Tín dụng xanh: Trăn trở vốn lớn, rào cản cho vay dài
Nhu cầu chuyển đổi xanh của doanh nghiệp ngày càng rõ nét nhưng việc tiếp cận vốn còn hạn chế. Phía ngân hàng dù muốn cho vay nhưng lại vướng cơ chế và lo ngại rủi ro dài hạn.

Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội thảo “Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh” do Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức chiều 25/4, Phó thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh tài chính xanh, đặc biệt là tín dụng xanh, ngày càng nhận được sự quan tâm toàn cầu trong bối cảnh cần huy động nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững và tiến tới nền kinh tế trung hòa các-bon.
Ông Tú cho rằng Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển tín dụng xanh, từ hành lang pháp lý như Luật Bảo vệ môi trường (2020), Chiến lược tăng trưởng xanh, đến sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng xanh
Tuy nhiên, Phó thống đốc NHNN cũng chỉ ra thực tiễn triển khai hiện còn nhiều vướng mắc như chưa có danh mục phân loại xanh quốc gia, thiếu tiêu chuẩn ESG thống nhất, công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng.
Đồng thời, việc triển khai tín dụng xanh đòi hỏi yêu cầu cao về năng lực quản trị và chuyên môn của đội ngũ ngân hàng trong các vấn đề môi trường - xã hội - khí hậu.
Đây là thách thức lớn đối với Việt Nam, đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, đồng bộ giữa chính sách - thị trường - hành lang pháp lý để tháo gỡ các “nút thắt”, tạo điều kiện cho dòng vốn xanh phát triển đúng hướng.
Đồng tình với chia sẻ của Phó thống đốc, Chủ tịch CTCP Đầu tư và Xây dựng Việt Long Lê Quang Thắng cho biết doanh nghiệp đã xây dựng và phát triển thành công sản xuất, dịch vụ hướng đến môi trường xanh trong 2 lĩnh vực xử lý chất thải và sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn. Đồng thời doanh nghiệp cũng có nhu cầu lớn trong việc vay tín dụng xanh.
Tuy nhiên Việt Long đã nhiều lần làm việc với ngân hàng, hoàn thiện hồ sơ nhưng công ty vẫn không thể vay được vì chưa có tiêu chí rõ ràng để xác định dự án “xanh” trong từng ngành nghề.
“Với một doanh nghiệp, việc tiếp cận vốn xanh gần như là điều xa vời”, ông Thắng chia sẻ.

Chủ tịch CTCP Đầu tư và Xây dựng Việt Long Lê Quang Thắng chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận dòng vốn tín dụng xanh.
Rào cản lớn khác được Chủ tịch Việt Long nêu ra là yêu cầu về tài sản bảo đảm. Đơn cử như trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp thường không có tài sản thế chấp truyền thống, không được dùng tài sản hình thành từ dự án để làm đảm bảo mà phải dùng tài sản khác.
Các dự án xanh cũng thường có quy mô lớn, yêu cầu vốn cao và thời gian hoàn vốn dài, trong khi ngân hàng lại e ngại rủi ro tài chính.
Tại Hội nghị, ông Thắng đề xuất cấp quản lý nên ban hành bộ tiêu chí xanh theo từng ngành nghề, đồng thời NHNN và các ngân hàng thương mại nên xây dựng chính sách tín dụng và lãi suất ưu đãi phù hợp. Ngoài ra, ngân hàng nên huy động nguồn vốn rẻ từ các định chế tài chính quốc tế, các quỹ tín thác… để giảm chi phí vốn.
Trong trường hợp dự án bị chậm nguồn thu, ngân hàng cũng nên xem xét cơ cấu lại nợ thay vì xiết nợ ngay, tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi.
Ngân hàng cũng ở "thế khó"
Ở góc độ ngân hàng, Phó tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình cho biết đơn vị này đã triển khai ưu đãi cho mảng tín dụng xanh từ năm 2017 khi áp dụng mức lãi suất thấp hơn bình quân 0,5-1,5 điểm %. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận thực tế của doanh nghiệp vẫn rất hạn chế.
Một số mô hình chuỗi giá trị như trồng hoa lan ở Đà Lạt từng được đầu tư lớn nhưng không đạt hiệu quả, buộc ngân hàng phải điều chỉnh cách tiếp cận, cho vay theo chuỗi khép kín để kiểm soát rủi ro.
Vấn đề tài sản bảo đảm tiếp tục là rào cản lớn khi đất thuê trả tiền hàng năm hoặc đất công không đủ điều kiện thế chấp, tài sản như nhà kính lại không được công nhận sở hữu nên không định giá được.
Bên cạnh đó, các dự án xanh như điện sinh khối, điện rác tuy có tiềm năng nhưng thường không có hiệu quả tài chính rõ ràng. Ví dụ, một dự án xử lý rác ở Quảng Ninh đầu tư tới 4 nhà máy nhưng kết quả vận hành không như kỳ vọng. Chuỗi sản xuất rừng - chế biến - phát điện cũng chưa có mô hình hoàn chỉnh, khiến ngân hàng khó đảm bảo khả năng thu hồi vốn.
Chính sách quy hoạch thiếu ổn định càng làm tăng rủi ro. Việc thay đổi quy hoạch khiến ngân hàng không thể đánh giá chính xác hiệu quả dự án, nhất là khi chưa có chính sách rõ ràng về đầu ra cho các dự án như điện mặt trời, điện rác.
Một bất cập nữa là yêu cầu ngân hàng phải đánh giá tiêu chí xanh nhưng lại không có công cụ hay cơ chế xác nhận chính thức. Điều này khiến ngân hàng gặp khó, doanh nghiệp mất thời gian làm lại thủ tục.

Bà Phùng Thị Bình - Phó tổng giám đốc Agribank đề xuất các bộ, ngành nên hoàn thiện chính sách, xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng để giảm rủi ro cho các ngân hàng trong vấn đề cấp tín dụng xanh.
Chi phí vốn cũng là vấn đề đáng lưu ý. Như tại Agribank, hiện 80% vốn huy động là tới từ khu vực dân cư, chủ yếu gửi các kỳ hạn dài (6-12 tháng) vì thế ngân hàng phải tính toán kỹ lãi suất đầu vào - đầu ra.
Trong bối cảnh này, Phó tổng giám đốc Agribank cho rằng để phát triển tín dụng xanh thực chất cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành nhằm hoàn thiện chính sách, xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng và giảm rủi ro cho các ngân hàng.
Ông Vương Thành Long, Phó Trưởng khối Kinh doanh vốn và tiền tệ, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhận định các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), hiện đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi xanh.
Một trong những thách thức lớn là chi phí đầu tư ban đầu cao, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi vẫn còn rất hạn chế.
Trước thực tế này, ông Long nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết kế tài chính xanh như một công cụ hỗ trợ hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực tài chính phù hợp để từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng ESG.
Trong hệ sinh thái tài chính xanh, ngân hàng ngoài vai trò là nhà cung cấp vốn nên còn là đầu mối định hướng, kết nối các đối tác và dẫn dắt hành trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.
Nguồn Znews: https://znews.vn/tin-dung-xanh-tran-tro-von-lon-rao-can-cho-vay-dai-post1548770.html