Thị trường ô tô đóng băng, người tiêu dùng 'nín thở' chờ giảm phí trước bạ

Những ngày cuối tháng 7/2024, sát mốc thời điểm 1/8 được chờ đợi sẽ có chính sách giảm thuế trước bạ cho xe lắp ráp và sản xuất trong nước, cả thị trường ô tô Việt rơi vào tình trạng 'đóng băng' để chờ chính sách. Nguyên nhân là bởi người tiêu dùng đang ngóng chờ chính sách để tính toán việc 'mua hay không mua' nhằm hưởng ưu đãi tốt nhất.

Người tiêu dùng Việt đang hồi hộp chờ chính sách giảm thuế trước bạ.

Người tiêu dùng Việt đang hồi hộp chờ chính sách giảm thuế trước bạ.

Sở dĩ người tiêu dùng “thấp thỏm” trước chính sách giảm thuế trước bạ lần này hơn so với những lần trước là bởi cách đây chưa lâu, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ về đề xuất phương án cân nhắc không giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Lý do được Bộ Tài chính đưa ra là bởi lo ngại việc giảm 50% lệ phí trước bạ với sẽ vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục ký ban hành Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 21/7 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tháng 7 và quý III năm nay. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu tác động, hoàn thiện, đề xuất Chính phủ nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7.

Tuy nhiên, đến hết ngày 30/7, việc có chính sách giảm thuế trước bạ hay không vẫn là một “ẩn số”.

Theo báo cáo doanh số bán hành các thành viên của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA), trong tháng 6, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 12.962 xe, tăng 8% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 13.613 xe, giảm 1% so với tháng trước.

Đáng chú ý trong báo cáo của VAMA đó là trong tháng 6, lượng xe nhập khẩu đạt 13.613 chiếc, trong khi xe sản xuất lắp ráp trong nước chỉ đạt 12.962 xe.

Vào tháng 5, xe lắp ráp tụt khá sâu khi doanh số chỉ là 11.985 xe, trong khi xe nhập khẩu đạt 13.809 xe.

Xa hơn là mốc tháng 4, doanh số xe lắp ráp đạt 11.983 xe còn xe nhập khẩu đạt 12.367 xe. Tháng 4 cũng là thời điểm có thông tin về việc Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng trong tháng 5 về gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Nhưng số liệu trên cho thấy rằng người tiêu dùng trong nước rất chờ đợi chính sách giảm thuế trước bạ 50% với xe lắp ráp, sản xuất trong nước.

Chính vì vậy, khi Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc không giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sau mốc thời gian phải báo cáo Chính phủ, đã có ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý toàn thị trường. Cả người tiêu dùng và doanh nghiệp ô tô kỳ vọng đây là một trong những yếu tố giúp kích cầu thị trường trong nửa cuối năm 2024.

Đến hết 30/7 vẫn chưa có thông tin chính thức về chính sách giảm thuế trước bạ khiến cả thị trường trầm lắng.

Đến hết 30/7 vẫn chưa có thông tin chính thức về chính sách giảm thuế trước bạ khiến cả thị trường trầm lắng.

Khi thực hiện các ưu đãi về lệ phí trước bạ, Ngân sách Nhà nước sẽ không thu được hàng nghìn tỷ đồng lệ phí trước bạ ô tô nhưng ngược lại, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT lại tăng mạnh nhờ lượng xe bán ra tăng.

Nhưng trong lần thứ 4 dự kiến có thể giảm thuế trước bạ đã có nhiều luồng dư luận trái chiều và các chuyên gia trong ngành cho rằng sẽ vi phạm Hiệp định WTO, các FTA mà Việt Nam đã tham gia và sẽ phản ứng. Để giải quyết bài toán này, nếu như Việt Nam vẫn tiếp tục giảm lệ phí trước bạ xe sản xuất và lắp ráp trong nước thì theo quy định của WTO và các FTA, chúng ta cũng phải có chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô nhập khẩu. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, điều này hoàn toàn không có lợi cho ngành sản xuất ô tô trong nước.

Thực tế, rất nhiều người tiêu dùng đã “đón sóng” để hưởng ưu đãi kép và tìm mua xe từ khoảng thời gian tháng 6/2024, nhưng sau đó đã buộc phải đi làm thủ tục lấy xe luôn vì chính sách không có đúng như dự đoán dẫn đến “thiệt nhiều hơn được”.

Trong khi đó, một phần tiếp tục chờ đợi “hạn chót” là ngày 1/8 để cân đối tài chính và “căn giờ G” để xuống tiền mua xe. Tuy nhiên, đến hết 30/7, chính sách vẫn là một dấu hỏi, dẫn đến tình cảnh thị trường ô tô Việt đang rơi vào thời điểm ảm đạm chưa từng có.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, thời điểm có chính sách hay không vẫn chưa được chốt, khách hàng có tâm lý chờ đợi, dẫn đến sức tiêu thụ bị chùng xuống, lượng xe tồn kho tăng lên, dòng tiền của hãng cũng như khách hàng cũng đóng băng. Điều này sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới tâm lý toàn thị trường cũng như kế hoạch sản xuất của các hãng xe lắp ráp trong nước.

Các hãng xe và các đại lý phân phối thời gian qua cho biết từ khi có thông tin giảm lệ phí trước bạ xuất hiện đến nay, doanh số ô tô lắp ráp trong nước đang ở tâm thế ngày càng ảm đạm hơn do nhiều khách hàng đã hoãn kế hoạch mua xe để ngóng giảm lệ phí trước bạ.

Trước tình cảnh hiện tại của thị trường xe Việt, nhiều chuyên gia cho rằng việc lo ngại vi phạm các quy định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết là hợp lý. Tuy nhiên, Chính phủ cũng có thể xem xét giảm mức lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước tương đương với các nước trong khu vực để tránh xảy ra xung đột. Bên cạnh đó, cũng cần tìm cách để xử lý mềm mại thay vì tuân thủ cứng nhắc các cam kết quốc tế.

Lê Vũ

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/automotive/thi-truong-o-to-dong-bang-nguoi-tieu-dung-nin-tho-cho-giam-phi-truoc-ba.htm