Thị trường mua bán nợ: Vẫn vướng khung pháp lý
Nhìn vào thực tế nguồn lực tài chính và nhất là khung pháp lý thì giới chuyên môn tỏ ra không mấy lạc quan về sự sôi động của thị trường mua bán nợ Việt Nam dù cho có thêm nhiều thành viên tham gia.
Thiếu tiền tươi thóc thật
Không thể phủ nhận thời gian qua, các ngân hàng rất tích cực xử lý nợ xấu nội bảng cũng như nợ đã bán cho VAMC. Đến thời điểm này đã có gần chục ngân hàng mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC. Ngân hàng mới đây nhất tất toán toàn bộ nợ từ VAMC là TPBank.
Theo thông tin mới nhất, Agribank cũng sắp mua lại toàn bộ nợ xấu từ VAMC. Nền tảng tài chính thể hiện qua con số lợi nhuận những tháng đầu năm của các ngân hàng tăng trưởng tốt hơn là yếu tố quan trọng giúp cho các ngân hàng mạnh tay xử lý nợ xấu. Dù khả năng tài chính để ngân hàng chủ động xử lý nợ xấu vẫn ổn, nhưng như nói ở trên, khi quy mô tín dụng mở rộng, ắt sẽ có nợ xấu mới phát sinh.
Tuy nhiên, gần đây các ngân hàng và VAMC kêu ca nhiều hơn về vấn đề xử lý tài sản đảm bảo đang gặp nhiều vướng mắc, các con nợ chây ỳ trở lại, trong khi tốc độ mua bán nợ theo giá trị thị trường tại VAMC đang giảm do thiếu “tiền tươi thóc thật”... Theo nhận định của giới chuyên môn, nếu không tìm ra giải pháp phù hợp thì tỷ lệ xử lý nợ xấu không những không giảm thêm mà lại tăng thêm.
Giới chuyên gia cho rằng, để đẩy mạnh xử lý nợ xấu, cần thúc đẩy phát triển thị trường mua bán nợ. Thực ra đề xuất này đã được đề cập tới ngay sau khi VAMC được thành lập, và Nghị quyết 42 ra đời. Tuy nhiên đến giờ này thị trường mua bán nợ hoạt động khá èo uột.
Lý do dẫn đến tình trạng trên theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, là do chưa hình thành được thị trường chính thống nên hoạt động mua bán nợ còn manh mún, chỉ một vài TCTD giao dịch mua bán, chuyển nợ cho nhau. Chia sẻ với phóng viên, đại diện một công ty mua bán nợ của ngân hàng (AMC) cũng cho biết, giao dịch mua bán nợ trên thị trường chủ yếu là nhỏ lẻ do chưa có người đứng ra quản lý hoạt động này. Các chủ thể có nhu cầu mua nợ chưa có cơ hội tiếp cận được danh mục các khoản nợ, các kênh thông tin còn hạn chế.
Còn VAMC được đánh giá là nhân tố quan trọng thúc đẩy thị trường mua bán nợ thì lại đang kẹt tiền tươi - một yếu tố rất quan trọng để VAMC có thể mua đứt bán đoạn nợ xấu. Hiện vốn điều lệ của VAMC chỉ vỏn vẹn 2.000 tỷ đồng. Giữa tháng 8/2019, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cấp bổ sung vốn điều lệ cho VAMC lên 5.000 tỷ đồng và hiện đang chờ được rót vốn theo quy định tại Quyết định 1058. Sự chậm trễ trong việc tăng vốn khiến cho việc mua nợ theo giá trị thị trường của VAMC tiếp tục bị chững lại. Lũy kế từ năm 2017 đến 8/8/2019 VAMC mua được 6.675,45 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ là 6.761 tỷ đồng.
Tìm đòn bẩy cho thị trường mua bán nợ
Một tín hiệu tích cực cho thị trường mua bán nợ khi VAMC và 20 thành viên là các AMC đã thống nhất ra mắt Câu lạc bộ AMC trong tháng 9 này với mục tiêu chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, kết nối nhà đầu tư, nâng cao hiệu quả trong hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu. Từ đó hướng đến thiết lập thị trường mua bán nợ xấu tập trung của Việt Nam. Đây được đánh giá là giải pháp cần thiết trong việc xử lý nợ xấu trong giai đoạn hiện nay mà cả tương lai phát triển thị trường mua bán nợ.
