Thị trường lao động trên đà phục hồi
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý III/2023, tình hình lao động, việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động, việc làm tăng chậm do tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chủ yếu do đơn hàng sản xuất của các doanh nghiệp thấp. Dù vậy, so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp (DN) trên cả nước trong quý III năm nay khoảng 54,2 nghìn người, giảm 187,3 nghìn người so với quý trước, chủ yếu là lao động ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 66,3%), tập trung ở ngành da giày với 31,9% và dệt may với 30,9%.
Số lao động bị mất việc trong quý III là 118,4 nghìn người, giảm 99,4 nghìn người so với quý trước. Trong đó, tập trung chủ yếu ở Bình Dương là 33,6 nghìn người và TPHCM là 34,6 nghìn người do các địa phương này có nhiều lao động thuộc ngành dệt may và da giày.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2023 là 2,28%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,73%; khu vực nông thôn là 2%.
Trong thời gian gần đây, đặc biệt là tháng 9, thị trường lao động đã có dấu hiệu tích cực khi các địa phương đều có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực tăng. Điều đó được thể hiện ở các phiên giao dịch việc làm có sự khởi sắc rõ nét. Đơn cử, phiên giao dịch trực tuyến kết nối 8 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc với sự tham gia của 121 DN tuyển dụng 15.578 vị trí việc làm, trong đó, tỉnh Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội... có nhu cầu tuyển dụng lao động cao nhất. Tỉnh Bắc Giang đang cần tuyển 3.273 công nhân, Bắc Ninh còn thiếu gần 3.000 vị trí việc làm.
Ngoài ra, các DN thuộc ngành nghề như sản xuất nhựa, may mặc và kinh doanh - marketing, xây dựng, cơ khí - hàn, thợ vận hành máy, bán hàng - thu ngân, kế hoạch sản xuất, kế toán - kiểm toán…cũng có nhu cầu tuyển dụng, nhưng số lượng ít hơn công nhân sản xuất điện tử.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Bình Dương cho biết, dự báo nhu cầu tuyển dụng từ nay đến cuối năm của DN trên địa bàn tỉnh cần khoảng 20.000 lao động. Tương tự khảo sát của Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM với 45 DN cho thấy, từ nay đến hết năm 2023 các DN này có nhu cầu tuyển dụng trên 4.300 lao động.
Chủ động các giải pháp hỗ trợ
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhờ các giải pháp đồng bộ trong hỗ trợ đã giúp DN phục hồi nhanh chóng, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa và đang từng bước lấy lại thị phần ở các thị trường chủ lực.
“Rau quả toàn ngành đang phát triển và có sự tăng trưởng tốt. Năm nay, thị trường Mỹ đã tăng đơn hàng lớn, bưởi đã xuất sang Mỹ, New Zealand. Các loại trái cây khác như nhãn, thanh long... cũng xuất khẩu tốt. Nhìn chung bức tranh xuất khẩu với nhiều gam màu tươi sáng. Đến cuối năm, xuất khẩu trái cây nói chung còn nhiều triển vọng vì đơn hàng rất nhiều” - ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho biết.
DN phục hồi sản xuất kéo theo nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực gia tăng. Đây là tín hiệu khả quan đối với thị trường lao động sau gần 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Giới chuyên gia nhận định, mặc dù thị trường lao động thời gian tới sẽ có những tín hiệu tích cực hơn, tuy nhiên vẫn cần dự báo những biến động của thị trường tác động đến việc làm.
“Thời điểm này đã có những tín hiệu phục hồi, các DN cũng lạc quan hơn khi có DN chỉ giảm 15 - 20% thay vì giảm 20 - 30% như trước. Song bối cảnh chung DN vẫn khó khăn. Dự báo phải đến đầu năm 2024 thị trường mới phục hồi rõ rệt hơn” - ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM cho biết.
Theo nhận định của Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, từ nay đến cuối năm, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các DN tiếp tục có sự biến động. Vì vậy, người lao động nên chủ động nâng cao tay nghề; cập nhật kiến thức liên quan đến vị trí việc làm của mình theo sự chuyển động của thị trường lao động.
Bộ LĐTBXH yêu cầu, các địa phương cần nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của DN, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã có những hướng dẫn, hỗ trợ các DN, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động. Đặc biệt là tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề theo từng loại lao động, cụm DN để nhanh chóng kết nối việc làm cho người lao động.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong-lao-dong-tren-da-phuc-hoi-5740170.html