Thị trường nông sản: Giá lúa tiếp tục duy trì ở mức cao

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy, tại Cần Thơ, giá lúa tiếp tục duy trì ổn định ở một số giống như: IR 50404 là 6.800 đồng/kg, Jasmine là 7.600 đồng/kg; OM 4218 là 7.500 đồng/kg.

Nông dân xã Phú Tâm huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng thu hoạch lúa. Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN

Nông dân xã Phú Tâm huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng thu hoạch lúa. Ảnh: Tuấn Phi/TTXVN

Tại Sóc Trăng, giá lúa cũng không có sự thay đổi so với tuần trước như: Đài thơm 8 ở mức 8.100 đồng/kg; RVT là 8.200 đồng/kg; OM 5451 vẫn giữ ở mức 7.800 đồng/kg,

Giá lúa tại Kiên Giang có sự tăng giảm trái chiều ở một vài loại, với lúa IR 50404 tăng 100 đồng/kg ở mức 6.500 đồng/kg; thì OM 5451 lại giảm 100 đồng/kg còn 6.700 đồng/kg; riêng Jasmine vẫn ở mức 7.000 đồng/kg.

Giá lúa IR 50404 tại Tiền Giang ở mức 6.700 đồng/kg. Lúa Jasmine vẫn ở mức 7.000 đồng/kg; OC10 là 6.800 đồng/kg.

Giá lúa ST tại Bến Tre vẫn ở mức 8.000 đồng/kg; OM 4900 ở Trà Vinh là 7.200 đồng/kg.

Giá lúa ở Hậu Giang có sự tăng nhẹ tăng 100 đồng/kg ở IR 50404 lên 7.600 đồng/kg; các loại khác vẫn ổn định như RVT là 8.500 đồng/kg, OM 18 là 7.800 đồng/kg.

Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, hầu hết các loại lúa duy trì ổn định. Giá lúa Đài thơm 8 từ 6.900 - 7.000 đồng/kg; OM 5451 từ 6.300 - 6.600 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 6.600 - 6.800 đồng/kg; lúa OM 18 là từ 6.500 - 6.600 đồng/kg; riêng IR 50404 tăng 200 đồng/kg, từ 6.300 - 6.600 đồng/kg.

Nếp khô tại An Giang có giá từ 7.400 - 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô từ 7.700 - 7.900 đồng/kg.

Vụ lúa Hè Thu năm 2023, tỉnh Đồng Tháp xuống giống 184.758 ha/186.900 ha, đạt 98,9% so với kế hoạch, lúa chủ yếu đang giai đoạn mạ - trổ chín. Diện tích đã thu hoạch 67.702 ha, năng suất 69,6 tạ/ha, tăng hơn cùng kỳ năm 2022 là 5,6 tạ/ha.

Năng suất cao ngay từ đầu vụ lúa Hè Thu năm 2023, là bởi tỉnh Đồng Tháp hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ, thông qua hợp tác xã và tổ hợp tác thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững.

Việc liên kết sản xuất lúa giống với Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam, nông dân được công ty thu mua cao hơn so với giá thị trường gần 1.000 đồng/kg. Qua việc liên kết tiêu thu lúa, nông dân có lợi nhuận cao hơn từ 3 - 8 triệu đồng/ha so với diện tích sản xuất lúa không liên kết, đồng thời cho năng suất cao hơn ngoài mô hình.

Tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu tổng sản lượng lúa sản xuất hai vụ Hè Thu và Thu Đông năm nay đạt trên 1,975 triệu tấn để đảm bảo sản lượng lúa cả năm từ 4,4 triệu tấn trở lên, hoàn thành kế hoạch năm 2023.

Theo đó, diện tích gieo trồng vụ lúa Hè Thu 279.350 ha, năng suất thu hoạch bình quân hơn 5,7 tấn/ha, sản lượng 1,593 triệu tấn. Đến thời điểm này, tỉnh xuống giống 255.000 ha, đạt 91,2% kế hoạch, các trà lúa đang sinh trưởng phát triển tốt. Diện tích gieo trồng vụ lúa Thu Đông 71.200 ha, năng suất thu hoạch bình quân 5,3 tấn/ha, sản lượng 382.600 tấn.

Về xuất khẩu, gạo 5% tấm được giao dịch quanh mức 500 - 510 USD/tấn, cao nhất kể từ tuần đầu tháng 4/2021 và lớn hơn so với mức giá 495 - 505 USD/tấn ghi nhận vào tuần trước. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ nhu cầu hiện rất mạnh, khi các nước nhập khẩu gạo đang tìm cách củng cố lượng dự trữ gạo, nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 ước tính tăng khoảng 22,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng chung xu hướng tăng, giá gạo Ấn Độ chạm mức cao nhất của 5 năm nhờ nguồn cung khan hiếm, đi kèm động thái tăng giá thu mua từ chính phủ.

