Thị trường năng lượng thế giới lung lay

Khi các nước phương Tây chuẩn bị áp trần giá dầu của Nga, nhiều thông lệ của ngành năng lượng đang bị phá vỡ.

Những diễn biến gần đây đã làm xói mòn nhiều thông lệ của thị trường năng lượng toàn cầu. Tuy vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng các chuyên gia đều chỉ ra khả năng trật tự cũ trong ngành dầu mỏ sẽ bị thay thế bởi một bức tranh mới.

(Ảnh minh họa: IEA)

(Ảnh minh họa: IEA)

Xáo trộn mạnh trong thị trường năng lượng

Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã làm nền kinh tế toàn cầu chao đảo và lần đầu trong lịch sử tiên giá dầu thô tại Mỹ xuống mức âm. Vào tháng 04/2020, Mỹ, Ả Rập Xê-út, Nga và các quốc gia G20 khác đã ngồi lại để đưa ra giải pháp. Sự hợp tác đã giúp chấm dứt cuộc chiến giá của OPEC+ và khôi phục sự ổn định của thị trường.

Chỉ hơn 2 năm sau đó, 9 tháng sau xung đột giữa Nga - Ukraine nổ ra, sự hợp tác về năng lượng giữa các cường quốc toàn cầu dường như đã trở thành một kí ức xa vời.

Nhiều ý kiến cho rằng Nga đã vũ khí hóa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên. Các quốc gia trước đây là đối tác nhập khẩu của Nga giờ đang cạnh tranh để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho chính mình. Những vết nứt xuất hiện trong mối quan hệ “keo sơn" kéo dài hàng thập kỷ giữa Ả Rập Xê-út và Mỹ. Thậm chí trong ngành năng lượng sạch, các nguyên thủ như Tổng thống Joe Biden đã bàn tới cuộc chiến thống trị chuỗi cung ứng.

Khả năng trật tự cũ trên thị trường dầu mỏ thay đổi được dự đoán sẽ chạm tới thời điểm quyết định trong thời gian ngắn tới. Châu Âu bắt đầu cấm dầu thô vận chuyển bằng đường biển từ Nga. Lệnh cấm vận này ngăn các công ty châu Âu mua bảo hiểm cho các tàu chở dầu xuất khẩu từ Nga sang các nước thứ ba - trừ khi các ba nước này chấp nhận giá dầu định đoạt bởi các quyền lực phương Tây. Nói cách khác, các nước phương Tây đang cố gắng áp trần giá dầu Nga.

Không ai dám chắc chắn về hậu quả của những động thái này. Các biện pháp trừng phạt đối với Nga từ tháng 2/2022 dường như chỉ là “đem muối bỏ bể" với xuất khẩu và lợi nhuận từ dầu mỏ của Nga. Khi các nước phương Tây cố gắng áp trần giá dầu nước sản xuất hơn 10% lượng dầu thế giới và vốn đứng đầu nhóm OPEC+ cùng Ả Rập Xê-út, rất có thể chính họ sẽ phải ăn trái đắng: trở thành người chấp nhận giá cuối cùng.

Alexander Novak, Phó thủ tướng Nga gặp mặt với Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, tại cuộc họp OPEC+ ở Vienna, Áo hôm Chủ nhật (4/12), một ngày trước khi kế hoạch cấm vận và trần giá của châu Âu có hiệu lực.

Đối với chuyên gia trong ngành năng lượng, những ngày sắp tới đánh dấu thời điểm “vật đổi sao dời" đối với thị trường dầu mỏ, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn phụ thuộc sâu sắc vào loại tài nguyên này. Họ cho rằng các chuẩn mực địa chính trị đã bị xói mòn trong năm qua, và các chuỗi cung ứng tồn tại trong nhiều thập kỷ hiện đang bị đảo lộn.

Gần đây thế giới đã chứng kiến hai ví dụ rõ ràng của quá trình này. Đầu tiên là Nga sẵn sàng “cắt đứt” với tệp khách hàng khí đốt ở châu Âu. Thứ hai là quyết định cắt giảm nguồn cung dầu của Ả Rập Xê-út vào tháng trước - bất chấp Mỹ phản đối gay gắt và cáo buộc họ liên kết cùng Nga thao túng thị trường dầu.

