Thị trường sữa phân hóa theo khu vực

Trong khi giá sữa bột trên sàn CME (Mỹ) ổn định và tăng nhẹ, giá trên sàn NZX (New Zealand) có xu hướng giảm khá mạnh. Cụ thể, tính đến ngày 13-6, giá sữa bột nguyên kem và sữa bột tách béo ở New Zealand giảm lần lượt 14,3% và 6,7% so với ngày 8-3.

Tại Mỹ, giá sữa bột Nonfat Dry Milk ổn định ở mức cao, sau khi đã tăng giá liên tục kể từ tháng 4-2020 đến nay với mức tăng lên tới 120%. Trong cùng khoản thời gian, giá sữa Class IV Milk tại Mỹ tiếp tục tăng 4% kể từ ngày 8-3, sau khi đã ghi nhận mức tăng 148%.

Phân hóa do nền kinh tế gián đoạn

Theo số liệu thống kê của UN Comtrade, Trung Quốc chiếm tỷ trọng tới 50% trong thị phần xuất khẩu sữa bột của New Zealand năm 2021. Do đó, khi nước này phong tỏa trên diện rộng để thi hành chính sách Zero Covid trong vài tháng qua, đã làm gián đoạn dòng chảy thương mại sữa bột từ New Zealand, gây nên sức ép giảm giá cho thị trường tại đây.

Giá sữa bột cũng có dấu hiệu tăng trở lại kể từ giữa tháng 5, khi Trung Quốc lên kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa vào đầu tháng 6. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá có tiếp diễn hay không còn tùy thuộc vào quan điểm chống dịch của Trung Quốc. Nếu hoạt động phong tỏa và nới lỏng thay đổi liên tục vẫn sẽ tạo ra trạng thái dư thừa sữa bột trên thị trường New Zealand.

Trong khi đó, cơ cấu thị trường xuất khẩu sữa bột của Mỹ cho thấy, nhu cầu người mua phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN với tỷ trọng hơn 37%. Theo dự báo GDP mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khu vực ASEAN dự kiến đạt mức tăng trưởng trung bình 5,3% trong năm 2022. Mức tăng trưởng GDP ấn tượng của khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là không gián đoạn bởi dịch bệnh đã qua kể từ đầu năm nay, đã thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ đối với sữa bột xuất khẩu của Mỹ.

Cơ cấu xuất nhập khẩu của thế giới

New Zealand là quốc gia xuất khẩu sữa bột lớn nhất với 1,97 triệu tấn, trong đó sữa bột nguyên kem 1,62 triệu tấn và 350.000 tấn sữa bột không béo. Nếu chỉ tính riêng thị phần sữa bột nguyên kem, New Zealand chiếm thị phần tới 73% thế giới trong năm 2021.

Đứng thứ 2 về xuất khẩu sữa bột là khu vực EU với 1,13 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 24%. Trong đó, lượng sữa bột nguyên kem xuất khẩu của EU là 310.000 tấn và sữa bột không béo 820.000 tấn. Mỹ tuy đứng thứ 3 về thị phần sữa bột với 925.000 tấn (tỷ trọng 20%), nhưng tính riêng về sữa bột không béo Mỹ là quốc gia xuất khẩu lớn nhất với 887.000 tấn, chiếm thị phần 36%.

Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu lớn nhất với 1,32 triệu tấn, tương đương tỷ lệ 46%. Tiếp theo là Algeria và Mexico với nhu cầu nhập khẩu lần lượt 340.000 và 335.000 tấn. Nếu tính riêng sữa bột nguyên kem, tỷ trọng của Trung Quốc chiếm tới 65% với 880.000 tấn. Về cơ cấu thị trường nhập khẩu sữa bột của Trung Quốc, tỷ trọng của New Zealand chiếm tới gần 68%.

Triển vọng giá sữa trong thời gian tới

Về nguồn cung, theo báo cáo mới nhất ngày 10-6 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng sữa cho năm 2022 được hạ dự báo so với tháng trước, do tốc độ tăng trưởng sữa trên mỗi con bò thấp hơn so với mức dự kiến trước đó. Ngoài ra, lượng sữa trên mỗi con bò cũng được dự báo giảm nhẹ vào năm 2023, do đó triển vọng nguồn cung sữa có xu hướng giảm trong trung hạn.

Quan sát từ năm 2011 đến nay, cho thấy nhu cầu tiêu thụ sữa dạng lỏng của thế giới có sự tương quan rất chặt chẽ với mức GDP của Trung Quốc. Nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tốt, nhu cầu tiêu thụ sữa dạng lỏng cũng tăng theo, dẫn tới nguồn cung sữa bột thấp hơn do sữa bột được làm bốc hơi từ sữa dạng lỏng. Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay vẫn chưa rõ ràng. Trong báo cáo mới nhất của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tăng trưởng của Trung Quốc đến cuối năm nay vẫn đạt 3,5%, và theo dự báo của IMF là 4,4%.

Tuy nhiên, nếu quan điểm về chống dịch của nước này vẫn chưa rõ ràng và tình trạng này kéo dài, khả năng kinh tế Trung Quốc sẽ bị điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng trong các kỳ báo cáo tiếp theo của các tổ chức nghiên cứu. Khi đó thị trường sữa ở New Zealand sẽ tiếp tục giảm do định giá theo con số dự báo GDP.

Tuy nhiên, trong trung hạn giá sữa thị trường nước này cũng được kỳ vọng quay trở lại xu hướng tăng tiếp tục khi nỗi lo dịch bệnh qua đi ở Trung Quốc. Bởi các cơ quan điều hành kinh tế nước này đã có các động thái hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua, mặc dù sự hỗ trợ chưa phát huy tác dụng bởi các gián đoạn bất khả kháng từ chính sách Zero Covid.

Về thị trường sữa ở Mỹ, triển vọng tăng giá khá vững chắc, do các nền kinh tế ở khu vực ASEAN đang được kỳ vọng tăng trưởng kinh tế vững vàng, với mức tăng trưởng lần lượt 5,3% và 5,9% trong năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, viễn cảnh về thị trường sữa bột sẽ rõ ràng hơn trong khoảng 1 tháng tới, sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ ban hành báo cáo đầy đủ hơn về các con số cung - cầu của thị trường vào nửa cuối tháng 7 tới.

Phạm Tuấn

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/thi-truong-sua-phan-hoa-theo-khu-vuc-106367.html