Cụ thể, gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã tăng tuần thứ năm liên tiếp, lên mức từ 409 - 416 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với mức giá từ 397 - 405 USD/tấn của tuần trước, đạt đỉnh tính từ đầu tháng 5/2018. Vào đầu tháng 6, New Delhi đã tăng giá thu mua lúa vụ mùa mới thêm 7%, giúp đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, B.V. Krishna Rao, lý giải giá gạo đang tăng cao hơn là do nguồn cung bị hạn chế. Tuy nhiên, tại ngưỡng giá này, nhu cầu từ người mua châu Phi đang giảm đi.

Quốc gia láng giềng của Ấn Độ, Bangladesh tuyên bố sẽ mở rộng chương trình bán gạo trợ cấp cho người nghèo từ tháng 7/2023, để hỗ trợ họ vượt qua ảnh hưởng bởi giá lương thực tăng cao. Bộ trưởng Lương thực Bangladesh, Sadhan Chandra Majumder, cho biết, theo chương trình này, 10 triệu người sẽ được mua gạo với giá 30 taka (0,28 USD)/kg.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm được niêm yết ở mức 515 USD/tấn, nhiều hơn 10 USD/tấn so với tuần trước và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2021. Một thương nhân tại Bangkok cho biết giá tăng là do nhu cầu của châu Á và châu Phi đối với gạo Thái Lan đang dần nhiều hơn, để thay thế cho nguồn nhập khẩu gạo giá cao của Ấn Độ. Ngoài ra, theo một thương nhân khác, giá gạo tăng một phần được hỗ trợ bởi nguồn cung hạn chế, khi nhiều chuyến hàng được vận chuyển đến Indonesia và Philippines.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) biến động trái chiều trong phiên 30/6. Cụ thể, giá ngô giao tháng 12/2023 giảm 33,75 xu Mỹ (6,39%) xuống 4,9475 USD/giạ; giá lúa mỳ giao tháng 9/2023 giảm 16,5 xu Mỹ (2,47%) xuống 6,51 USD/giạ; trong khi giá đậu tương giao tháng 11/2023 tăng 77,5 xu Mỹ (6,12%) lên 13,4325 USD/giạ (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, tình trạng của vụ ngô và đậu tương tại Mỹ hiện ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Mặc dù triển vọng thời tiết làm tăng sự lạc quan về nguồn cung, nhưng thị trường vẫn đặt dấu hỏi về nhu cầu đối với ngũ cốc của Mỹ, do cạnh tranh gay gắt trên toàn cầu.

Dịch vụ giám sát cây trồng của Liên minh châu Âu (MAR) dự báo sản lượng lúa mỳ của Nga trong năm nay sẽ đạt 86,7 triệu tấn, nhấn mạnh kỳ vọng về một vụ mùa trên mức trung bình.

Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp Câu lạc bộ Kinh doanh Nông nghiệp Ukraine cho biết sản lượng thu hoạch ngũ cốc trong năm 2023 của nước này có khả năng giảm xuống 42,5 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức 53 triệu tấn năm của 2022 do diện tích gieo trồng bị thu hẹp.

Thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe - London sụt giảm phiên thứ tư liên tiếp. Giá cà phê Robusta giao tháng 9 giảm 79 USD, xuống 2.491 USD/tấn và giá cà phê Robusta giao tháng 11 giảm 83 USD, còn 2.391 USD/tấn. Khối lượng giao dịch khá cao, trên mức trung bình.

Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US - New York cùng xu hướng giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 9 giảm 2,60 xu, xuống 159 cent/lb và giá cà phê Arabica giao tháng 12 giảm 2,15 xu, còn 158,10 cent/lb (1lb = 0,45 kg).

Giá cà phê trên hai sàn tiếp tục sụt giảm do các quỹ và nhà đầu cơ đẩy mạnh xu hướng thanh lý, trước khi chốt sổ kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023. Động thái này khiến giá cà phê quay về mức thấp gần 2 năm.

Theo các nhà quan sát, thị trường cà phê hiện thiếu vắng khách mua ngay, gây ảnh hưởng tiêu cực lên giá cà phê thế giới. Do áp lực bán hàng vụ mới đang thu hoạch ở Brazil khiến khách mua chuyển sang các hợp đồng kỳ hạn xa là chủ yếu do có mức giá chênh lệch đáng kể hơn.

Bích Hồng - Diệu Linh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/thi-truong-nong-san-gia-lua-tiep-tuc-duy-tri-o-muc-cao-20230702170813567.htm