Thị trường lao động sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại
Quý I/2022 chứng kiến sự lan rộng chưa từng thấy của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cùng với các chính sách thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thị trường lao động đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê về vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết một số thông tin nổi bật về tình hình thị trường lao động, việc làm quý I?
Ông Phạm Hoài Nam: Trong quý I, số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 đã giảm mạnh từ 24,7 triệu người của quý IV/2021 xuống còn 16,9 triệu người. Số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng 500 nghìn người so với quý trước. Lao động có việc làm tăng gần 1 triệu người so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm. Thu nhập của người lao động đã dần được cải thiện, bình quân đạt 6,4 triệu đồng/người, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Ông Phạm Hoài Nam
Thị trường lao động đã có nhiều khởi sắc và đang từng bước phục hồi. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn đang còn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững. Lực lượng lao động tăng so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 403,3 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019, khi chưa xảy ra đại dịch. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý này vẫn thấp hơn khoảng 3,25 điểm phần trăm những năm trước dịch.
Số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng nhiều ở lao động phi chính thức, phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản. Lao động tự sản tự tiêu vẫn cao hơn những năm trước đó khoảng 700 nghìn người.
Có thể nói, bức tranh thị trường lao động quý I/2022 đã tươi sáng hơn, nhưng để đạt được trạng thái bình thường như thời kỳ trước khi bùng phát đại dịch Covid-19 thì chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các chương trình phục hồi nhiều hơn nữa.
PV: Chính phủ đã và đang triển khai một số chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế, trong đó có các chính sách hỗ trợ thị trường lao động. Ông đánh giá thế nào về tác động của các chính sách này?
Tỷ lệ thất nghiệp dần giảm
về mức trước đại dịch
Theo Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2022 là khoảng 1,1 triệu người, giảm 489,5 nghìn người so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,46%, tuy vẫn còn cao hơn 0,15 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đã giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý trước. Sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ngay trong quý I/2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động. Chính vì vậy, tình hình việc làm ở quý I/2022 đã khả quan hơn, thay vì dịch bệnh diễn biến phức tạp như trước đây, người lao động khó có cơ hội tìm được việc làm, thì nay họ đã có thể tham gia vào thị trường lao động thuận lợi hơn.
Ông Phạm Hoài Nam: Quý I/2022 chứng kiến sự lan rộng chưa từng thấy của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cùng với các chính sách thích ứng linh hoạt, hoàn thành tiêm vắc-xin trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đã tạo điều kiện cho thị trường lao động dần phục hồi và đạt được mức tăng trưởng khá. Tình hình thất nghiệp ở quý I/2022 đã có nhiều cải thiện.
Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chủ trương, chính sách và các nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo, như Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Hàng loạt các giải pháp để kích thích nền kinh tế đã được đưa ra làm đòn bẩy cho sự phục hồi phát triển kinh tế như: gói kích cầu 350.000 tỷ đồng, tăng chi cho đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công; tăng cường hỗ trợ an sinh xã hội; giảm lãi suất cho vay – tiếp sức cho phục hồi phát triển doanh nghiệp.
Mới đây nhất, Chính phủ bắt đầu thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Nghị quyết 43/2022/QH15. Nguồn kinh phí dự trù cho gói hỗ trợ này khoảng 6.600 tỷ đồng, nằm trong gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng phục hồi phát triển kinh tế. Theo đó, mỗi người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất được hỗ trợ 500.000
đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng. Các hỗ trợ này sẽ giải quyết một phần khó khăn của người lao động.
Ngoài gói hỗ trợ tiền thuê nhà, rất nhiều gói hỗ trợ khác được đề cập trong Nghị quyết 43/NQ-QH nhằm mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, giữ tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn; tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân...
Với những yếu tố như trên, chúng tôi dự kiến thời gian tới thị trường lao động sẽ phục hồi và sớm tăng trưởng trở lại như trước khi xảy ra đại dịch.
PV: Mặc dù giảm so với quý trước nhưng tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Cùng lúc đó, rất nhiều doanh nghiệp lại thiếu lao động. Vì sao có tình trạng này, thưa ông?
Ông Phạm Hoài Nam: Doanh nghiệp luôn thiếu lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, lao động trình độ cao, lao động đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Nền kinh tế luôn tồn tại một tỷ lệ thất nghiệp nhất định tùy theo đặc điểm thị trường. Chẳng hạn, tỷ lệ thất nghiệp ở các nước như: Bỉ là 5 - 6%; Đức 3 - 4%; Pháp 8%; Mỹ: 4% (trong dịch Covid là 8%); Singapore, Indonesia, Malaysia là 3 - 4%; Thái Lan, Lào, Capuchia, Myanmar khoảng dưới 2%; còn Việt Nam, Philippines khoảng 2 - 3%.
Tỷ lệ thất nghiệp cao không có nghĩa là người lao động không muốn làm việc hay không mặn mà với công việc. Tỷ lệ này phản ánh phần trăm số người đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tăng lương tối thiểu vùng cần có lộ trình thận trọng, phù hợp
Trong cuộc họp mới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đạt được đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.
Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022, lần lượt các mức tăng là 8,16% và 7,25%. Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất các mức tăng từ 2% - 5%.
Theo ông Phạm Hoài Nam, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hai năm qua, lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh, hiện vẫn áp dụng theo mức tiền lương tối thiểu được quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP, áp dụng từ 1/1/2020 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua những giai đoạn khó khăn của đại dịch và dần phục hồi.
Trong bối cảnh các hoạt động dần đi vào trạng thái bình thường như hiện nay, việc tăng lương tối thiểu vùng đã được tính đến để đảm bảo bù đắp chi phí tối thiểu của người lao động, tái sản xuất sức lao động. Các chuyên gia nhận định tăng lương tối thiểu vùng là nguyện vọng chính đáng của người lao động.
Tuy nhiên, lương tối thiểu vùng không phải mức tiền lương mà người lao động được nhận, hay nói cách khác không phải cứ tăng lương tối thiếu vùng là tiền lương của người lao động lập tức tăng lên. Tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ quan trọng để thỏa thuận tiền lương.
Đánh giá việc tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết, song ông Phạm Hoài Nam đề nghị cần có những bước đi cẩn trọng, nghiên cứu thấu đáo mức tăng phù hợp để không tạo thêm quá nhiều áp lực cho doanh nghiệp, có thể làm tăng nguy cơ mất việc cho người lao động. Tiền lương là yếu tố đầu vào của sản xuất, việc tăng lương có thể dẫn đến tăng chi phí đầu vào, làm tăng giá cả hàng hóa, lạm phát sẽ khó kiểm soát hơn,… từ đó dẫn đến lương tăng không bù đắp được chi phí do tăng giá.