Thị trường NPK - 'Cuộc chiến mới' giữa các doanh nghiệp phân bón

Trong bối thị trường phân Ure nội địa đã trở nên bão hòa, một số doanh nghiệp phân bón lớn trên thị trường đang đẩy mạnh việc thâm nhập phân khúc NPK, khiến sức ép cạnh tranh trở nên căng thẳng hơn.

Phân NPK hiện chiếm đến 35% tổng nhu cầu phân bón hàng năm của nước ta nhờ các lợi ích kinh tế loại phân bón này đem lại.

Phân NPK hiện chiếm đến 35% tổng nhu cầu phân bón hàng năm của nước ta nhờ các lợi ích kinh tế loại phân bón này đem lại.

Trong số các loại phân bón chính, Việt Nam đã tự chủ được việc sản xuất phân Ure, phân NPK, phân lân,… và chỉ phải nhập khẩu hoàn toàn phân Kali do không có nguồn quặng Potash.

Trong đó, phân NPK chiếm đến 35% tổng nhu cầu phân bón hàng năm của cả nước do đây là loại phân bón tổng hợp, được đánh giá có tính kinh tế hơn khi chứa đầy đủ 3 hoạt chất (đạm, phốt pho, và Kali) cho cây trồng. Phân Ure và phân lân lần lượt chiếm 28% và 17% tổng nhu cầu phân bón hàng năm.

Đáng chú ý, so với mức đỉnh trong tháng 6/2022, giá phân bón NPK có tốc độ giảm giá chậm hơn nhiều loại phân đơn khác, đồng thời duy trì được giá bán ổn định hơn các loại phân đơn. Nguyên nhân chính là do tính kinh tế loại phân bón này mang lại nên nhu cầu duy trì tốt.

Giá phân bón NPK có tốc độ giảm chậm hơn so với giá các loại phân bón đơn khác trong giai đoạn vừa qua. (Nguồn: AgroMonitor, Chứng khoán Rồng Việt)

Giá phân bón NPK có tốc độ giảm chậm hơn so với giá các loại phân bón đơn khác trong giai đoạn vừa qua. (Nguồn: AgroMonitor, Chứng khoán Rồng Việt)

Theo dữ liệu của Chứng khoán Rồng Việt, thị trường NPK trong nước hiện mang tính chất phân tán khi các doanh nghiệp nhỏ chiếm tới 52% thị phần; trong khi 2 doanh nghiệp có sản lượng lớn nhất cả nước hiện nay là Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (mã cổ phiếu BFC) và Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã cổ phiếu LAS) chỉ lần lượt chiếm 15% và 19% thị phần.

Trong bối cảnh thị trường phân Ure đã gần như bão hòa, một số doanh nghiệp phân bón lớn trên thị trường như Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã cổ phiếu DPM) và Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) đều có động thái gia tăng thị phần tại phân khúc NPK.

Đáng chú ý, tổng công suất thiết kế NPK trong nước gần 4 triệu tấn/năm, hiệu suất hoạt động trung bình ngành qua các năm dao động từ 49% đến 60%, cho thấy hầu hết các công ty sản xuất nội địa đều đang gặp tình trạng dư thừa công suất.

Thị phần phân bón NPK nội địa. (Nguồn: Chứng khoán Rồng Việt)

Thị phần phân bón NPK nội địa. (Nguồn: Chứng khoán Rồng Việt)

Do đó, việc Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau gia tăng thâm nhập mảng NPK sẽ khiến sự cạnh tranh gia tăng đáng kể. Đồng thời, do giá ure, kali, và phân lân đầu vào thường chiếm lần lượt khoảng 50%, 28%, và 22% chi phí sản xuất phân NPK nên việc Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đang sở hữu công nghệ sản xuất ure hiện đại với sản lượng cao sẽ sở hữu lợi thế lớn tại mảng NPK.

Tuy nhiên, dữ liệu của Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, mặc dù thâm nhập thị trường từ cuối năm 2018 nhưng sản lượng tiêu thụ NPK hàng năm của Đạm Phú Mỹ chỉ dao động từ 40 - 50% công suất thiết kế. Phân khúc NPK của Đạm Phú Mỹ mới chỉ phục hồi trong quý 1/2024 với biên lợi nhuận gộp đạt 5%, sau khi ghi nhận lỗ gộp trong 4 quý liền kề trước đấy.

Bên cạnh đó, Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, mặc dù Phân bón Bình Điền gia nhập mảng NPK từ năm 2012 và giữ vị thế lâu năm nhưng hiện công ty chưa có kế hoạch cải tiến công nghệ sản xuất. Điều này có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.

Ngược lại, Đạm Cà Mau đang nổi lên là “đối thủ nặng ký” sau khi mạnh tay mua lại Nhà máy Phân bón Hàn - Việt có vốn điều lệ hơn 2.000 tỷ đồng, với công suất thiết kế 360.000 tấn NPK/năm. Qua đó, nâng công suất mảng NPK của Đạm Cà Mau lên hơn gấp đôi, đạt 660.000 tấn/năm.

Với vị trí địa lý chiến lược và kho bãi rộng, Phân bón Hàn - Việt được kỳ vọng sẽ giúp Đạm Cà Mau thâm nhập sâu vào những thị trường NPK tiềm năng lớn ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, và miền Trung. Do nhà máy NPK hiện tại của Đạm Cà Mau chủ yếu phục vụ thị trường Tây Nam Bộ và Campuchia. Tại khu vực Tây Nam Bộ, Đạm Cà Mau chiếm đến 61% thị phần.

Tương quan biến động giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp phân bón trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Tương quan biến động giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp phân bón trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Bên cạnh đó, với việc Nhà máy Ure của Đạm Cà Mau đã hết khấu hao, giúp chi phí sản xuất phân bổ cho mảng ure giảm xuống; qua đó, có thể giảm chi phí sản xuất NPK trong thời gian tới, tạo dư địa cạnh tranh cho Đạm Cà Mau khi đẩy mảnh thâm nhập thị trường.

Ngoài ra, triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón trong thời gian tới được hỗ trợ bởi việc phân bón có thể được chuyển từ diện không chịu Thuế Giá trị Gia tăng (VAT) sang danh mục chịu thuế VAT 5%. Luật Thuế VAT (sửa đổi) đã được thảo luận tại kỳ họp Quốc Hội thứ 7 (từ 20/05/2024 đến 28/06/2024), và sẽ được biểu quyết để thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Hiện tại giá phân bón trong nước cao hơn giá phân bón nhập khẩu một phần là do giá thành cao hơn khi các doanh nghiệp sản xuất phải chịu thêm chi phí VAT 10% (do không được khấu trừ). Nếu Luật thuế VAT (sửa đổi) được thông qua, giá thành sản xuất phân bón trong nước có thể giảm, đồng thời giá bán phân bón nhập khẩu sẽ tăng thêm 5% do thuế VAT. Điều này giúp gia tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/thi-truong-npk--cuoc-chien-moi--giua-cac-doanh-nghiep-phan-bon-123467.htm