Đồng thời các nước nhập khẩu dầu cũng có động thái đáp trả, từ việc Mỹ sẵn sàng rút hết kho dự trữ dầu khẩn cấp để giảm giá xăng dầu, cho đến nỗ lực của phương Tây nhằm loại bỏ năng lượng từ Nga khỏi nền kinh tế của họ.

Roger Diwan, một nhà phân tích dầu mỏ lâu năm tại S&P Global Commodity Insights tại Washington, cho biết những thay đổi sắp tới sẽ mang tính quyết định. Từ xưa tới nay thị trường này được xây dựng trên các tuyến trục chính Nga - châu Âu và Trung Đông - châu Á. Ông cũng cho rằng không ai nắm rõ bức tranh tổng thể ngành năng lượng trong tương lai, nhưng chắc chắn nó sẽ mang tính đối đầu và bất định.

Một tàu chở dầu treo cờ Nga đi qua eo biển Bosphorus gần Istanbul. (Ảnh: Getty Image)

Một tàu chở dầu treo cờ Nga đi qua eo biển Bosphorus gần Istanbul. (Ảnh: Getty Image)

Mục đích áp trần giá

Thị trường dầu thô là nơi dường như bị ảnh hưởng rất ít từ quá trình dịch chuyển này. Dầu thô tiêu chuẩn Brent đã giảm từ 120 USD một thùng trong tháng 6/2022 xuống còn 85 USD trong tháng 12 trước các lo ngại về suy thoái kinh tế.

Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách Zero-COVID làm giảm lượng cầu, một phần xoa dịu áp lực trên thị trường quốc tế. Nhưng những căng thẳng rõ ràng trên thị trường năng lượng vẫn còn. Giá dầu thô hiện tại đạt ngưỡng cao nhất kể từ năm 2015. Dầu Diesel - mặt hàng mà Nga xuất khẩu rất nhiều - vẫn ở mức rất cao.

Giá khí đốt tự nhiên của châu Âu có dấu hiệu giảm từ mức đỉnh gần 500 USD/thùng vào mùa hè 2022. Tuy nhiên, khí đốt vẫn đang được giao dịch ở mức cao gấp 5 lần so với mức giá trung bình trong lịch sử, ảnh hưởng xấu các nền kinh tế và gây ra lạm phát trên toàn cầu.

Nếu Trung Quốc nới lỏng các hạn chế COVID-19 vào năm tới, nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ và khí tự nhiên hóa lỏng của nước này có thể tăng vọt.

Doug King, giám đốc điều hành của RCMA Capital, cho biết mối quan hệ giữa các cường quốc trong ngành dầu mỏ đã trở nên rất rời rạc, mọi người trong ngành đều cảm thấy mất hy vọng vì ngành dầu khí đã bị ảnh hưởng từ mọi góc độ trong năm nay.

Mỹ cố gắng kìm giá trong nhiều tháng, giải phóng khối lượng dầu chưa từng có từ kho dự trữ khẩn cấp. Đồng thời họ liên tục gây áp lực lên Ả Rập Xê-út và các nhà sản xuất khác để tiếp tục tăng nguồn cung, tuy hầu như không có kết quả gì.

Ý tưởng về áp trần giá, được Bộ Tài chính Hoa Kỳ đề xuất, là động thái gây ảnh hưởng và tạo tranh cãi nhiều nhất. Đối với Nhà Trắng đây là cách hạn chế nguồn thu của điện Kremlin trong khi vẫn duy trì dòng dầu ra thị trường, nhằm ngăn chặn lạm phát giá dầu cao hơn.

Theo các chuyên gia, kế hoạch này được thiết kế để “xoa dịu” lệnh cấm vận của EU với Nga. Theo kế hoạch trần giá, các tàu chở hàng sẽ được phép mua bảo hiểm từ châu Âu và Anh dưới điều kiện dầu chở trên tàu tuân thủ theo giá quy định.

