IV/2024 ước tính là 53,2 triệu người, tăng 390.100 người so với quý trước và tăng 625.300 người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV là 69%. Tính chung năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 53 triệu người, tăng 575,4 nghìn người so với năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, không đổi so với năm trước.

Dự báo, công nghệ AI sẽ tối ưu hóa quy mô lực lượng lao động trong năm 2025

Dự báo, công nghệ AI sẽ tối ưu hóa quy mô lực lượng lao động trong năm 2025

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý IV/2024 là 28,6%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tính chung năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 28,3%, tăng 1,1 điểm phần trăm. Tính chung năm 2024, lao động có việc làm là 51,9 triệu người, tăng 585,1 nghìn người (tương ứng tăng 1,1%) so với năm trước; trong đó, khu vực thành thị là 19,9 triệu người, tăng 831,2 nghìn người so với năm trước; khu vực nông thôn là 32,0 triệu người, giảm 246,1 nghìn người.

Xét theo khu vực kinh tế, lao động có việc làm năm 2024 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,7 triệu người, chiếm 26,5% và giảm 79,7 nghìn người so với năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,4 triệu người, chiếm 33,4% và tăng 167 nghìn người; khu vực dịch vụ là 20,8 triệu người, chiếm 40,1% và tăng 497,8 nghìn người.

Số người lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) quý IV/2024 là 33,2 triệu người, chiếm 63,6% trong tổng số lao động có việc làm, giảm 0,3 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2024, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 64,6%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm trước. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm đã cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2024 là 2,24%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,53%; khu vực nông thôn là 2,05%. Thu nhập bình quân của người lao động là 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 8,6%, tương ứng tăng 610 nghìn đồng so với năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,7 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,5 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,3 triệu đồng/ tháng, khu vực nông thôn là 6,7 triệu đồng/tháng.

Cơ hội, thách thức đan xen

Cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động, các chuyên gia dự báo, người lao động tham gia vào thị trường trong năm 2025 sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt khi nhu cầu tuyển dụng cao, song hành với tốc độ chuyển đổi số và sự thay đổi cách làm việc của người lao động. Theo các chuyên gia, sau Tết Nguyên đán, người lao động thường có tâm lý muốn thay đổi môi trường làm việc, tìm kiếm các cơ hội việc làm phù hợp hơn. Cùng với đó, các doanh nghiệp có xu hướng tăng cường tuyển dụng để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân sự do nghỉ việc hoặc nhảy việc những tháng cuối năm.

Đây là thời điểm thị trường lao động mở ra nhiều lựa chọn cho các ứng viên tìm kiếm việc làm, đặc biệt là những người có kỹ năng chuyên môn hoặc kinh nghiệm làm việc. Trước sự bùng nổ của công nghệ, các doanh nghiệp sẽ ưu tiên tuyển dụng lao động trong các ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo và chuyển đổi số. Những vị trí như lập trình viên, chuyên viên phân tích dữ liệu, kỹ sư an ninh mạng... tiếp tục dẫn đầu về nhu cầu nhân lực. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử và dịch vụ khách hàng sẽ tiếp tục tuyển dụng mạnh mẽ ở các vị trí như chuyên viên marketing, logistics, quản lý trải nghiệm khách hàng, chuyên viên chăm sóc khách hàng để bắt kịp xu hướng số hóa và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng.

Tại thị trường Hà Nội, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, cuối năm 2024 và đầu năm 2025, nhu cầu tuyển dụng khá sôi động. Trong đó, những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như: dịch vụ chuyển phát nhanh, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, thương mại - sản xuất... có nhu cầu tuyển dụng rất nhiều lao động để phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và những tháng đầu năm mới. Ngành công nghệ thông tin và công nghệ số cũng là lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao với mức lương hấp dẫn. Đặc biệt, sau khi Việt Nam công bố chiến lược phát triển ngành bán dẫn, cơ hội việc làm trong lĩnh vực này sẽ gia tăng mạnh mẽ.

Bộ LĐ-TB&XH cũng nhận định, thị trường lao động đang phục hồi nhanh và có bước phát triển, tuy nhiên vẫn có sự thiếu hụt lao động tại các địa bàn trọng yếu, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp lớn có thêm các đơn hàng phục vụ cho các ngày lễ cuối năm, trong khi doanh nghiệp không có phương án chuẩn bị sẵn nguồn lao động. Số lao động thiếu hụt tại các doanh nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, ngành dệt may, lắp ráp điện tử.

Người lao động cần nâng cao kỹ năng, kiến thức để thích ứng với sự thay đổi của thị trường

Người lao động cần nâng cao kỹ năng, kiến thức để thích ứng với sự thay đổi của thị trường

Nâng cao kỹ năng, thay đổi để phù hợp

Theo đánh giá của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), 2025 sẽ là năm có nhiều kỳ vọng và cơ hội để bứt phá. Bởi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là địa điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu khu vực và trên thế giới. Một vấn đề khiến nhiều người lo ngại là, trong bối cảnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ được đẩy mạnh, thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ khi lao động không có trình độ mất việc có thể gia tăng, thu nhập giảm sút; lực lượng lao động cũng có nguy cơ giảm khi người lao động rời bỏ thị trường vì cơ hội việc làm mất đi khi sản xuất kinh doanh chuyển đổi mô hình sử dụng máy móc tự động hóa, công nghệ AI.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) Vũ Trọng Bình cho rằng, thách thức lớn nhất có lẽ là khả năng chuyển đổi nghề nghiệp của người lao động còn yếu khi thông tin thị trường lao động hạn chế. Đồng thời, kỹ năng và trình độ của họ không đáp ứng được sự thay đổi của cơ cấu việc làm.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng và xu hướng chuyển đổi số ngày càng rộng rãi, thị trường lao động sẽ phải đối mặt với nhiều thay đổi lớn về hình thức làm việc, nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu kỹ năng. Vì vậy, người lao động cần nâng cao kỹ năng, kiến thức, chuẩn bị cho sự thay đổi để phù hợp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng vào việc xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn để giữ chân nhân tài và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

An Nhiên

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thi-truong-lao-dong-2025-thay-doi-de-khong-bi-dao-thai-post602956.antd