Thị trường nội địa: 'Bệ đỡ' cho mục tiêu tăng trưởng 8%

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đối diện với thách thức, thị trường nội địa hơn 100 triệu dân sẽ giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025.

Nhận diện tiềm năng từ thị trường nội địa

Tại tọa đàm "Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước" do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức vào sáng 25/4, các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp hỗ trợ Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.

Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, nâng cao năng lực sản xuất và phân phối nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Các đại biểu tham gia tọa đàm. Ảnh: Hữu Thắng

Các đại biểu tham gia tọa đàm. Ảnh: Hữu Thắng

Cụ thể, theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương: Trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên, với 3 phần chính đóng góp là tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công. Trong đó, tiêu dùng nội địa sẽ chiếm 60-65% tùy từng năm.

Nhìn thấy những cơ hội tích cực của thị trường nội địa Việt Nam, ông Trần Anh Thắng - Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - cho rằng: Cùng với sự tăng trưởng của GDP, tăng trưởng tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng tăng dần trong các năm.

"Nếu tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 là gần 4,4 triệu tỷ đồng thì con số này đến năm 2024 đã đạt 6,39 triệu tỷ đồng" - ông Trần Anh Thắng nêu con số.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng nội địa đang có dấu hiệu chững lại. Điều này cũng được ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn ‘trăn trở’ trong bài phát biểu của mình khi cho rằng: Để đạt tăng trưởng GDP trên 8%, thì tổng mức tăng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải đạt tốc độ 12%.

Qua theo dõi trong 10 năm trở lại đây, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, chưa năm nào vượt mức 9%, chưa kể giai đoạn tăng rất thấp là dịch Covid-19.

Chia sẻ quan điểm về thị trường nội địa, GS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch danh dự VAFIE - cho rằng, Việt Nam là nước có 100 triệu dân, là một thị trường hấp dẫn không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà còn hấp dẫn với cả các doanh nghiệp nước ngoài.

Mặc dù thị trường nội địa được đánh giá nhiều tiềm năng, tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam vẫn chưa khai thác hiệu quả thị trường này mà phụ thuộc nhiều vào thị trường nhập khẩu, nên dễ bị ‘tổn thương’ trước các 'cú sốc toàn cầu'.

Trên cơ sở đó, ông Trần Anh Thắng cho rằng, đây là ‘thời điểm vàng’ để Việt Nam thực hiện các giải pháp kích cầu nội địa, thông qua khuyến mãi tiêu dùng hàng Việt.

GS, TSKH Nguyễn Mại cũng cho rằng, năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước ngày càng phát triển, hiện nay doanh nghiệp Việt đủ sức để thay thế nước ngoài để làm ô tô, xe máy, xây dựng, khách sạn,… năng lực của doanh nghiệp Việt đã đủ sức làm, thậm chí làm tốt hơn, nhanh hơn doanh nghiệp ngoại. Nên đây là thời điểm vàng để kích cầu tiêu dùng nội địa.

Tọa đàm ‘Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước’ do VAFIE tổ chức vào ngày 25/4. Ảnh: Hữu Thắng

Tọa đàm ‘Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước’ do VAFIE tổ chức vào ngày 25/4. Ảnh: Hữu Thắng

Tìm giải pháp khai thác hiệu quả thị trường trong nước

Đề xuất những giải pháp phát triển thị trường nội địa, GS, TSKH Nguyễn Mại cho rằng, cần thực hiện các giải pháp, bao gồm: Đổi mới thể chế, luật pháp, chính sách liên quan đến thị trường; các doanh nghiệp cũng cần thay đổi chiến lược kinh doanh với tầm nhìn trung và dài hạn dựa trên nghiên cứu thị trường và dự báo biến động thị trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần có chiến lược hình ảnh và thương hiệu; nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp; tăng cường đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển) và bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Cũng theo GS, TSKH Nguyễn Mại, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước liên kết theo chuỗi, tham gia chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, như vậy sẽ có loạt doanh nghiệp quy mô lớn đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Cũng đánh giá cao tiềm năng tại thị trường nội địa, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng: Hiện trên thế giới chỉ có 14 nước với thị trường trong nước trên 100 triệu dân. Nên trong mắt các doanh nghiệp, Việt Nam là thị trường hết sức tiềm năng.

Theo đó, để khai thác hiệu quả thị trường nội địa, Việt Nam cần có những chính sách thiết thực để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp trong nước tham gia vào phát triển sản phẩm và tiêu thụ tại thị trường nội địa. Cụ thể là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa, xâm nhập thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng hàng Việt.

Bên cạnh khai thác hiệu quả thị trường nội địa, chia sẻ tại tọa đàm, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hiện Việt Nam đã ký 17 hiệp định tự do thương mại (FTA) với hơn 60 quốc gia, vì thế nên đẩy mạnh khai thác các FTA đã ký kết. Đó là một ‘lối thoát’ cho hàng hóa Việt Nam và mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tăng trưởng, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 và 2 con số giai đoạn 2026-2030.

Để thúc đẩy thị trường trong nước phát triển, theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho rằng: Bộ Công Thương cũng đang đề xuất những nhóm giải pháp, trong đó điển hình là kích cầu tiêu dùng nội địa và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường thông qua nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-noi-dia-be-do-cho-muc-tieu-tang-truong-8-384820.html