Thị trường pháo hoa tết: Cung không đủ cầu

Tết năm nay, Nhà máy Z121 cung cấp khoảng 6 triệu giàn pháo hoa ra thị trường, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, dẫn đến giá tăng cao. Trong khi đó, tình trạng pháo giả và pháo lậu vẫn diễn biến phức tạp.

Giá tăng từng ngày

Theo quy định, chỉ loại pháo do Nhà máy Z121 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng) sản xuất và phân phối thông qua các cửa hàng đã đăng ký mới được coi là hợp pháp.

 Pháo hoa lậu nhập từ Thái Lan được rao bán trên mạng xã hội

Pháo hoa lậu nhập từ Thái Lan được rao bán trên mạng xã hội

Dù vậy, theo khảo sát của PV Báo SGGP, năm nay pháo hoa vẫn được bán tràn lan trên mạng xã hội, với giá chênh lệch khoảng 40.000-50.000 đồng/giàn so với giá niêm yết. Các cá nhân và cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ cũng thu gom pháo từ các đại lý, cửa hàng (với giá sỉ) rồi tiếp tục bán qua mạng xã hội với giá chênh lệch 50.000-70.000 đồng/giàn so với giá gốc. Giá pháo hoa đang tăng lên từng ngày khi Tết Nguyên đán cận kề.

Hiện tại, các giàn “phun viên” (tem sản xuất năm 2024) và “phun viên nhấp nháy” (tem sản xuất năm 2024) của Nhà máy Z121 được rao bán với giá tới 450.000-490.000 đồng/giàn. Trong khi đó, vào giữa tháng 12-2024, loại “phun viên nhấp nháy” chỉ được rao bán với giá 370.000-390.000 đồng/giàn và loại “phun viên” ở mức 390.000-400.000 đồng/giàn. Còn giá pháo hoa đã được niêm yết công khai trên website chính thức của Nhà máy Z121, cụ thể: giàn “phun viên” có giá 350.000 đồng/giàn, giàn “phun viên nhấp nháy” 330.000 đồng/giàn, song tình trạng “thổi giá” vẫn diễn ra. Các sản phẩm khác như thác nước bạc (350.000 đồng), ống phun hoa lửa cầm tay (6.600 đồng), cánh hoa xoay (55.000 đồng), cây hoa lửa (1.300 đồng) ít được người tiêu dùng quan tâm.

Anh Nguyễn Đức Lượng, chủ một đại lý cung ứng pháo hoa ở quận Hà Đông (Hà Nội), cho biết sau 5 năm Nhà nước cho phép sử dụng pháo hoa trở lại, số lượng người chơi pháo hoa đã tăng mạnh. Nhà máy Z121 hiện là đơn vị duy nhất được phép sản xuất và kinh doanh pháo hoa. Mặc dù năm nay, nhà máy cung cấp khoảng 6 triệu giàn pháo hoa ra thị trường, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, dẫn đến giá tăng cao. Trong khi đó, tình trạng pháo giả và pháo lậu vẫn diễn biến phức tạp.

Đại tá Trần Anh Mạnh, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của Nhà máy Z121, cho biết năm nay nhà máy cung ứng ba sản phẩm chính: giàn phun viên, giàn phun viên nhấp nháy và giàn phun hoa. Những sản phẩm này có hiệu ứng đẹp, với độ cao khoảng 25m, màu sắc rõ nét và ít khói hơn so với các năm trước.

Rầm rộ chợ pháo lậu

Một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng pháo hoa của Nhà máy Z121 sản xuất năm nay không có nhiều cải tiến so với năm ngoái và hiệu ứng ánh sáng không đẹp bằng các loại pháo hoa nhập khẩu từ Thái Lan hoặc Trung Quốc. Điều này đã tạo cơ hội cho các đối tượng buôn lậu nhập các loại pháo từ nước ngoài để bán lén lút trên thị trường.

Theo luật sư Nguyễn Thị Tuyết, Phó Giám đốc Công ty TNHH Luật Trung Cường, các loại pháo nhập về từ Thái Lan và Trung Quốc, dù là hàng thật, cũng bị coi là bất hợp pháp tại Việt Nam. Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định chỉ các loại pháo hoa không có tiếng nổ và phải do các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất mới được phép sử dụng. Các loại pháo hoa có tiếng nổ, pháo nổ hoặc sản phẩm gây tiếng rít, tiếng nổ đều bị nghiêm cấm. Để đảm bảo an toàn, người dân chỉ nên mua pháo hoa tại các cửa hàng được cấp phép, kiểm tra kỹ tem mác và thông số kỹ thuật để tránh rủi ro.

Tìm hiểu của Báo SGGP, hoạt động mua bán pháo hoa lậu đã diễn ra rầm rộ từ tháng 6-2024 đến nay. Trên mạng xã hội, các nhóm (group) chuyên trao đổi, buôn bán pháo hoa lậu được lập ra nhằm phục vụ nhu cầu này. Ví dụ, một giàn pháo hoa Thái Lan (loại 36 ống và 49 ống) có giá rao bán trên mạng xã hội lên tới 600.000-900.000 đồng/giàn vào tháng 8-2024, nhưng đến tháng 12-2024 và đầu năm 2025 đã tăng lên tới 1,3-1,5 triệu đồng/giàn. Một chủ tài khoản rao bán pháo hoa Trung Quốc nói với PV Báo SGGP: “Muốn mua được pháo hoa đẹp với giá rẻ thì phải đặt mua, giao dịch từ trước tết 5-7 tháng”.

Chúng tôi đã tiếp cận một số “đầu nậu” qua mạng xã hội. Gần tết, hầu hết các “đầu nậu” yêu cầu chỉ giao dịch trực tiếp để tránh rủi ro (mất hàng). Tuy nhiên, một số kẻ lại lợi dụng cơ hội khan hiếm này để lừa đảo, bằng cách yêu cầu người mua đặt cọc để gửi hàng qua bưu điện, nhưng rồi cắt đứt toàn bộ liên lạc, chiếm đoạt tiền. Anh Hoàng Cao Thắng ở phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội), cho biết, có một số người vẫn nhận được hàng nhưng phát hiện bên trong là pháo giả, thậm chí có trường hợp bên trong các ống pháo chỉ là đất.

PHÚC HẬU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thi-truong-phao-hoa-tet-cung-khong-du-cau-post779144.html