Thị trường nợ ESG đang bị 'ghẻ lạnh'
Tại thị trường nợ lớn thứ hai thế giới ESG, các khách hàng doanh nghiệp đang bắt đầu bỏ đi.
Theo các ngân hàng và luật sư thân cận, với các yêu cầu pháp lý bổ sung, việc ít ưu đãi tài chính hơn và nguy cơ bị buộc tội tẩy xanh đang khiến những khách hàng từng rất quan tâm tới các khoản nợ được gắn nhãn môi trường, xã hội hoặc quản trị (ESG) cũng rời bỏ.
Các sản phẩm được đề cập là các khoản vay liên kết bền vững (SLL), một thị trường mà BloombergNEF ước tính trị giá 1.500 tỷ USD, chỉ đứng sau thị trường trái phiếu xanh toàn cầu. SLL phần lớn không bị ràng buộc bởi các quy định, người vay và nhà tài trợ do chúng được xây dựng các tiêu chuẩn riêng. Nhưng khi các cơ quan giám sát tài chính bắt đầu dựng lên các rào chắn xung quanh việc dán nhãn ESG, một đợt rút lui trên thị trường rộng lớn hơn dường như đang diễn ra.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, việc phát hành SLL đã giảm mạnh 56% xuống còn 203 tỷ USD trong năm 2023. Mặc dù năm 2023 là một năm khó khăn trên các thị trường nợ, nhưng mức giảm đối với SLL nhanh gần gấp đôi so với các khoản vay xanh. Hơn nữa, doanh số phát hành trái phiếu xanh đã tăng trở lại vào năm 2024, trong khi việc phát hành SLL đã giảm 74% từ đầu năm đến nay.
Rachel Richardson, người đứng đầu ESG tại công ty luật Macfarlanes cho biết, năm nay có thể là “một thời điểm khó khăn đối với cả người đi vay và người cho vay” trên thị trường cho vay liên kết bền vững.
Theo một trong những nhân viên ngân hàng mà Bloomberg phỏng vấn, yếu tố chính đằng sau sự trượt dốc trong việc phát hành SLL là việc thực thi quy định của EU yêu cầu các công ty ghi lại các yêu cầu ESG của họ. Chỉ thị về Báo cáo Phát triển Bền vững của Doanh nghiệp (CSRD) hiện đang buộc các công ty kinh doanh tại EU phải cung cấp lượng dữ liệu khổng lồ để hỗ trợ hầu như mọi tuyên bố về phát triển bền vững mà họ đưa ra.
Nhân viên ngân hàng này cho biết, mặc dù CSRD không nhằm để quản lý SLL, nhưng các khách hàng doanh nghiệp ngày càng xem chỉ thị này là không khuyến khích khai thác thị trường SLL, do nguy cơ bị cáo buộc tẩy xanh ngày càng cao.
Đó là dấu hiệu rắc rối mới ở góc kém minh bạch nhất trong quá trình thực hiện giao dịch ESG. Năm ngoái, Cơ quan Quản lý Tài chính của Anh (FCA) đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc nhắm vào thị trường SLL, vì họ cho rằng có nguy cơ trở thành đối tượng của “những cáo buộc về tẩy xanh”.
Một điều không khuyến khích khác đối với các tổ chức phát hành là sự biến mất của lãi suất coupon cao hơn hoặc thấp hơn mà những người đi vay ESG từng được hưởng. Một nhân viên ngân hàng giải thích rằng, 10 điểm cơ bản mà người vay SLL từng có thể tiết kiệm giờ đã bị xói mòn phần lớn do chi phí kiểm toán hàng năm liên quan đến SLL.
“Một số người sẽ cảm thấy SLL không còn phù hợp nữa, một phần vì họ không muốn phải chịu thêm chi phí cho ý kiến và sự đảm bảo của bên thứ hai”, bà Rachel Richardson cho biết.
Trên thực tế, nhiều khách hàng cách đây vài năm đã gắn nhãn bền vững cho các cơ sở tín dụng quay vòng (RCF), nhưng giờ đây dường như đang chuyển các RCF đó thành các khoản vay thông thường.
Một nhân viên ngân hàng khác nói về xu hướng ngày càng tăng của các khách hàng không tôn trọng điều khoản điểm hẹn. Theo đó, những người đi vay đồng ý rằng các khoản vay thông thường sẽ trở thành SLL một khi các mục tiêu bền vững có thể đạt được nhiều hơn nhưng lại không thực sự tuân thủ các thỏa thuận đó.
Khoản vay liên kết bền vững (SLL) là gì?
SLL là một khoản vay - chủ yếu dưới dạng cơ sở tín dụng quay vòng (RCF) - yêu cầu người đi vay phải đáp ứng các yêu cầu về tính bền vững được thể hiện dưới dạng các chỉ số hiệu suất chính. SLL tương tự như trái phiếu liên kết bền vững về cấu trúc, nhưng có ít tài liệu công khai hơn vì chúng có xu hướng là các thỏa thuận song phương giữa bên đi vay và bên cho vay.
Bên đi vay thường công khai giới thiệu khả năng thực hiện SLL như một bằng chứng cho thấy các tuyên bố về tính bền vững của họ là chính đáng. Bloomberg đã đưa tin trước đó rằng các ngân hàng có xu hướng đưa các sản phẩm như vậy vào mục tiêu tài chính bền vững tổng thể, mặc dù ngày càng nhiều ngân hàng đã ngừng làm như vậy do có nguy cơ bị cáo buộc tẩy xanh.
Các sản phẩm này vẫn chưa được kiểm soát, nhưng Hiệp hội Thị trường cho vay năm ngoái đã công bố các hướng dẫn tự nguyện cập nhật kêu gọi bên đi vay và bên cho vay thực hiện SLL chỉ sử dụng các KPI “có liên quan, cốt lõi và quan trọng” và đảm bảo rằng KPI cũng “có thể đo lường được và định lượng được”. Hướng dẫn này chỉ áp dụng cho các giao dịch SLL xảy ra sau ngày 9/3/2023.
Thị trường cho vay liên kết bền vững ra đời cách đây khoảng 7 năm khi ESG đang trở thành một dán nhãn bắt buộc, thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường vốn. Và hầu như không có quy định ESG cụ thể nào, nên việc thêm nhãn ESG vào sản phẩm là một công việc ít rủi ro.
Theo dữ liệu do BloombergNEF cung cấp, từ năm 2018 đến năm 2021, thị trường SLL đã tăng hơn 960% lên 516 tỷ USD. Trái phiếu xanh đã tăng trưởng khiêm tốn hơn 250% trong cùng kỳ lên hơn 640 tỷ USD.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các quy định đầu tư ESG toàn diện hơn vào năm 2021 đã đặt nền móng cho một số sự cường điệu xung quanh SLL giảm bớt. Khi đại dịch Covid kết thúc, kéo theo chu kỳ lạm phát, lãi suất cao hơn và nhu cầu năng lượng tăng đột biến do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, các sản phẩm liên quan đến tính bền vững đã thức tỉnh trước một thực tế hoàn toàn mới.
Theo bà Richardson, một số giao dịch SLL đã được thực hiện cách đây 4 năm thực sự “khá yếu xét từ góc độ ESG”. Vì vậy, thị trường SLL hiện đang “kiểm kê những gì có thể chấp nhận được”.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-no-esg-dang-bi-ghe-lanh-post340389.html