Thị trường ô tô Việt Nam 2023 và cú 'bẻ lái' của lệ phí trước bạ
Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước giống như một cú 'bẻ lái' tạo nên sự khác biệt đáng kể của thị trường ô tô Việt Nam năm 2023.
Trong bức tranh toàn cảnh phủ đầy những gam màu u ám của thị trường ô tô Việt Nam năm 2023, các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) vẫn tạo được những điểm sáng đáng khích lệ nhờ chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ của Chính phủ. Tuy nhiên, khi thị trường bước sang năm mới, trạng thái cân bằng sẽ được thiết lập giữa nhóm xe CKD với xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU).
Ô tô CKD mất lợi thế
Nếu hình dung thị trường ô tô Việt Nam năm 2023 như một tuyến đường dài thì quý 1 chính là chặng đầu cao tốc. Sức mua ô tô 3 tháng đầu năm duy trì ở mức cao nhờ quán tính bùng nổ của năm 2022. Thế nhưng, "khúc cua" tháng 4 đã khiến "cỗ xe" thị trường rẽ hướng vào chặng gian nan kéo dài cho đến tận cuối năm bất chấp những nỗ lực của người cầm lái.
Theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng sản lượng bán hàng ô tô trên toàn thị trường tháng 3/2023 đạt 30.038 chiếc. Đây là mức sản lượng bình quân tương đối cao. Tuy nhiên, bước sang tháng 4, sức mua bất ngờ đánh rơi mất 25% xuống còn 22.409 chiếc. Sang tháng 5, sức mua tiếp tục suy giảm thêm 8% xuống còn 20.726 chiếc.
Đà suy giảm sức mua ô tô được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cường trong những tháng tiếp theo dựa trên những lo ngại chung của cả nền kinh tế. Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, ngày 28/6/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, kể từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2023, mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô CKD sẽ giảm xuống bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ. Cụ thể, trong giai đoạn nửa cuối năm 2023, người tiêu dùng mua ô tô CKD sẽ chỉ phải nộp lệ phí trước bạ bằng 5 – 6% giá bán lẻ niêm yết tùy từng địa phương.
Ngay sau khi chính sách hỗ trợ của Chính phủ được ban hành, sức mua ô tô đã có được sự hồi phục. Đáng chú ý là nếu nhìn vào toàn thị trường, tỷ lệ hồi phục sức mua là không nhiều. Sự khác biệt sẽ rất rõ ràng khi phân tách 2 nhóm xe CBU và CKD.
Nhờ được giảm 50% lệ phí trước bạ, sản lượng bán hàng ô tô CKD đã liên tiếp tăng trưởng ở tỷ lệ 2 con số so với các liền trước. Trong khi đó, lượng ô tô CBU ra thị trường lại rơi vào đà suy giảm kéo dài. Rõ ràng, lực đỡ từ chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đã tạo nên những tác động rất tích cực với xe CKD nhưng không phải dành cho tất cả, cụ thể là sự thất thế của ô tô CBU.
Cân bằng lực lượng
Sang năm 2024, ô tô CKD sẽ mất đi lực đỡ rất lớn từ chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ của Chính phủ. Do đó, thị trường sẽ trở về trạng thái cân bằng lực lượng giữa xe nội và xe ngoại.
Các chuyên gia dự báo, thị trường ô tô Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với vô số khó khăn ít nhất trong giai đoạn nửa đầu năm mới. Những diễn biến được cho là tích cực của kinh tế vĩ mô mang đến nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng, thị trường ô tô chưa thể sớm hồi phục khi sức chịu đựng của cộng đồng doanh nghiệp hay khả năng tài chính của người dân đã đến giới hạn bởi trên thực tế, "của để dành" đã được sử dụng hết cho những gắng gượng trong năm 2023.
Đáng lưu tâm là khi Nghị định 41/2023/NĐ-CP của Chính phủ hết hiệu lực kể từ ngày 31/12/2023, lực lượng chính của thị trường là các loại xe CKD (chiếm 70% dung lượng thị trường nửa cuối năm 2023) sẽ mất đi sự trợ giúp đắc lực. Khi ấy, cuộc đua "trụ hạng" năm 2024 giữa xe CKD và CBU sẽ trở về thế cân bằng.
Một thực tế không thể phủ nhận là trong năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng nhờ chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ. Chính nhờ lực đỡ này, các hãng xe trong nước đã bớt được khoản chi phí khổng lồ để dồn sức cho những đợt giảm giá, khuyến mại kỷ lục. Từ bỏ lợi nhuận là những "giãi bày" của hàng loạt doanh nghiệp ô tô trong nước. Nhưng nếu nhìn sang phía bên kia, không ít hãng xe nhập khẩu thậm chí ca thán đã phải "cắt máu" để níu kéo doanh số.
Khó khăn chưa thể triệt tiêu và "cỗ xe" thị trường ô tô Việt Nam năm 2024 đương nhiên sẽ còn phải gắng gượng để vượt qua những gập ghềnh, đèo dốc. Và như đã đề cập ở trên, khi hầu hết các doanh nghiệp đã phải chi tiêu hết "của để dành" cho năm 2023, mặt bằng giá ô tô năm 2024 có thể sẽ không còn "hời" như cũ đối với người tiêu dùng.
Trong thế cân bằng giữa 2 lực lượng, ô tô CKD có thể vẫn sẽ ít nhiều nắm lợi thế khi các doanh nghiệp đã có được 6 tháng cuối năm 2023 tiết kiệm sức lực nhờ chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ của Chính phủ. Đối với ô tô nhập khẩu, nguy cơ rời khỏi cuộc chơi của một vài hãng xe có thể không hoàn toàn được loại trừ.
Lúc này, giống như nhiều ngành khác, kỳ vọng lớn nhất của thị trường ô tô năm 2024 chính là trông chờ vào sự hồi phục mạnh mẽ của cả nền kinh tế.