Nhóm G7 đã tán thành kế hoạch của Bộ Tài chính Mỹ và EU đưa nó vào một loạt các biện pháp trừng phạt được công bố vào tháng 10. Nhưng những biện pháp trừng phạt này bao gồm một điều khoản “nặng tay" khác: Mở rộng lệnh cấm bảo hiểm vận chuyển đối với bất kỳ tàu nào đã từng chở dầu từ Nga mà không theo trần giá. Có nguồn tin cho biết Mỹ đang cố gắng thuyết phục EU giảm bớt điều khoản này và đặt giới hạn thời gian cho lệnh cấm. Bob McNally, cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ, cho biết mở rộng lệnh cấm bảo hiểm đối với tất cả các tàu chở dầu trong và ngoài EU sẽ “làm mọi chuyện tồi tệ hơn rất nhiều”.

Mức giá trần hiện vẫn đang được tranh luận. Một số quốc gia châu Âu muốn mức giá “nặng tay" gần 20 USD một thùng, trong khi những quốc gia khác kêu gọi mức khoảng 60 USD hoặc 65 USD. Tuy nhiên mức giá 65 USD đang gần bằng mức giá thực tế của Nga.

Helima Croft, giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, nhận xét rằng với mức giá hiện tại đang được thảo luận, đây dường như là một nỗ lực giảm lạm phát nhiều hơn là giảm doanh thu của Nga.

Lần họp gần đây nhất của nhóm OPEC+ vào năm 2020. (Ảnh: Getty Image)

Lần họp gần đây nhất của nhóm OPEC+ vào năm 2020. (Ảnh: Getty Image)

Giá có thể tăng?

Mặc dù có rất ít dấu hiệu cho thấy giá sẽ tăng đột biến, nhưng một số nhà phân tích tin rằng thị trường đang xem nhẹ những rủi ro tiềm ẩn bắt nguồn từ lệnh trừng phạt mới của EU và mức giá trần.

Amrita Sen, trưởng bộ phận nghiên cứu của công ty tư vấn Energy Aspects, cho biết sự hoang mang xung quanh mức giá trần khiến thị trường nghĩ rằng EU có khả năng mua dầu của Nga. Ông nhận định rằng suy nghĩ này là “hoàn toàn sai lầm" vì việc áp trần giá là một phần của lệnh cấm vận, và thị trường dầu sẽ bị “thắt chặt" đáng kể vào mùa xuân năm 2023.

Ngược lại, một số doanh nhân chỉ ra những cảnh báo trước đó về tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng đã không bao giờ thành hiện thực, ví dụ như lo ngại vào năm 2019 rằng các quy định về vận chuyển nhiên liệu có hiệu lực vào đầu năm 2020 sẽ làm gián đoạn nguồn cung dầu Diesel.

Đầu năm 2021, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết các lệnh trừng phạt đối với dầu của Nga có thể khiến sản lượng của nước này giảm gần 1/3 trong vòng vài tháng - một dự đoán đáng báo động đã giúp đẩy giá toàn cầu lên cao và góp phần khiến các quốc gia phương Tây quyết định giải phóng kho dự trữ dầu khẩn cấp.

Martijn Rats, giám đốc chiến lược hàng hóa tại Morgan Stanley, cho rằng Nga đã thành công xuất khẩu dầu ra thị trường với sản lượng gần như không đổi, nếu lệnh cấm vận thực sự có hiệu quả và lượng lớn dầu cần “mua đi bán lại" để tới được EU thì giá chắc chắn sẽ tăng.

Những chuyên gia khác lập luận rằng chính mức giá trần có thể kích hoạt tăng giá. Các nhà phân tích tại Bernstein cho biết những bất ổn hiện đang “nung nấu" trong ngành dầu mỏ Nga sẽ “sôi trào" vào năm tới, tác động đáng kể lên thị trường toàn cầu.

Khoảng 2,4 triệu thùng dầu mỗi ngày của Nga sẽ cần tìm một “bến đỗ” mới ngoài các nước EU và G7. Ấn Độ, Trung Quốc và những nước khác dự kiến sẽ bù đắp phần nào sự thiếu hụt này. Nhưng họ thể hiện sẽ không tham gia vào kế hoạch trần giá vì lo sợ làm “mích lòng" Nga hoặc bị coi là “cúi đầu" trước phương Tây.

