Thị trường phản ứng tiêu cực đối với kế hoạch ngân sách của Anh

Tâm lý lo ngại của thị trường đã đẩy chi phí vay nợ của Anh đạt mức cao nhất trong năm nay, với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng 0,09 điểm phần trăm lên 4,44%.

Đồng bảng Anh tại ngân hàng ở London ngày 25/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng bảng Anh tại ngân hàng ở London ngày 25/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 31/10, tình trạng bán tháo trái phiếu chính phủ Anh vẫn tiếp tục diễn ra trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại về khoản nợ bổ sung trong Ngân sách mùa Thu vừa được Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves công bố một ngày trước.

Tâm lý lo ngại của thị trường đã đẩy chi phí vay nợ của Anh đạt mức cao nhất trong năm nay, với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng 0,09 điểm phần trăm lên 4,44%. Trong khi đó, đồng bảng của Anh đã giảm 0,8% giá trị, với mức quy đổi còn 1,286 USD/bảng Anh, thấp nhất trong hơn hai tháng.

Động thái mới của thị trường diễn ra sau phiên giao dịch biến động vào ngày 30/10 khi thị trường trái phiếu phản ứng tiêu cực với bản Ngân sách mùa Thu năm 2024, trong đó chính phủ Công đảng có kế hoạch vay thêm 28 tỷ bảng (36,12 tỷ USD) một năm để đảm bảo cải thiện chi tiêu cho các dịch vụ công và nền kinh tế.

Nhận định về bản Ngân sách đầu tiên của Công đảng sau 14 năm, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR), một cơ quan độc lập chịu trách nhiệm dự báo kinh tế và giám sát tài chính công của Anh, cho rằng đây là “một trong những đợt nới lỏng tài chính lớn nhất trong những thập kỷ gần đây”.

Theo ông Ben Nicholl, nhà quản lý quỹ cấp cao tại công ty quản lý quỹ đầu tư Royal London Asset Management, một số nhà đầu tư hiện lo ngại rằng các giả định trong Ngân sách của bà Reeves là quá lạc quan và chính phủ Công đảng có thể sẽ phải một lần nữa vay thêm tiền và tăng thuế vào tháng Tư tới.

OBR đã chỉ ra mức độ không chắc chắn cao về lợi tức doanh thu của một số chính sách thuế, như các thay đổi đối với thuế áp dụng đối với người không cư trú, thuế đối với lãi suất chuyển nhượng và thuế thừa kế được trả cho tài sản hưu trí.

Các số liệu từ Văn phòng Quản lý Nợ (DMO) cũng cho thấy doanh số bán nợ có khả năng đạt 300 tỷ bảng trong năm tài chính hiện tại, tăng so với ước tính trước đó là 278 tỷ bảng và cao hơn một chút so với kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Việc tăng lợi suất trái phiếu chính phủ đã đưa chi phí đi vay 10 năm của Anh tiến gần đến mức đỉnh 4,63% sau bản Ngân sách “mini” vào tháng 9/2022 của Thủ tướng khi đó là bà Liz Truss, một sự kiện đã gây ra cuộc khủng hoảng trên thị trường trái phiếu chính phủ Anh và khiến đồng bảng lao dốc xuống mức thấp kỷ lục.

Theo chuyên gia tài chính của ngân hàng JPMorgan, quyết định tăng thuế, vay nợ và chi tiêu quy mô lớn của chính phủ Công đảng sẽ thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát trong ngắn hạn, đồng thời Ngân sách sẽ “thay đổi phép tính” cắt giảm lãi suất.

Sau khi Ngân sách được công bố, các nhà đầu tư dự báo Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong 12 tháng tới, giảm so với bốn lần hoặc năm lần trong dự báo trước đó.

Thị trường cổ phiếu Anh đã giảm điểm khi các nhà giao dịch thu hẹp kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất. Chỉ số FTSE 100 đã giảm 0,6%, trong khi FTSE 250 giảm 1,5%.

Hữu Tiến (P/v TTXVN tại London)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thi-truong-phan-ung-tieu-cuc-doi-voi-ke-hoach-ngan-sach-cua-anh/351961.html