Thị trường lao động đang mất cân bằng

Việt Nam đang đối mặt với việc mất cân đối cung - cầu lao động giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề, chưa có đủ việc làm đáp ứng nguyện vọng của người lao động.

Thị trường lao động nước ta có trên 50 triệu lao động nhưng đây là thị trường đang mất cân bằng bởi tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp - chỉ đạt 26,2%. (Ảnh minh họa)

Thị trường lao động nước ta có trên 50 triệu lao động nhưng đây là thị trường đang mất cân bằng bởi tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp - chỉ đạt 26,2%. (Ảnh minh họa)

Theo thông tin, thị trường lao động nước ta có trên 50 triệu lao động nhưng đây là thị trường đang mất cân bằng bởi tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp - chỉ đạt 26,2%.

Trung bình hiện nay khoảng 4 lao động chỉ có 1 người được đào tạo kỹ năng nghề. Sự mất cân bằng này dẫn đến nhiều hệ lụy, dù tổng số lao động trong độ tuổi lao động trên cả nước rất lớn nhưng chất lượng, trình độ lại hạn chế và liên tục biến động.

Ở thị trường lao động cũng đang tồn tại nhiều vấn đề mà lâu nay chưa giải quyết được là nhu cầu tuyển dụng cả lao động phổ thông và lao động kỹ thuật đều không ổn định. Phần lớn lao động phổ thông được tuyển dụng chủ yếu nhờ yếu tố trẻ và khỏe nhưng họ nằm trong nhóm có nguy cơ mất việc cao, còn lao động kỹ thuật thì khó tuyển bởi đầu ra của đào tạo còn hạn chế.

Nhận định của nhiều chuyên gia là nếu không có giải pháp điều chỉnh, thị trường lao động của Việt Nam chỉ đi ngang kèm theo đó là bẫy thu nhập trung bình. Hiện cả nước có hơn 50 triệu lao động trong độ tuổi nhưng giá trị lao động hay nói cách khác là năng suất lao động làm ra không cao bởi phần lớn các doanh nghiệp vẫn nhận gia công, lắp ráp hoặc sơ chế, làm thuê mà không làm ra sản phẩm bằng sự sáng tạo.

Như ngành may Việt Nam đang chiếm khoảng 20% sản lượng may của thế giới nhưng sản phẩm đầu ra chủ yếu từ các đơn đặt hàng gia công và sử dụng dày đặc lao động phổ thông. Tuy nhiên, cũng trong ngành may đã có những doanh nghiệp thay đổi, đưa tăng hàm lượng sáng tạo vào sản xuất để nâng cao giá trị lao động.

Sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu khiến thị trường lao động cần phải thay đổi để phù hợp xu thế. Điều này đòi hỏi người lao động không những phải có kỹ năng nghề cao mà phải có kỹ năng mềm, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải tuân thủ các "luật chơi" chung, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, tiêu chuẩn về quản trị thị trường lao động hiện đại theo chuẩn mực quốc tế.

Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra những vấn đề mới, nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới; trí tuệ nhân tạo, robot, máy móc sẽ đóng vai trò ngày một lớn trọng sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm hiện tại. Thị trường lao động Việt Nam cần phải thay đổi ngay từ bây giờ để không chỉ tồn tại mà còn nắm được thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Chương trình Tọa đàm với chủ đề "Phát triển thị trường lao động" với sự tham gia của ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc Làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và ông Vũ Tiến Lộc - Đại biểu quốc hội, nguyên Chủ tịch VCCI – đã có những phân tích, bình luận về các nội dung trên.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin: “Từ năm 2021 đến nay, Trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 82.000 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ gần 728.500 lượt người sử dụng lao động và trên 49,7 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác.

Hiện nay đang triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với tổng kinh phí 6.600 tỷ đồng”.

Theo Huyền Diệu/kinhtemoitruong.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/thi-truong-lao-dong-dang-mat-can-bang-351763.html