Bernstein ước tính Nga có thể cần tới 100 tàu bổ sung sẵn sàng hoạt động mà không có bảo hiểm vận chuyển EU để giữ vững sản lượng dầu. Đây là mức mà các chuyên gia nghĩ rằng Nga sẽ phải “đau đầu" để đạt được ngay cả khi nước này có thể sử dụng các tàu chở dầu của các nước cũng bị trừng phạt khác như Iran. Do đó, họ cho rằng nguồn cung sẽ giảm, đẩy giá lên 120 USD một thùng vào năm tới, bất chấp suy thoái kinh tế.

Vitol, nhà kinh doanh dầu độc lập lớn nhất thế giới, ước tính xuất khẩu dầu Nga có thể giảm tới 1 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 20% khối lượng đường biển của nước này.

Lượng cung có khả năng giảm sâu hơn. Điện Kremlin cho biết họ sẽ hạn chế nguồn cung cho các quốc gia “gật đầu" với mức giá trần. Bộ Tài chính Mỹ lập luận rằng Nga sẽ không đẩy căng thẳng lên cao hơn và tìm cách bán dầu cho các nước khác vì việc cắt giảm sản lượng sẽ gây ra thiệt hại lâu dài cho các mỏ dầu của nước này.

Nhiều chuyên gia khác lập luận rằng lợi ích kinh tế dài hạn hầu như không thúc đẩy Nga vì danh tiếng nhà cung cấp khí đốt tự nhiên đáng tin cậy cho châu Âu đã bị phá hủy. Họ chỉ ra Nga đã tuyên bố cắt nguồn cung bất cứ ai không giao dịch bằng đồng rúp, và thị trường cần phải sẵn sàng cho khả năng nguồn cung giảm sâu.

Helima Croft, giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, cho biết Nga có thể dùng sức mạnh năng lượng làm đòn bẩy chính trị và EU phải đối mặt với một mùa đông “đen tối" nhất trong những năm gần đây.

Còn rất nhiều vấn đề đang bỏ ngỏ, chờ các quan chức Moskva tham gia cùng các thành viên OPEC+ khác tại Vienna vào Chủ nhật (4/12). Cuộc họp diễn ra chỉ 2 tháng sau khi Nga cắt giảm nguồn cung và chỉ vài giờ trước khi các nước phương Tây áp mức giá trần.

Các quốc gia vùng Vịnh OPEC như Ả Rập Xê-út và UAE khẳng định họ không đứng về phía Nga và chỉ nỗ lực quản lý một thị trường hỗn loạn vì lợi ích của nền kinh tế thế giới. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng các nước này phản đối mức giá trần vì tin rằng một ngày nào đó “lịch sử sẽ lặp lại" với chính mình.

Họ cũng chỉ ra nghịch lí trong động thái của phương Tây: yêu cầu sản lượng cao hơn đi kèm giá thấp hơn, điều mà ngành này cho rằng đang cản trở nguồn đầu tư, khiến thị trường không đủ sức chống chọi với cuộc khủng hoảng lần này và hệ quả của nó.

Mong muốn của các nước phương Tây nhằm đẩy nhanh quá trình thay thế dầu mỏ và khí đốt bằng các nguồn năng lượng khác cũng là một “cái gai" lâu dài trong mối quan hệ này. Điều này đe dọa quyền lực của OPEC, ngay cả khi công dân của họ nằm trong số những người bị ảnh hưởng nhiều bởi biến đổi khí hậu.

Suhail al-Mazrouei, Bộ trưởng năng lượng của UAE, đã chỉ ra một số mâu thuẫn rõ ràng của phương Tây về chính sách năng lượng sau cuộc họp OPEC+ vừa qua, lập luận rằng nỗ lực đẩy giá của OPEC+ nên được hoan nghênh vì giúp đảm bảo nguồn cung trong tương lai.

Cuộc họp OPEC+ có thể là một cột mốc quan trọng khác khi trật tự năng lượng toàn cầu dựa các trên tuyến trục chính trong nhiều thập kỷ bị xáo trộn vì những biến động gần đây.

Hoàng Linh(Nguồn: Financial Times)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thi-truong-nang-luong-the-gioi-lung-lay-ar718079.html