Thị trường nội địa là 'phao cứu sinh' cho ngành thép

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép tiêu thụ tại thị trường nội địa quý 1/2025 đạt 7,501 triệu tấn, tăng mạnh 12,2% so với quý I/2024. Song lượng thép xuất khẩu đạt 1,414 triệu tấn, giảm 37,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiêu thụ tại thị trường nội địa tăng 12,2%

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), quý 1/2025, sản lượng thép thô sản xuất đạt 5,81 triệu tấn, tăng 9,1%; thép thành phẩm đạt 7,464 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng thép bán ra thị trường quý 1/2025 đạt 7,501 triệu tấn, tăng mạnh 12,2% so với quý 1/2024. Sản xuất thép tăng mạnh, tiêu thụ nội địa khởi sắc nhờ động lực chính thúc đẩy tiêu thụ nội địa đến từ giải ngân đầu tư công.

Lý giải về việc tiêu thụ tại thị trường nội địa khởi sắc, VSA nhận định, yếu tố chủ lực thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép trong nước thời gian qua chính là nhờ vào tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, sân bay Long Thành hay các tuyến vành đai tại Hà Nội và TP.HCM đã góp phần tạo ra lực cầu mạnh đối với thép xây dựng.

Trong đó, thép xây dựng là phân khúc ghi nhận mức tăng trưởng nổi bật với sản lượng đạt 3,003 triệu tấn (tăng 10,6%) và sản lượng tiêu thụ đạt 3,075 triệu tấn (tăng 19,9%). Dẫn đầu thị phần trong quý 1/2025 là Hòa Phát với 1.191.729 tấn, chiếm 38,76%, tiếp đến là Tổng công ty Thép Việt Nam – CTCP (VNSteel) với 355.660 tấn (11,57%), theo sau là Việt Đức, Vinakyoei và POSCO Yamato Vina.

Đối với các phân khúc khác, sản lượng ống thép đạt 579 nghìn tấn (tăng 6,9%) và lượng tiêu thụ đạt 626 nghìn tấn (tăng 18,1%). Ngoài ra, các sản phẩm như thép cuộn cán nóng (HRC) cũng ghi nhận doanh số bán hàng đạt 1,909 triệu tấn (tăng 9,2%), dù sản lượng sản xuất giảm nhẹ 1,3%. Thép cán nguội (CRC) đạt mức tiêu thụ 694 nghìn tấn, tăng mạnh 21% so với cùng kỳ.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, điều chỉnh chiến lược kinh doanh

Trái ngược với sự khởi sắc của thị trường nội địa, hoạt động xuất khẩu thép quý 1/2025 của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, lượng thép xuất khẩu đạt 1,745 triệu tấn, giảm 18,83% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, xuất khẩu thép thành phẩm chỉ đạt 1,414 triệu tấn, giảm sâu tới 37,2% so với cùng kỳ.

Theo phân tích của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), quý I/2025 là giai đoạn đầy thách thức đối với ngành thép trong nước do diễn biến trái chiều giữa thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong khi tiêu thụ trong nước ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, thì hoạt động xuất khẩu lại gặp nhiều trở ngại do các rào cản thương mại từ các thị trường lớn.

Như Hoa Kỳ tuyên bố mở rộng phạm vi áp dụng Đạo luật 232 và áp thuế đối ứng, gây áp lực lên nhiều mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam. Tại châu Âu, Liên minh EU cũng thông báo sẽ cập nhật chính sách phòng vệ thương mại vào tháng 3 và bắt đầu áp dụng từ ngày 1/4.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng dự kiến ban hành chính sách mới đối với thép nhập khẩu trong cùng thời điểm. Những thay đổi này ảnh hưởng trực tiếp đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thép cuộn cán nóng (HRC), tôn mạ, ống thép… khiến lượng và giá trị xuất khẩu biến động trái chiều, phản ánh rõ nét những khó khăn mà ngành thép Việt Nam đang đối mặt trên thị trường quốc tế.

Mặc dù năm 2024, hoạt động xuất khẩu góp phần quan trọng với 31% doanh thu của Tập đoàn Hòa Phát, nhưng theo đại diện của Tập đoàn Hòa Phát, việc sụt giảm doanh thu từ xuất khẩu không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn. Năm 2025, Tập đoàn với định hướng lấy thị trường nội địa làm trọng tâm. Vì thế, trong quý I/2025, sản lượng tiêu thụ nội địa tăng 51%. Thị phần thép xây dựng của Tập đoàn trên thị trường nội địa được nâng lên mức 39%.

Theo các chuyên gia, trước những thách thức từ thị trường quốc tế và sự siết chặt các chính sách bảo hộ thương mại, các doanh nghiệp thép Việt Nam cần chủ động thích ứng để giảm thiểu rủi ro và duy trì tăng trưởng. Trước hết, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường truyền thống như Mỹ, EU hay Ấn Độ.

Ngoài ra, chủ động theo dõi, cập nhật chính sách thương mại toàn cầu để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Đồng thời, cần tăng cường nội lực thông qua liên kết chuỗi, tối ưu chi phí sản xuất và phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, qua đó giúp doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động.

Ánh Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/thi-truong-noi-dia-la-phao-cuu-sinh-cho-nganh-thep-post1196109.vov