Lãnh đạo VAMC hy vọng đến khi công ty này chính thức đi vào hoạt động số lượng AMC sẽ tăng lên. Kinh nghiệm các quốc gia cho thấy, thị trường này chỉ sôi động nếu có nhiều người tham gia. Đơn cử, tại Thái Lan, thị trường này đang hoạt động sôi động với khoảng 60 AMC tham gia.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế nguồn lực tài chính và nhất là khung pháp lý thì giới chuyên môn tỏ ra không mấy lạc quan về sự sôi động của thị trường mua bán nợ Việt Nam dù cho có thêm nhiều thành viên tham gia. TS. Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn cho rằng, chỉ có bên mua, bên bán chưa đủ mà cần có hạ tầng kỹ thuật, nhất là cơ chế pháp lý thông thoáng thì thị trường mua bán nợ mới sôi động được.
Ở nhiều nước trên thế giới và cả trong khu vực Đông Nam Á, ngoài số lượng tổ chức tham gia đông, họ còn có hành lang pháp lý thuận lợi. Các ngân hàng có thể đóng gói khoản nợ đưa lên thị trường chứng khoán giao dịch, việc mua bán dễ dàng và tài sản đảm bảo đi cùng với món nợ đó được chuyển nhượng rất dễ dàng.
Còn ở Việt Nam thủ tục sang nhượng tài sản đảm bảo là bất động sản rất phức tạp. Nên nhiều nhà đầu tư dù muốn mua nợ xấu nhưng họ tỏ ra lo ngại tài sản đảm bảo có đi theo khoản nợ về với chủ mới không hay là lại bị treo ở đấy.
“Nếu như chỉ mua cái xác không hồn thì chẳng ai mặn mà mua cả. Không giải quyết được điều này, thì sẽ không thể hình thành được thị trường mua bán nợ”, một chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh.
Chung quan điểm, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, ngoài điều kiện người chơi phải có tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm, thì khung pháp lý là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy thị trường mua bán nợ. Hiện tại OCB cũng như nhiều ngân hàng khác đang gặp nhiều vấn đề khó khăn trong xử lý từ khung pháp lý. Giả sử như định nghĩa về tranh chấp rất rộng, không rõ ràng nên ngân hàng rất dễ bị ách tắc trong quá trình xử lý qua tòa và theo Nghị quyết 42. Vấn đề khó nữa cho ngân hàng, muốn bán nhanh các khoản nợ xấu thu hồi vốn để quay vòng vốn kinh doanh thì không được bán dưới giá gốc của khoản nợ.
“Hiện tại, hoạt động mua bán nợ của các ngân hàng, AMC và cả VAMC đang ở trong khuôn khổ pháp lý bó hẹp nên rất khó cho việc xử lý các khoản nợ xấu đã mua theo giá trị thị trường. Điều này khiến cho họ chỉ có thể là bãi đỗ xe cho các khoản nợ xấu thay vì hỗ trợ phát triển thị trường”, một chuyên gia ngân hàng bình luận.
Lãnh đạo VAMC cũng thừa nhận, đây là cản trở lớn đối với nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài muốn tham gia mua bán nợ xấu. “VAMC đã ký kết với một số định chế tài chính quốc tế để cùng phối hợp xử lý nợ xấu của Việt Nam. Họ cũng sẵn sàng đầu tư mua, bán nợ xấu, nhưng phải đảm bảo quyền của người mua nợ thì họ mới tham gia”, vị này thông tin thêm khó khăn của VAMC.
Ngoài những yêu cầu trên, muốn có thị trường mua bán nợ chính thức phát triển, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS. Cấn Văn Lực đề xuất, phải đẩy nhanh Nghị định của Chính phủ về hoạt động kinh doanh mua bán nợ. Theo TS. Lực, Bộ Tài chính được giao chủ trì dự thảo Nghị định của Chính phủ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; tuy nhiên tốc độ triển khai vẫn còn chậm. Như vậy, bài toán bao giờ có thị trường mua bán nợ chính thức vẫn chưa thể có lời giải.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/thi-truong-mua-ban-no-van-vuong-khung-phap-ly-92988.html